Việt Nam đẩy mạnh du lịch xanh khi có thêm 2 khu dự trữ sinh quyển thế giới

Minh Anh| 16/09/2021 12:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việt Nam vừa có thêm 2 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận. Đó là khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng. Đây là một vinh dự cũng như thách thức không nhỏ với ngành du lịch Việt Nam. Nhưng theo các chuyên gia tương lai, những kế hoạch phát triển kinh tế hay du lịch xanh sẽ được chú trọng hàng đầu.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật độc đáo, phong phú đa dạng. 

du4.jpg
Việt Nam vừa có thêm 2 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận.

Mới đây, Việt Nam vừa có thêm 2 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận. Đó là khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng.

Quyết định đưa ra tối 15/9 theo giờ Việt Nam, tại kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển tại Nigeria.

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa với vùng lõi là vườn quốc gia Núi Chúa - mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng của Việt Nam và Đông Nam Á.

du5.jpg
Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa - mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng của Việt Nam và Đông Nam Á.

V­ườn quốc gia Núi Chúa nằm trên địa bàn huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận), có diện tích tự nhiên là 29.856ha, trong đó có 22.513ha đất liền, 7.352 ha là biển với vùng đệm gồm 8 xã diện tích 7.350ha, cách thành phố Phan Rang-Tháp Chàm 20km về phía Bắc.

Đây là nơi hội tụ đủ các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình hình thành nên hệ sinh thái khô hạn đặc trư­ng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả vùng Đông Nam Á.

Vườn Quốc gia (VQG) Núi Chúa được phân bố trên phức hệ núi lấn ra bờ biển lộng gió, đến đây bạn sẽ chiêm ngưỡng rất nhiều sinh vật quần tụ phong phú và đa dạng về số lượng và chủng loại.

du6.jpg
Cá thể rùa trưởng thành thuộc bộ rùa biển gồm rùa xanh, đồi mồi và quản đồng được thả về lại môi trường sống tự nhiên ở Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa.

Về hệ thực vật, VQG Núi Chúa đã được ghi nhận 1.532 loài vật có bậc cao có mạch, thuộc 5 ngành. Trong đó, có 1.237 loài Ngọc lan chiếm 96.64% trên tổng số, tiếp theo đó đến loại Dương xỉ với 25 loài, ngành Thông với 12 loài và có rất nhiều loài thực vật khác bao gồm 62 loài thực vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới.

Hệ động vật, Núi Chúa đã được ghi nhận 330 loài có xương sống trên cạn, 84 loài thú, 163 loài chim và 83 loài bò sát lưỡng cư, trong có 64 loài quý hiếm được cảnh báo bảo tồn. Bao gồm 2 loài đặc hữu Đông Dương là Chà và chân đen và Gà tiền mặt đỏ, 1 loại đặc hữu Việt Nam là ếch cây Trung bộ, cùng một số loài được bảo tồn như: Gấu ngựa, Gấu chó, Beo lửa, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, Sơn dương, nai...

Về hệ san hô trù phú với khoảng 350 loài, trong đó có tới 46 loài san hô là phân loài mới nhất ở Việt Nam và 307 loài san hô cứng tạo rạn. Hệ rong biển có tới 188 loài, với số lượng rất đa dạng là Rong đỏ. Đặc biệt, VQG Núi Chúa còn là nơi hiếm hoi có rùa biển lên đất liền sinh sản như Rùa xanh, Vích, đồi mồi, Rùa đầu to, Rùa da.

du9.jpg
Hệ động, thực vật tại khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng phong phú, đa dạng với nhiều loại quý hiếm.

Tiếp theo là khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng với diện tích hơn 410.000 ha, gồm hai vùng lõi là vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.

Nơi đây có hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi trung bình còn tương đối nguyên vẹn, có tính đa dạng sinh học cao đặc trưng cho hệ sinh thái rừng, hệ thực vật rừng và hệ động vật rừng của khu vực Tây Nguyên.

Khu dự trữ sinh quyển này cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của khu vực Tây Nguyên, khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

du.jpg
Việc hình thành du lịch xanh là tất yếu, là phương pháp cứu vãn tương lai.

Như vậy, trong 20 năm qua, Việt Nam đã được công nhận tổng cộng 11 khu Dự trữ sinh quyển thế giới, trở thành quốc gia có số lượng khu này đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia.

Đây là một niềm vinh dự lớn nhưng cũng là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. TS. Hồ Long Phi, chuyên gia về quy hoạch đô thị và biến đổi khí hậu nhận định đây là vấn đề cơ hội và cũng là thách thức.

Khi người dân ở xung quanh những khu dự trữ sinh quyển này đều có đời sống kinh tế khó khăn và họ ít quan tâm đến các giải pháp bảo vệ môi trường; đối với họ, yếu tố môi trường vẫn đi sau sinh kế.

Tuy nhiên với sự vào cuộc đồng nhất của các cơ quan chức năng tại những khu dự trữ sinh quyển này nên du lịch tại đây đang có hướng đi đúng, an toàn và không gây tổn hại đến hệ sinh thái.

du2.jpg
Thuận lợi và thách thức khi phát triển du lịch xanh tại Việt Nam là không nhỏ.

TS. Phạm Khánh Nam, Viện trưởng Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á (EEPSEA), Giám đốc Trung tâm Môi trường cho Phát triển Việt Nam (EfD-Vietnam), trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), đề cập đến khái niệm bồi hoàn sinh học.

Nghĩa là phải tính toán dự án gây thiệt hại bao nhiêu cho hệ sinh thái thì phải có kế hoạch đền bù khi dự án tiến hành mới được thông qua, ví dụ chặt 100ha rừng để mở đường thì phải trồng lại 100 ha rừng bên cạnh, trả lại ở mức bằng đó hoặc hơn đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đẩy mạnh du lịch xanh khi có thêm 2 khu dự trữ sinh quyển thế giới