Chủ tịch nước trao danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương cho các nhà khoa học

Trọng Bằng| 22/04/2021 15:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chủ tịch nước khẳng định, những thành tựu của đất nước ngày nay là đóng góp của nhiều thế hệ cả nước, trong đó có các nhà khoa học.

chu-tich-nuoc-trao-tang.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc  cùng các nhà khoa học tại buổi trao tặng

Sáng 22/4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho gia đình cố Giáo sư, Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng, nguyên Bí thư Đảng đoàn, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA); Giáo sư Hoàng Chương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hoá dân tộc (trực thuộc VUSTA) cùng Huân chương Độc lập cho một số cá nhân nguyên là lãnh đạo của VUSTA.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng lễ trao tặng các danh hiệu cao quý cho các nhà khoa học của VUSTA lần này có ý nghĩa lớn trong việc tập hợp, kêu gọi các lực lượng khoa học-công nghệ Việt Nam, kể cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, để cùng nhau đoàn kết phát triển đất nước, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Chủ tịch nước khẳng định đất nước ta có được thành tựu như ngày nay là nhờ sự đóng góp to lớn của biết bao thế hệ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc; trong đó, có những cá nhân xuất sắc đã hy sinh hết mình vì Tổ quốc, vì sự phát triển của quốc gia, dân tộc.

Trong lịch sử, chúng ta có những anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung... Trong thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta có Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các bậc tiền bối của Đảng và Nhà nước, các anh hùng liệt sỹ và rất nhiều nhà khoa học như Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Tạ Quang Bửu, Bùi Huy Đáp cùng nhiều nhà khoa học cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch nước cho rằng Việt Nam là một nước nông nghiệp, bị ảnh hưởng rất lớn bởi biến đổi khí hậu. Do đó, những đóng góp của cố Giáo sư, Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng trong việc tạo ra những giống lúa mới, năng suất cao, các giống lúa chống hạn, chống ngập úng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhất là trong việc tự túc lương thực và xuất khẩu của đất nước.

Cùng với các nghiên cứu của các nhà khoa học khác, những cống hiến của cố Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng cũng góp phần đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Giáo sư, Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng đã cống hiến trọn đời cho khoa học, là tấm gương về sự tận tâm, nghiêm túc, sáng tạo khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp của Việt Nam và thế giới, luôn gắn bó với nông dân, với ruộng đồng.

Bày tỏ sự trân trọng khi nhắc đến những thành tích của Giáo sư Hoàng Chương trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là một tài sản vô cùng quý giá, đại diện cho tâm hồn cốt cách, bản sắc và biểu trưng của dân tộc Việt Nam.

Có quan điểm cho rằng văn hóa dân gian, văn hóa gốc là cội nguồn sản sinh và nuôi dưỡng các hình thức của văn hóa dân tộc. Bản sắc văn hóa là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc. Dân tộc nào giữ gìn được bản sắc của mình thì dân tộc đó mãi mãi trường tồn.

Theo Chủ tịch nước, sự đa dạng, phong phú, đặc sắc về văn hóa không chỉ là lợi thế cho ngành du lịch mà còn là đòn bẩy quan trọng cho tinh thần đoàn kết, kết nối và thu hút nguồn lực của đất nước. Giáo sư Hoàng Chương là một người hết lòng, đóng góp cho sự nghiệp văn hóa dân gian của đất nước.

Cùng với đó, 3 nhà khoa học khác cũng đã vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng, gồm: Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải, nguyên Ủy viên Đảng đoàn, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Tiến sĩ Phạm Văn Tân, nguyên Ủy viên Đảng đoàn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Tiến sĩ Phan Tùng Mậu, nguyên Phó Bí thư Đảng đoàn, nguyên Phó Chủ tịch Kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Chủ tịch nước mong muốn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là nơi tập hợp, lan tỏa của các nhà khoa học Việt Nam, cả khoa học tự nhiên, xã hội, cùng nhau đoàn kết, tiếp tục cống hiến cho khoa học công nghệ nước nhà, đóng góp vào mục tiêu đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nhân sự kiện này, Chủ tịch nước đề nghị Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cần quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút tận dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để phát triển đất nước. Tập hợp, đoàn kết trí thức trong nước và trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài, khơi dậy tinh thần cống hiến, năng lực sáng tạo, tâm huyết, đóng góp xây dựng đất nước. Chủ động tham mưu đề xuất xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng to lớn của đội ngũ trí thức Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch nước trao danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương cho các nhà khoa học