Văn hóa - Du lịch

Chú trọng phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh

Hoàng Hà 23/10/2023 - 13:31

Một trong những mục tiêu đặt ra của Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Tỉnh ủy Quảng Ninh “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” là xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng “năng động, sáng tạo, hào sảng, lành mạnh, văn minh, thân thiện”.

Văn hóa Quảng Ninh được hình thành bởi sự kết hợp hài hòa giữa những tinh hoa văn hóa truyền thống được chắt lọc từ nhiều vùng, miền trong nước và văn hóa hiện đại ra đời trong cuộc sống công nghiệp với truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của công nhân vùng mỏ.

Con người Quảng Ninh có sự kết hợp giữa văn hóa biển với những giá trị truyền thống, bản địa như hào sảng, lành mạnh, thân thiện với văn hóa công nhân mỏ hiền hậu, sáng tạo, văn minh, đoàn kết, kỷ luật, đồng tâm. Tính cách con người Quảng Ninh chia thành 5 tiểu vùng văn hóa. Đó là người Kinh thành thị; người Kinh ở nông thôn làm nông nghiệp; người vùng biển hải đảo và ven biển; văn hóa công nhân mỏ và văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền núi. Cùng với đó, tỉnh luôn quan tâm tổ chức các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật lành mạnh, tích cực; đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh được cải thiện, góp phần xây dựng và hoàn thiện phẩm chất con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Để thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 11-NQ/TU, tỉnh Quảng Ninh đưa ra các giải pháp: Bảo tồn và phát triển văn hóa mang bản sắc của Quảng Ninh gắn với phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

1.du-khach-tham-quan-bao-tang-quang-ninh.jpg
Du khách tham quan Bảo tàng Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu phố văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”...

Ngoài ra, việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh cũng được tỉnh quyết liệt chỉ đạo triển khai, nhất là trong xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan, tổ chức và xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình đến cộng đồng dân cư. Qua đó, nhiều thiết chế, bộ quy tắc ứng xử đã nhanh chóng đi vào đời sống cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh, như: Bộ “Quy tắc ứng xử trong cộng đồng” trên cơ sở kế thừa và phát triển bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, cơ sở thờ tự tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng...

Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm dành nguồn lực đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao quy mô hiện đại mang đặc sắc kiến trúc riêng, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc tế và khu vực. Điển hình: Cụm công trình Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm, Công viên hoa Hạ Long, Quảng trường 30/10, Nhà thi đấu Thể dục thể thao tỉnh, Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi, Trung tâm VHTT các dân tộc vùng Đông Bắc... Ở cấp huyện, thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm xây mới và sửa chữa, cải tạo nâng cấp. Qua đó, những phong trào văn hóa, văn nghệ ở các địa phương những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ, phục vụ hiệu quả các sự kiện chính trị của địa phương cũng như của tỉnh. Qua đây cũng góp phần định hướng tư tưởng, thẩm mỹ, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trong tỉnh.

2.du-khach-tham-quan-tai-khu-di-tich-den-cua-ong-tp-cam-pha-.gif
Du khách tham quan tại khu di tích đền Cửa Ông. (TP. Cẩm Phả)

Với những giải pháp cụ thể, các mục tiêu Nghị quyết được triển khai, trong đó, 10/11 mục tiêu hoàn thành và cơ bản hoàn thành. Đây là động lực để Quảng Ninh tiếp tục nỗ lực duy trì và có những quyết sách mới với yêu cầu cao hơn.

Trên chặng đường tiếp theo, tỉnh xác định xây dựng, phát huy các giá trị văn hoá, sức mạnh con người Quảng Ninh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của toàn Đảng bộ, của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, được đặt trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với các nhiệm vụ về xây dựng Đảng, phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hợp tác và hội nhập quốc tế. Đồng thời, quan tâm xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, con người mới được xác định rõ trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng; bổ sung, hoàn thiện hệ giá trị tỉnh, hệ giá trị văn hoá, con người Quảng Ninh trên cơ sở kế thừa, phát triển những đặc trưng về văn hoá, con người Quảng Ninh đã được nhận diện trong Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh uỷ, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh.

Đặc biệt, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký mong muốn và tin tưởng, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ LLVT, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục đồng hành, đóng góp vào hành trình phát triển Quảng Ninh những năm tiếp theo. Trong đó, tiếp tục kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh với các tiêu chí đã định hình với 6 đặc trưng của tỉnh, 8 giá trị con người thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực phát triển bền vững...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh