Tiếp tục chương trình khảo sát các làng nghề truyền thống, chiều 18/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đi thăm và khảo sát các cơ sở chuyên sản xuất đồ mỹ nghệ tại làng nghề Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội).
Quan tâm thăm hỏi tình hình lưu giữ, truyền nghề, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển nghề truyền thống, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cần nghiên cứu để sản phẩm làng nghề phát huy được truyền thống nhưng thích nghi được với hiện đại.
Đưa ra bài toán kinh tế một ha đất nông nghiệp cho thu nhập 84 triệu đồng/năm, nhưng một ha đất phi nông nghiệp đem lợi nhuận lên đến trên 2,45 tỷ đồng, gấp 29 lần, ông Nguyễn Thiện Nhân gợi ý, xã Sơn Đồng và huyện Hoài Đức tính toán chuyển đổi bớt đất nông nghiệp sang đất làng nghề, bởi chỉ cần chuyển 8 ha đất nông nghiệp sang làm nghề đã bằng thu nhập của 213 ha đất nông nghiệp, với diện tích đó sẽ không ảnh hưởng đến vấn đề an ninh lương thực của Hà Nội.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân thăm một cơ sở sản xuất đồ gốm ở làng nghề gốm Phù Lãng, huyện Quế Võ (Bắc Ninh)
Về vấn đề phát triển làng nghề, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc bán sản phẩm theo từng hộ khiến Sơn Đồng gặp những khó khăn trong việc ký kết hợp đồng, bởi các đối tác thường có tâm lý e ngại, không yên tâm về chất lượng và tiến độ. Điều đó đòi hỏi phải hình thành pháp nhân để giao dịch sòng phẳng trên thị trường, có thể là thành lập công ty hoặc hợp tác xã. Thay vì từng hộ phải làm một việc lặp đi lặp lại, phải mua một máy sản xuất với công nghệ lạc hậu, việc các hộ hợp tác liên kết với nhau sẽ đẩy mạnh chuyên môn hoá, mua được nhiều nguyên, vật liệu với giá rẻ hơn, đầu tư máy móc công nghệ hiện đại hơn, sản xuất hiệu quả hơn.
Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, liên kết sẽ tạo cơ hội cho các hộ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; nghiên cứu đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm; tổ chức dạy nghề, truyền nghề; bán hàng, xây dựng thương hiệu, bảo vệ mẫu mã sản phẩm và xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường. Những việc này, hộ cá thể không làm được hoặc làm không hiệu quả.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng gợi ý, Hà Nội tổ chức hội chợ chuyên về làng nghề định kỳ hàng năm vào thời gian cố định để tạo dấu ấn cho khách hàng nhớ. Hội chợ không chỉ là dịp để quảng bá sản phẩm mà còn là nơi để các hộ sản xuất giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ mong muốn, làng nghề của Hà Nội nói chung và làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng nói riêng phải đi lên, sáng hơn, hiệu quả hơn, Hà Nội sẽ là điển hình trong xây dựng hợp tác xã kiểu mẫu.
Làng nghề Sơn Đồng hiện có tới trên 4.000 lao động thường xuyên, thu hút khoảng 1.000 lao động ở các địa phương trong cả nước đến học nghề và làm các công đoạn phụ cho làng nghề. Các sản phẩm mỹ nghệ truyền thống điêu khắc sơn son thếp vàng, bạc của các nghệ nhân Sơn Đồng đã đi vào đời sống tâm linh con người và có uy tín, thương hiệu bền vững. Thị phần sản phẩm tượng, đồ thờ điêu khắc - sơn son thếp vàng, bạc truyền thống phục vụ mảng văn hóa tâm linh của làng nghề Sơn Đồng ước chiếm trên 65% toàn quốc, có mặt ở trong nước, hải đảo và ra nước ngoài, tiêu biểu như: Đền Hùng, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Cung đình Huế, đảo Trường Sa, chùa Một Cột ở Trung tâm thương mại Hà Nội – Mát-xcơ-va (Liên bang Nga) và các từ đường trong khắp cả nước.