Không gọi anh là “siêu nhân”, bởi anh vốn dĩ cũng chỉ nhận mình bình thường, những thật lòng chúng tôi muốn nói lời cảm ơn anh Nguyễn Ngọc Mạnh. Có những người như anh, xã hội này chắc chắn sẽ ấm áp hơn bởi sự tử tế, thế giới này sẽ tốt đẹp và văn minh hơn bởi sự nhân từ.
Những ngày qua, dư luận cả nước, đặc biệt người dân Thủ đô đang rất quan tâm, dành nhiều khen ngợi cho hành động nhanh trí, dũng cảm của 'người hùng' Nguyễn Ngọc Mạnh cứu bé gái 3 tuổi thoát khỏi 'lưỡi hái tử thần' khi rơi từ tầng cao chung cư.
Sự việc bắt nguồn từ việc anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, tài xế xe tải quê Đông Anh, Hà Nội) kịp thời cứu được cháu bé bị ngã từ tầng 12, chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Những người chứng kiến sự việc và rất đông đảo độc giả sau khi xem clip lan truyền đều bày tỏ thái độ xúc động, khâm phục và nhiều người đã coi anh như “người hùng” đáng tự hào.
Thủ tướng sau đó cũng đã gửi lời khen ngợi và biểu dương hành động dũng cảm, tinh thần trách nhiệm của anh Nguyễn Ngọc Mạnh. Người đứng đầu Chính phủ cũng đã quyết định tặng Bằng khen cho anh. Ngoài ra, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Hà Nội gửi thư khen và có các hình thức khen thưởng, động viên tài xế này.
Mọi thứ sẽ đúng quy luật một câu chuyện kết thúc có hậu mà không có gì đáng phải bàn, nếu như ngày 1/3, không xuất hiện thêm đoạn clip dài hơn 30 giây ở một góc quay trực diện, rõ ràng hơn toàn bộ quá trình anh Nguyễn Ngọc Mạnh nỗ lực cứu bé gái.
Khi đoạn clip này xuất hiện, đã có không ít người mổ xẻ, phân tích về việc bàn tay anh Mạnh có đỡ trúng cháu bé? rồi tỏ ra nghi ngờ liệu anh Mạnh có thật sự đã cứu giúp được cháu bé 3 tuổi kia. Và một bộ phận netizen bắt đầu đưa ra những bình luận tiêu cực về anh Nguyễn Ngọc Mạnh. Thậm chí, có ý kiến chỉ trích cho rằng, anh chỉ "ăn may", không hoàn toàn cứu được cháu bé và không xứng với những danh xưng mọi người tung hô như "siêu nhân", "người hùng".
Vậy là một hành động đẹp được cả xã hội ngợi ca đã trở lên méo mó sau 1 clip ngắn, với những phân tích bình luận nực cười của một số cư dân mạng thích phán xét hơn hành động.
Tôi ngạc nhiên rằng, trước khi lên tiếng, sao họ không tự vấn trong có mấy giây thôi, người sợ hãi quá khích thì sẽ run rẩy, gào thét, người điềm đạm hơn cũng “thót tim” bất lực, thì anh Mạnh không kịp tính toán thiệt hơn và cũng không cả cân nhắc có làm được hay không, đã chỉ cố gắng cao nhất có thể.
"Tôi chẳng nghĩ gì, chỉ cố tìm đường gần nhất để tiếp cận cháu. Thấy bờ tường và mái tôn, tôi bật qua, trèo lên và tìm chỗ đứng để đón cháu… Tôi không hình dung được mình đã nhảy qua mái tôn kiểu gì. Lúc đó tôi chỉ cảm thấy run run, đầu óc trống rỗng”, anh Mạnh đã chia sẻ vậy đấy.
Một người làm nghề lái xe bình thường, chỉ một lẽ thôi thúc giản đơn thôi, trước nguy cơ sắp cướp đi sinh mạng một sinh linh bé nhỏ, anh đã không màng sự an toàn của bản thân và đã chọn cách gánh lấy hiểm nguy. Một phản ứng nhanh nhạy, xuất phát từ trái tim nhân hậu. Một hành động của một người nam giới có trách nhiệm, cũng là lòng trắc ẩn, bản năng của một người đã làm cha khi chứng kiến bé rơi vào hiểm nguy đã không chần chừ, toan tính.
