Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước tại khu vực Nam Âu-Trung Đông, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại khu vực.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim
Trưa 11/10, (theo giờ địa phương), tại Trụ sở Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, ở Thủ đô Ankara, Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đã chủ trì lễ đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Ngay sau lễ đón, hai bên đã tiến hành hội đàm.
Tại cuộc hội đàm, hai Chủ tịch Quốc hội đã cùng cho rằng, hai bên duy trì việc trao đổi đoàn để cập nhật thông tin, kinh nghiệm hoạt động nghị viện; quan tâm, tạo hành lang pháp lý để Chính phủ hai nước hợp tác, giao lưu và bảo hộ công dân; tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp giám sát thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dẫn đầu đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á Âu lần thứ 3, góp phần vào thành công chung của hội nghị.
Đặc biệt tại Diễn đàn kinh doanh và đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ - Việt Nam đã được tổ chức rất thành công tại Istanbul; đồng thời bày tỏ vui mừng được đón Chủ tịch Quốc hội sang thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ; khẳng định, đây là chuyến thăm quan trọng vì lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là chuyến thăm cấp cao nhất của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn Ngài Chủ tịch và Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã dành cho Đoàn sự đón tiếp trọng thị, thân tình, chu đáo. Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống có bề dày 40 năm giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển tốt đẹp. Chuyến thăm của Đoàn đến Thổ Nhĩ Kỳ lần này nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ nói chung và giữa hai Quốc hội nói riêng.
Bày tỏ ấn tượng với sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam trong thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn phát triển mối quan hệ với các quốc gia trong khu vực ASEAN, đặc biệt coi Việt Nam là đối tác quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ, hoan nghênh Chính phủ hai nước đã phối hợp triển khai hiệu quả một số thỏa thuận giữa hai Thủ tướng trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam của ông với tư cách là Thủ tướng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước tại khu vực Nam Âu - Trung Đông, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại khu vực.
Cảm ơn Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam tại các Diễn đàn khu vực và quốc tế, đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng làm cầu nối, thúc đẩy quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với ASEAN.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ quan ngại về tình hình khủng bố ngày càng gia tăng hiện nay; đồng thời ủng hộ mọi nỗ lực của quốc tế nhằm chống khủng bố, mang lại hòa bình, ổn định trên toàn thế giới nói chung và tại các khu vực nói riêng.
Quang cảnh buổi hội đàm
Về kinh tế, thương mại, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông; kim ngạch thương mại giữa hai nước liên tục phát triển trong thời gian qua, năm 2017 đạt 2,1 tỷ USD; trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 970 triệu USD. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là cửa ngõ để nhiều mặt hàng của Việt Nam, như: gạo, cao su, chè, hàng may mặc, giày dép, hàng điện tử, thủ công mỹ nghệ... vào thị trường Trung Đông và EU.
Hai Chủ tịch Quốc hội nhất trí thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch của hai nước lên 4 tỷ USD vào năm 2020. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, đồng thời bãi bỏ các biện pháp phòng vệ thương mại và áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng, cán cân thương mai hai nước chưa cân bằng, vậy nên trong thời gian tới, hai nước cần triển khai các dự án để điều chỉnh cán cân này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn hai bên phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt là hợp tác hàng hải, đóng tàu, trao đổi công nghệ, kỹ thuật hàng hải; thúc đẩy hợp tác hàng không giữa các hãng hàng không Turkish Airline và Vietnam Airlines; tăng cường hơn nữa hợp tác về an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khuyến khích sinh viên hai nước nghiên cứu và xem xét cấp học bổng cho sinh viên hai nước. Việt Nam sẽ nghiên cứu đề xuất của phía Thổ Nhĩ Kỳ về phát triển hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai nước.
Trả lời đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về lĩnh vực giáo dục, Chủ tịch Quốc hội Binali Yildirim thông tin, từ năm 1992 Thổ Nhĩ Kỳ đã cấp học bổng cho 53 học sinh, sinh viên Việt Nam sang học tập; và khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đón nhận nhiều hơn nữa học sinh, sinh viên Việt Nam sang học tập trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đồng tình với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về việc hai nước cần thúc đẩy tìm hiểu văn hóa, ngôn ngữ của nhau để cùng phát triển.
Về hợp tác nghị viện giữa hai nước, hai Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hai bên duy trì việc trao đổi đoàn để cập nhật thông tin, kinh nghiệm hoạt động nghị viện; quan tâm, tạo hành lang pháp lý để Chính phủ hai nước hợp tác, giao lưu và bảo hộ công dân.
Hai bên duy trì tiếp xúc, tham vấn tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới, như: IPU, ASEP; tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp giám sát thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị, cần đẩy mạnh hợp tác giữa hai Quốc hội, đặc biệt là hội Nghị sỹ hữu nghị 2 nước cần tăng cường hoạt động hơn nữa vì đây là cơ chế quan trọng đóng góp tích cực để phát triển mối quan hệ giữa Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và Quốc hội Việt Nam. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị với Việt Nam.
Hai chủ tịch Quốc hội đồng tình với việc hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao; tăng cường hợp tác giữa các Bộ, ngành và địa phương hai nước; thúc đẩy giao lưu nhân dân nhằm nâng cao tình đoàn kết và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.
Về tình hình Biển Đông hiện đang diễn biến phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, thương mại quốc tế, hai Chủ tịch Quốc hội cùng khẳng định, cần thực hiện đúng theo chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên.
Thay mặt Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này trong thời gian qua và mong muốn các bạn tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ tính thượng tôn pháp luật ở các vùng biển, đại dương; ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng mời Chủ tịch Quốc hội Binali Yildirim sang thăm chính thức Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Binali Yildirim cho biết, ông đã thăm Việt Nam trên cương vị Thủ tướng Chính phủ và sẽ thăm chính thức Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng trong sáng nay, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến đặt vòng hoa và viếng lăng Ataturk. Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã viết dòng chữ: “Tôi rất vinh dự dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến thăm lăng, nơi an nghỉ của Ngài Kamal Mustafa Ataturk, vị Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi xin bảy tỏ lòng kính trọng đối với nhà lãnh đạo vĩ đại của đất nước và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi chân thành mong muốn mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng cùng cố và phát triển bền vững”.