VNPT đã đề ra chiến lược phát triển mới trong năm 2018 và những năm tiếp theo, đó là tập trung phát triển các dịch vụ CNTT mang tính đột phá chuyển từ khái niệm nhà mạng viễn thông (Telco) sang nhà cung cấp dịch vụ truyền thông kỷ nguyên số (DSP).
Hiện nay, tại Việt Nam nhiều công nghệ mới như thực tế ảo, bigdata, IoT… đã không còn xa lạ khi mà nhiều doanh nghiệp tập trung nghiên cứu và tích hợp vào sản phẩm của họ. Hơn nữa, Việt Nam hiện có khoảng 6 Trung tâm Dữ liệu quốc gia, chưa kể các nhà mạng viễn thông cũng sở hữu các Trung tâm dữ liệu riêng.
Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2017, Việt Nam hiện có khoảng 130 triệu thuê bao di động, đây là cơ hội để các doanh nghiệp kết nối chia sẻ, hợp tác sử dụng nguồn data hiệu quả nhất. Tại Việt Nam, năm 2017 có 53 triệu người sử dụng Internet. Đến năm 2020, con số này được dự đoán là tăng lên khoảng 59 triệu người và trên thế giới là 4 tỷ người. Như vậy tỷ lệ người sử dụng Internet chiếm 60%, con số này khá cao. Trước những thay đổi nhanh chóng của các sản phẩm công nghệ đã làm thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng và buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh.
Các Telco đều có xu hướng dịch chuyển trong nền kinh tế số.
Rõ ràng bên cạnh tác động của công nghệ, xu hướng nền kinh tế chia sẻ cũng đang tác động nhiều tới các Telco. Bởi Telco bản chất là công ty công nghệ và cũng chịu tác động của xu hướng công nghệ và phải dịch chuyển thành nhà cung cấp các dịch vụ kinh tế số, đây là xu hướng không chỉ ở Việt Nam mà là xu hướng không thể đảo ngược trên thế giới.
Trước xu hướng đó, VNPT tiếp cận theo 2 hướng. Thứ nhất, VNPT sẵn sàng hợp tác, trao đổi, chia sẻ với tất cả các đối tác để cùng phát triển cung cấp dịch vụ trọn gói, cung cấp nền tảng sinh thái tốt hơn, trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Bên cạnh đó,Tổng công ty VNPT-VinaPhone cũng phát triển chuỗi sản phẩm phục vụ nền kinh tế số hóa gồm dịch vụ phi viễn thông là VNPT Pay bản chất là ví điện tử, VPoint kết nối nhiều đối tác tham gia hệ sinh thái; hay dịch vụ M2M IoT như VNPT Checking, camera giao thông hay dịch vụ CNTT như VNPT CA...
Ngoài ra, VNPT cũng có một số sản phẩm thúc đẩy thương mại điện tử. VNPT là nhà mạng đầu tiên cung cấp Freedoo - mô hình kinh doanh dựa trên cộng đồng tại Việt Nam. Đây không chỉ là sàn thương mại điện tử, nơi mà các khách hàng có thể lựa chọn các sản phẩm dịch vụ viễn thông mà còn là diễn đàn chia sẻ kết nối và là nơi gắn kết mọi người sử dụng hình thức tiếp thị liên kết (affrilate marketing) để sử dụng đúng nghĩa của nền kinh tế chia sẻ.
Mới đây, VNPT đã phát hành ứng dụng OTT dành cho doanh nghiệp - VNPT Karo. Với ứng dụng này, người dùng không chỉ có voice, chat, nhắn tin, video conference (hội nghị truyền hình) mà còn tương tác kết nối ERP (phần mềm quản lý) của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp muốn phát triển và quản lý mạng kênh phân phối, VNPT có hai sản phẩm gồm quản lý đa kênh VNPT DMS hay quản lý điểm bán, quản lý đại lý VNPT POS. Hơn nữa, VNPT cũng cung cấp công cụ SMS brandname để các doanh nghiệp thực hiện các chiến lược marketing.
Trong thời đại kết nối và chia sẻ thông tin như hiện nay, vai trò của Telco ngày càng quan trọng. Rõ ràng Telco phải dịch chuyển không chỉ đơn thuần là dịch vụ viễn thông mà đa dịch vụ. Các nhà mạng đều có xu hướng dịch chuyển, đặc biệt xu hướng chia sẻ thì việc tăng cường hợp tác, sẵn sàng trao đổi chia sẻ là xu hướng tất yếu. Với VNPT, bên cạnh triển khai phát triển các sản phẩm phục vụ khách hàng, VNPT sẵn sàng hợp tác để cung cấp hệ sinh thái sản phẩm tốt nhất mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.