Dựa vào nhiều chỉ số khác nhau để có thể yên tâm khi mở cửa cho khách du lịch. Dù đứng trước những cơ hội để phát triển kinh tế, du lịch nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại nhiều thách thức. Có nơi đơn giản là... "mặc kệ", khi cho rằng lợi ích của việc mở cửa kinh tế sẽ vượt xa rủi ro chết chóc mà virus mang lại.
Đã hơn 18 tháng trôi qua kể từ khi Covid-19 xuất hiện và đày đọa cả thế giới, thậm chí ngay ở lúc này. Nhưng dẫu vậy, vẫn có một số quốc gia quyết định đã đến lúc phải mở cửa và thí điểm mô hình của một điều bình thường mới, mang tên "sống chung cùng Covid".
Mỗi đất nước mang theo những câu chuyện khác nhau. Có nơi dựa vào tỉ lệ tiêm chủng cao, nơi khác thì cho đó là một sự đánh đổi, giữa lợi ích kinh tế khi mở cửa và nguy cơ virus mang lại.
Với Đan Mạch - Covid không còn là mối đe dọa. Ngày 10/9, chính phủ Đan Mạch tuyên bố dỡ bỏ toàn bộ các lệnh hạn chế liên quan đến Covid-19 trên phạm vi cả nước. Họ đồng thời khẳng định rằng Covid-19 "không còn là mối đe dọa nghiêm trọng với xã hội".
Với quyết định này, các hộp đêm và nhà hàng tại Đan Mạch cũng có thể hoạt động tối đa công suất mà không cần khách phải xuất trình "thẻ xanh Covid" - hay "hộ chiếu Covid".
Người dân cũng có thể sử dụng phương tiện công cộng mà chẳng cần đeo khẩu trang, tụ tập đông người không giới hạn. Nhìn chung là gần như đã quay về thời điểm trước dịch.
Lý do đằng sau quyết định này nằm ở chiến dịch tiêm chủng thành công của Đan Mạch. Tính đến thời điểm ngày 13/9, hơn 74% dân số Đan Mạch đã được tiêm chủng đầy đủ - theo số liệu từ Our World in Data.
Bộ trưởng Bộ Y tế Magnus Heunicke hôm 15/9 cho biết, tỉ lệ lây nhiễm (chỉ số R) hiện tại ở Đan Mạch chỉ ở mức 0,7 - nghĩa là 1 bệnh nhân chỉ lây được cho dưới 1 người, cho thấy dịch bệnh đã được kiểm soát.
Nếu R lớn hơn 1, số ca nhiễm Covid được dự đoán sẽ tăng lên trong tương lai gần. Ngược lại nếu nó nhỏ hơn 1, số ca nhiễm được kỳ vọng sẽ giảm đi.
"Vaccine và những nỗ lực của người Đan Mạch trong suốt thời gian qua là nền tảng cho sự thành công này," - Heunicke nhận xét.
Nhưng dù rất lạc quan, Heunicke vẫn tỏ ra cảnh giác với quyết định dỡ bỏ toàn bộ hạn chế. "Dù chúng ta đang ở vị thế khá ổn, dịch bệnh vẫn chưa kết thúc. Quan trọng là chính phủ cần không chần chừ hành động nếu đại dịch trở thành mối đe dọa với cộng đồng trong tương lai."
Còn tại Singapore họ đã và đang nỗ lực chung sống với dịch bệnh nhưng nó có thể đổ bể vì biến thể Delta.
Tháng 6/2021, chính phủ Singapore thông báo đất nước này đang hướng đến chiến lược chung sống với Covid, thông qua việc kiểm soát dịch bằng vaccine và theo dõi các ca nhập viện, thay vì dùng các quy định hạn chế.
"Tin xấu là Covid-19 có thể sẽ không bao giờ biến mất. Tin tốt là việc chung sống với nó là hoàn toàn khả thi," - giới chức Singapore cho biết.
Sau đó, chính phủ dần dỡ bỏ các lệnh hạn chế trong tháng 8, cho phép những người đã tiêm chủng đầy đủ được dùng bữa tại nhà hàng và tụ tập nhóm dưới 5 người (trước đó là 2).