Chỉ biết rằng cả anh Mạnh và cháu bé đều đã giữ được tính mạng an toàn. Còn có gì quan trọng hơn thế không? Hiệu quả hay quá trình sẽ làm nên đạo đức, phẩm hạnh của một người tốt, mà đáng phải quay ra bàn luận cái hành động “tay anh Mạnh có hay không đỡ được”?. Tư duy và cách đặt vấn đề đó càng cho thấy những netizen này trở nên kém cỏi và thật đáng thương.
Hẳn những “anh hùng bàn phím” kia cũng đã quên rằng, anh Mạnh vô tình trở thành chủ thể hành động mà người khác ngẫu nhiên ghi lại đưa lên mạng xã hội, thậm chí cả sau khi clip cứu cháu bé được lan truyền, anh Mạnh vẫn khẳng định bản thân không dám nhận là người hùng, với những chia sẻ rất mộc mạc: "Tôi thấy cao siêu quá, tôi chỉ muốn là người bình thường thôi. Tôi chỉ muốn tiếp tục cuộc sống bình dị hiện tại và thực hiện các dự định cùng gia đình”.
Nhiều năm trở lại đây, đi cùng với mặt trái của cơ chế thị trường, một bộ phận người Việt đã sống với thái độ vô cảm, bàng quang trước những nỗi đau, mất mát của đồng loại. Thậm chí có những người trẻ đạo đức xuống cấp còn có lối tư duy và hành vi làm tổn thương tinh thần, thể xác người thân và cả những người khác, khiến cho nhiều chuẩn mực đạo đức và phẩm giá có phần nhạt nhòa đi trong từng tầng lớp, thế hệ người Việt Nam.
Nhưng trước những thái độ “tránh đi cho nó lành”, “mũ ni che tai”, “sống chết mặc bay” thì không thiếu những hành động nhân văn của những con người tử tế vẫn hàng ngày hàng giờ, lặng thầm lan tỏa, mang lại sự ấm áp cho xã hội. Vẫn đầy những tấm gương hiệp sỹ đường phố hy sinh khi ra tay bắt cướp, không ít những người vì cứu người đuối nước mà bản thân lại bị chính dòng nước cướp đi sinh mạng, những hình ảnh nhường cơm, xẻ áo cho người dân vùng lũ và hàng chục chiến sỹ hi sinh trên đường đi cứu hộ đồng bào miền Trung vẫn còn đó. Và ngay khi chúng ta đang ngồi đây suy xét về nghĩa cử của một tài xế xe, thì bao nhiêu chiến sỹ trên các mặt trận y tế, quân đội, công an và báo chí… vẫn đang ngày đêm căng mình chống dịch COVID-19 cũng vì một điều giản đơn: đem lại sự an bình cho từng người dân, con phố.
Một triết gia người Đức đã cho rằng: "Thiện chí của con người độc lập khỏi kết quả/tác động. Cho dù kết quả có được như ý muốn hay không thì hành động đạo đức vẫn có đầy đủ giá trị của nó, như những viên ngọc vẫn tự tỏa sáng".
Đúng vậy, hình ảnh anh Nguyễn Ngọc Mạnh ôm bé 3 tuổi khỏi lưỡi hái tử thần sẽ còn tỏa sáng mãi bởi "nghĩa cử đẹp" của một "nhân cách đẹp". Như lời anh Mạnh đã nói thay những người Việt Nam chân chính "Nếu không phải em thì cũng sẽ có người khác, có anh hùng khác vì người Việt Nam mình đều có tính đồng bào mà".
Có lẽ cũng không gọi anh là “siêu nhân”, bởi anh vốn dĩ cũng chỉ nhận mình bình thường, những thật lòng chúng tôi muốn nói lời cảm ơn anh Nguyễn Ngọc Mạnh. Có những người như anh, xã hội này chắc chắn sẽ ấm áp hơn bởi sự tử tế, thế giới này sẽ tốt đẹp và văn minh hơn bởi sự nhân từ.