Trước tình hình phức tạp về thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2002, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhằm ổn định thị trường, lưu thông hàng hóa thông suốt, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Đẩy mạnh và nâng cao công tác quản lý thị trường.
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch nên tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần – 2022 vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn.
Để phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm; các hành vi gian lận thương mại (đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật, ...), Cục QLTT Thanh Hóa sẽ tập trung lực lượng, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán, các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19; kết nối chặt chẽ, kịp thời với Tổ giá sát COVID-19 cộng đồng trong thực hiện các biện pháp nghiệp vụ. kịp thời phát hiện các phương thức, thủ đoạn mới trong hoạt động buôn lậu, gia lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Các đội QLTT trực thuộc tiếp tục ra soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh dữ liệu các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ thương mại trên địa bàn trên hệ thống xử lý vi phạm hành chính. Coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu có tính chất thường xuyên, liên tục trong thực hiện nhiệm vụ quản lý địa bàn. Đồng thời chủ động nắm tình hình cung cầu hàng hóa và giá cả, lượng hàng sự trữ của các đơn vị kinh doanh đóng trên địa bàn, nhất là những mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán; phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm để có giải pháp kịp thời.
Định kỳ khảo sát tình hình thị trường về cung cầu và giá bán lẻ bình quan chung của các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá và các mặt hàng quan trọng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, …. .
Tập trung thực hiện các Chỉ thị, Kế hoạch, Chuyên đề hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ; chống buôn lậu thuốc lá; pháo nổ; lợn và các chế phẩm từ lợn; gia cầm, gia súc và sản phẩm gia gia cầm, gia súc không rõ nguồn gốc; nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền; hoạt động thương mại điện tử.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát những mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên Đán.
Với mục tiêu để nhân dân có một cái Tết Nguyên đán lành mạnh, an toàn và tiết kiệm, trong thời gian tới, Cục QKTT Thanh Hóa sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như quần áo, giày dép, lương thực thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả, rượu bia thuốc lá, xì gà, nước giải khát; hàng điện tử điện lạnh; các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 như khẩu trang, nước sản khuẩn, nhiệt kế, … .
Đồng thời kết hợp kiểm tra các biểu hiện của hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật; kiểm tra việc thực hiện đo lường hàng hóa, công bố chất lượng hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa của các cơ sở sản xuất, bán lẻ để phát hiện các thủ đoạn về gian lận về giá hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá; kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hóa, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, chất lượng và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến. Ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, … qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về các sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục cấm nhập khẩu, các sản phẩm thuộc nhóm bình ổn giá.
Bên cạnh đó sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, thực hiện có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn toàn tỉnh để xử lý hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Quyền Cục trưởng Cục QLTT Thanh Hóa cho biết: Thời gian qua, Cục QLTT Thanh Hóa đã chủ động linh hoạt trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với các vụ việc và kiểm tra doanh nghiệp, tránh tình trạng bức xúc, gây khó dễ trong công tác thanh tra, kiểm tra. Trong thực thi nhiệm vụ, lãnh đạo Cục QLTT cũng đã quán triệt các cán bộ phải nghiêm túc thực các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của cấp trên về phòng chống dịch Covid -19.
Trong thời gian tới, Cục QLTT Thanh Hóa sẽ triển khai trọng tâm công việc cần làm là tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu tết cho nhân dân, coi đây là nhiệm hàng đầu.
Song song với đó, sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật, ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại trên thị trường.
Năm 2021, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã kiểm tra 2.401 vụ, xử lý 2.033 vụ, trong đó: Xử lý về hàng cấm, hàng nhập lậu 297 vụ; Hàng giả và quyền SHTT 167 vụ; Lĩnh vực giá 505 vụ; An toàn vệ sinh thực phẩm 618 vụ; Vi phạm khác 446 vụ. Tổng số tiền thu là 5.597,631 triệu đồng, trong đó: Tiền phạt hành chính 5.178,135 triệu đồng; Tiền bán hàng tịch thu 779,496 triệu đồng. Trị giá hàng hóa đã tiêu hủy và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là 3.087,161 triệu đồng.