Tuy nhiên, số ca nhiễm gia tăng gần đây do biến chủng Delta đã khiến chiến lược này bị đe dọa, buộc phải tạm ngưng kế hoạch mở cửa.
Cuối tuần qua, giới chức Singapore thậm chí còn phải cảnh báo rằng có thể họ sẽ phải tái áp dụng các biện pháp hạn chế nếu đợt dịch mới không thể kiểm soát.
Lực lượng chống Covid-19 của Singapore cho biết họ đang cố gắng hạn chế sự lây lan của dịch bệnh bằng việc tích cực lần vết, khoanh vùng phong tỏa các ổ dịch nhỏ lẻ, đồng thời bắt buộc nhóm công nhân viên rủi ro cao phải xét nghiệm định kỳ.
Dẫu vậy thì ngày 14/9, Singapore chứng kiến kỷ lục số ca nhiễm trong ngày cao nhất trong hơn 1 năm qua. May mắn là số lượng người mắc triệu chứng nặng vẫn ở mức thấp nhờ vào việc vaccine được phủ rộng.
Trước đây, Singapore vốn theo đuổi chiến lược "Zero Covid" (đưa ca nhiễm về 0) trước khi chuyển hướng tiếp cận, và hiện đang là nơi có tỉ lệ tiêm chủng top đầu thế giới - lên tới 81% dân số.
Một đất nước tại Đông Nam Á đã vô cùng mạo hiểm khi quyết định mở cửa lại các địa điểm du lịch và đón khách quốc tế. Đó là đất nước Thái Lan.
Thái Lan lên kế hoạch mở cửa lại Bangkok và các địa điểm du lịch nổi tiếng khác cho du khách nước ngoài trong tháng 10 tới đây - theo như thông báo của nhà chức trách cách đây 1 tuần.
Đây được xem là nỗ lực hồi sinh lại ngành du lịch trọng điểm của họ, bất chấp số ca nhiễm đang gia tăng. Theo kế hoạch này, du khách được tiêm đủ 2 mũi vaccine và cam kết tuân thủ quy định xét nghiệm sẽ được phép nhập cảnh vào Bangkok, Hua Hin, Pattaya và Chiang Mai.
Trước đó, đảo Phuket cũng đã mở cửa cho du khách tiêm chủng đủ từ 1/7 mà không cần phải cách ly. Ngày 15/7, chính sách tương tự được áp dụng cho các đảo Koh Samui, Koh Pha Ngan và Koh Tao.
Nhưng tình hình dịch bệnh của Thái Lan thì không khả quan. Dù đã rất thành công khi giữ được số ca nhiễm ở mức thấp trong năm 2020, hiện tại họ đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Tỉ lệ tiêm chủng cũng đang chậm hơn so với các nước hàng xóm, khi chỉ 18% cư dân được tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày 13/9, và 21% được tiêm 1 mũi.
Trong khi đó, Nam Phi đã dỡ bỏ hạn chế dù Delta đang đe dọa. Sau khi số ca nhiễm giảm xuống, Nam Phi đã bắt đầu dỡ bỏ dần một số lệnh hạn chế.
Trong đó, giờ giới nghiêm được rút ngắn chỉ còn từ 11h đêm đến 4h sáng. Số lượng người được tụ tập cũng được nâng lên - 240 trong nhà và 500 ngoài trời. Hạn chế bán rượu bia cũng được dỡ bỏ.
Quyết định này được công bố bởi Tổng thống Cyril Ramaphosa hôm 12/9. Đây là một thông báo rất đáng chú ý, vì Nam Phi đã trải qua phần lớn thời gian dịch bệnh với các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất, nơi toàn bộ việc tụ tập đều bị cấm ngoại trừ số lượng giới hạn tại tang lễ, trong khi tỉ lệ tiêm chủng chỉ ở mức thấp.
Hiện tại, ông Ramaphosa cảnh báo rằng làn sóng lây nhiễm thứ 3 do biến chủng Delta gây ra vẫn chưa kết thúc, nhưng khẳng định rằng đã có đủ vaccine để tiêm đủ cho toàn bộ người trưởng thành. Hiện tại, hơn 1/4 đã được tiêm ít nhất 1 mũi.