Chủ tịch Quốc hội đến Bỉ, bắt đầu chuyến thăm và làm việc với Nghị viện châu Âu

Ngọc Mai| 03/04/2019 21:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chuyến thăm nhằm trao đổi về quan hệ hợp tác nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước thành viên EU, Nghị viện châu Âu, thúc đẩy quan hệ ASEAN với EU. Đồng thời, trao đổi về các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội đến Bỉ, bắt đầu chuyến thăm và làm việc với Nghị viện châu Âu

Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Vũ Anh Quang; Hạ nghị sỹ, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Bỉ-Việt Georges Dallemagne đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại sân bay Melsbroek, Brussels, Vương quốc Bỉ. Ảnh Phạm Thúy

Chiều 3/4, giờ địa phương, chiều tối cùng ngày giờ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội đã đến sân bay Melsbroek, Brussels, Vương quốc Bỉ, bắt đầu chuyến thăm và làm việc với Nghị viện châu Âu (EP) theo lời mời của Chủ tịch EP Antonio Tajani.

Đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại sân bay có: Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Vũ Anh Quang; Hạ nghị sỹ, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Bỉ-Việt Georges Dallemagne, lãnh đạo Vụ lễ tân, Bộ Ngoại giao Vương quốc Bỉ; cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam; đại diện Hội người Việt Nam tại Bỉ…

Tham gia đoàn công tác có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Trần Văn Rón; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Trần Văn Sơn; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Chuyến thăm làm việc với Nghị viện châu Âu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lần này nhằm trao đổi về quan hệ hợp tác nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước thành viên EU, Nghị viện châu Âu, thúc đẩy quan hệ ASEAN với EU...

Chuyến thăm cũng nhằm trao đổi về các vấn đề song phương, khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

* Ngày 28/11/1990, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong gần 30 năm hợp tác, Việt Nam và EU đã cùng nhau tạo nên nhiều dấu mốc quan trọng, tiêu biểu như: Việt Nam và Cộng đồng châu Âu ký Hiệp định Khung Hợp tác giữa vào năm 1995. Đây là một trong những PCA đầu tiên mà EU ký kết ở châu Á. Hay Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện với những nội dung mới, cập nhật hơn, cam kết mạnh mẽ hơn được hai bên ký kết vào năm 2012 và có hiệu lực từ ngày 1/10/2016 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ Việt Nam - EU.

Cùng với đó là việc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) được triển khai và kết thúc đàm phán vào năm 2015. Là một trong những FTA thế hệ mới mà EU triển khai ở châu Á, sau Hàn Quốc và Singapore, EVFTA hiện đã được Ủy ban Châu Âu (EC) thông qua và trình lên Hội đồng Liên minh châu Âu xem xét để ký chính thức. Hiệp định này được đánh giá là toàn diện, chất lượng cao và đem lại sự cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và EP không ngừng được thúc đẩy và phát triển tốt đẹp, trở thành trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU.

Hai bên đã tăng cường hợp tác thông qua nhiều hình thức như trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng pháp luật và cử cán bộ sang thực tập tại EP.

Quốc hội Việt Nam đã đón nhiều Đoàn nghị sĩ EP thăm Việt Nam, gần đây nhất là Phó Chủ tịch EP Heidi Hautala đã thăm Việt Nam.

Hai bên cũng đã thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị song phương; thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, tổ chức đối thoại định kỳ và tiếp xúc giữa các nghị sĩ tại các diễn đàn nghị viện đa phương, đóng góp tích cực việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và EP nói riêng, giữa Việt Nam và EU nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội đến Bỉ, bắt đầu chuyến thăm và làm việc với Nghị viện châu Âu