“Chuyển trạng thái” thực sự trong ý thức

Chính Tâm| 30/09/2021 21:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, Chính quyền nới lỏng nhằm tạo điều kiện, thì các cấp, ngành, doanh nghiệp và mỗi cá nhân càng cần phải nâng cao hơn ý thức tự thân để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tránh sự đổ vỡ cho nền kinh tế-xã hội của đất nước.

Những ngày này, TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều địa phương trên cả nước đã đưa ra những thông tin chính thức về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế sau ngày 30/9.

Đây là những bước đi đầu tiên theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ nhằm từng bước đưa đất nước chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Như vậy, sau hôm nay (30/9), nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có cả TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam bắt đầu nới lỏng giãn cách để phục hồi, phát triển kinh tế. Như vậy, ở góc độ nào đó nhịp sống thường nhật sẽ khởi động trở lại, cho dù có muôn hình vạn trạng khác nhau bởi ở mỗi cá nhân nhịp sống sẽ được thể hiện và ứng xử không giống nhau, nhưng ít nhất trong thời điểm vừa trải qua những ngày “cuồng chân, mỏi gối”, mòn mỏi trong 4 bức tường, thì tâm lý nôn nóng, muốn ra đường, muốn nghe lại âm thanh của phố phường, ăn lại những món ăn vốn đã thành nghiện nơi góc phố của mọi người không khác nhau là mấy.

chuyen-trang-thai-thuc-su-trong-y-thuc.jpg
Phương tiện ùn tắc tại tuyến phố trung tâm Hà Nội, tối  21/9 - Một hình ảnh đáng buồn ngay tối đầu tiên Thủ đô áp dụng Chỉ thị 15. của Chính phủ Ảnh VNE

Cứ vậy, phố phường lại nghìn nghịt xe cộ, người người tấp nập chen lấn trong những sự kiện lớn nhỏ, những quán “tủ” lại nhộn nhịp khách ăn. Quán cắt tóc, gội đầu lại nối dài khách quen chờ đợi... Cuộc sống dường như lại trở về với nhịp sống vốn có. Đối với không ít người thì hết giãn cách chẳng khác nào mọi chuyện đã qua đi. Không còn "vùng đỏ", "vùng xanh" nữa là ra đường không cần xuất trình giấy đi đường, chẳng còn gì phải lo lắng. Thậm chí còn phải ăn gì, chơi gì để bù đắp cho những ngày cửa đóng then cài, muốn chơi cũng không xong, tiền có trong túi mua gì còn đợi phát phiếu ra đường…

Rồi tới đây, hộ chiếu vaccine, hộ chiếu COVID-19, giấy thông hành y tế, thẻ xanh, app xanh… sẽ được triển khai phổ biến trên cả nước lại khiến một số người thêm nhầm tưởng đó là những tấm “kim bài miễn tử” mà virus SARS-CoV-2 không thể đụng tới. Nhưng tất cả đều chỉ là tên gọi khác nhau của sự xác nhận đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, hoặc xác nhận các trường hợp đã khỏi bệnh, hoặc âm tính với virus SARS-CoV-2.

Chuyển chiến lược từ “Không COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, thì người tiêm đầy đủ vaccine sẽ có cơ hội thoát khỏi nguy cơ bệnh nặng và tử vong. Điều này tiếp tục khẳng định vaccine là điều kiện cần, mở đường cho các nhiệm vụ, giải pháp khác “giáp công” phòng, chống dịch. Vaccine cũng còn là “chìa khóa” mở lại các hoạt động kinh tế. Sau những giai đoạn bị hạn chế, “mở cửa” giờ đây thực sự đã trở thành nhu cầu cấp bách của mỗi người và mỗi nền kinh tế.

Song chúng ta cũng cần nhận thức thấu đáo rằng, vaccine quan trọng nhưng không phải là vũ khí toàn năng chống COVID-19, đặc biệt là khi xuất hiện biến thể Delta và nhiều biến thể khác không lường trước được. Tại nhiều quốc gia cho thấy, số lượng những người được tiêm chủng đầy đủ vẫn mắc COVID-19. Nhiều nước có tỷ lệ bao phủ vaccine lớn như Israel hay Anh đều chứng kiến số ca mắc mới không giảm. Những chuyên gia hàng đầu thế giới đều khuyến cáo những người được tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể là nguồn lây lan COVID-19.

Hãy xác định rõ rằng kể cả sau ngày 30/9 này, nhiều địa phương trong đó có cả Hà Nội và TPHCM có nới lỏng giãn cách, hay bỏ hẳn giãn cách. Cùng với việc nhiều người dân đã được tiêm vaccine hơn nhờ việc nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch tiềm chủng dạo gần đây, thì đó hoàn toàn không phải là những lý do để chúng ta có thể yên tâm buông lỏng ý thức phòng, chống dịch.

Tại thời điểm này xét theo dự thảo lộ trình 4 bước để trở lại trạng thái bình thường mới của Bộ Y tế, hầu hết các địa phương vẫn chỉ đang trong tiến trình cố gắng để quay trở lại trang thái “bình thường mới” mà thôi. Đó chính là thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, để có thể tồn tại và phát triển trong một thế giới đã hoàn toàn đổi thay. Sự thay đổi quá ư khốc liệt, chưa từng hình dung và phải kiên cường lắm để vượt qua.

Vậy nên, những người còn chưa nhận thức đúng, hoặc cố tình không chịu hiểu, chịu chấp nhận thực tế cuộc sống “không COVID-19” giờ đây đã là điều xa vời, bất khả thi. Hay khi thực hiện giãn cách là khi có dịch, còn hết giãn cách thì lại vô tư hành xử như đất nước chưa từng có dịch... Thì hãy nghiêm khắc nhìn nhận lại để điều chỉnh bản thân một cách có trách nhiệm hơn với mình và cộng đồng.

Phương châm phòng chống dịch “5K+vaccine+thuốc+công nghệ+ý thức người dân” đã được cả hệ thống chính trị qua nhiều giai đoạn thực tiễn chống dịch của đất nước đúc kết ra. Ngắn gọn vậy nhưng đằng sau đó đã chứa đựng biết bao sự hi sinh, có sự hi sinh về đời sống cá nhân, mất mát về tinh thần, thiệt hại về kinh tế và cả sự trả giá thương đau khi hàng nghìn đồng bào bị cướp đi tính mạng. Thông điệp hàm chứa nhiều điều kiện cần để đem lại sự sống an toàn cho cộng đồng. Nhưng suy cho cùng Ý thức của mỗi người lại là điều kiện cần, bao trùm và có tính quyết định nhất để kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.

Vậy nên, với chiến lược “chuyển trạng thái”, chính quyền có thể nới lỏng giãn cách để tạo điều kiện cho các cấp ngành, doanh nghiệp và mỗi cá nhân mở rộng cơ hội tiếp cận lại cuộc sống thường nhật trong trạng thái bình thường mới. Nhưng cũng chính là mỗi chủ thể càng cần phải nâng cao hơn ý thức tự thân để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tránh sự đổ vỡ cho nền kinh tế-xã hội của đất nước.

Đó mới chính là sự chuyển biến thực sự trong tư tưởng và ý thức nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chuyển trạng thái” thực sự trong ý thức