Đây là một trong những yêu cầu mà Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nêu ra trong cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy thành phố với Sở Chỉ huy các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã để triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Chiều 2/10, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Phó chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố chủ trì giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy thành phố với Sở Chỉ huy các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã để triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Đã lấy được 7.260 mẫu liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, từ 18h ngày 1/10 đến trưa 2/10, trên địa bàn Thành phố có 19 ca mắc liên quan đến bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Như vậy, liên quan đến bệnh viện này, tính đến nay, đã có 28 ca mắc. Trong đó, 22 ca mắc tại Hà Nội và 6 ca mắc tại các tỉnh, thành khác.
Cũng từ ngày 1/10 đến nay, đã lấy được 7.260 mẫu những người liên quan đến bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Trong đó, 4.384 mẫu là nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc; 1.385 mẫu tại khu dân cư xung quanh bệnh viện; 1.491 mẫu là những người về từ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Hiện còn 200 mẫu đang chờ kết quả.
Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), thành phố Hà Nội đã ghi nhận 4.261 ca, trong đó 1.317 ca tại cộng đồng, 1.890 ca trong khu cách ly tập trung và 789 ca tại khu vực phong tỏa. Trên địa bàn Thành phố hiện có 1 chùm ca bệnh phức tạp tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Hiện còn 18/663 điểm phong tỏa, điểm phong tỏa lớn nhất hiện nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Về công tác xét nghiệm, từ ngày 1/10 đến nay, đã thực hiện 34.356 mẫu, trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã xét nghiệm 7.260 mẫu, phát hiện 19 trường hợp dương tính liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Các bệnh viện xét nghiệm 27.099 mẫu, chưa phát hiện trường hợp nào dương tính.
Liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, kết quả tiêm trong ngày 2/10 (từ sáng đến trưa) là 19.380 mũi, trong đó 924 mũi 1 còn lại là mũi 2. Tính chung, hiện nay, các quận, huyện, thị xã đã tiêm được 6.056.051 mũi, trong đó, 5.070.041 mũi 1 và 986.020 mũi 2. Các bệnh viện Trung ương tiêm cho người Hà Nội được 1.073.350 mũi, trong đó, 765.491 mũi 1 và 307.859 mũi 2. Như vậy, đến nay, tổng số tiêm tiêm 7.129.401 mũi, trong đó 5.831.532 mũi 1 đạt 96,9% dân số trên 18 tuổi và đạt 70,3% tổng dân số; 1.293.879 mũi 2, đạt 21,5% dân số trên 18 tuổi trong độ tuổi tiêm chủng, 15,8% tổng dân số.
Phó giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương đề nghị các quận, huyện thị xã tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn mình; tiếp tục thực hiện xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, khó thở; rà soát các trường hợp đi đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức để xét nghiệm và thực hiện cách ly…
Nới lỏng phải kèm theo siết chặt quản lý, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm
Thông tin tại hội nghị, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) cho biết, thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, Sở TT&TT đã tham mưu kiện toàn Tiểu ban Truyền thông của Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19; xây dựng kịch bản truyền thông hằng tuần bám sát kế hoạch truyền thông của Tiểu ban Truyền thông Trung ương và Ban chỉ đạo của Thành phố; duy trì việc gửi các cơ quan báo chí Thông tin báo chí hằng ngày về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Thành phố (cập nhật đến 18h hằng ngày).
Về các giải pháp công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch, Sở tiếp tục thực hiện tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của người dân về phòng, chống dịch từ Tổng đài 1022, tài khoản Zalo và hệ thống Bluezone.
Qua thống kê cho thấy, thực hiện chỉ đạo của Thành phố, các địa phương đã vào cuộc tích cực, vì vậy, số xã/phường/thị trấn không có lượt quét mã QR phát sinh trong ngày đã giảm rõ rệt (ngày 1/10 chỉ có 5 xã không có lượt quét mã QR phát sinh trong ngày: Sóc Sơn (2 xã: Tân Hưng, Việt Long), Mê Linh (3 xã: Tiến Thắng, Tự Lập, Hoàng Kim). Vì vậy đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng công nghệ, đặc biệt là khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng mã QRCode để đảm báo việc truy vết nhanh chóng, chính xác phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Chỉ đạo tại phiên họp, Phó chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng nêu rõ, từ ngày 21/9 - 30/9, số ca mắc trên địa bàn được kéo giảm đáng kể, với trung bình 5 ca mắc mỗi ngày, số ca mắc ngoài cộng đồng rất ít. Tuy nhiên, từ ngày 1/10, xuất hiện chùm ca bệnh phức tạp ở Bệnh viện Việt - Đức, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Khi phát hiện ca dương tính chỉ điểm, các đơn vị như quận Hoàn Kiếm, Sở Y tế đã triển khai kịp thời các giải pháp để kiểm soát chùm ca bệnh.
Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, Thành phố vẫn phải đối mặt với nguy cơ lây lan dịch bệnh tiềm ẩn, do đó công tác phòng chống dịch tiếp tục phải thực hiện tập trung cao nhất, không được lơ là. Việc nới lỏng phải kèm theo siết chặt quản lý, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm. Các sở ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường thị trấn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng, Ban chỉ đạo Quốc gia và của Thành phố, đặc biệt là Chỉ thị 22 của Chủ tịch UBND Thành phố với những đầu việc đã được nêu rất cụ thể như: Duy trì quản lý 55 chốt kiểm soát cửa ngõ Thành phố; các chốt tự quản ở khu dân cư, giám sát chặt di biến động, phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm; tăng cường ý thức của người dân trong công tác phòng chống dịch, không tụ tập đông người, thực hiện nghiêm 5K; thực hiện nghiêm phương châm: “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”…
6 nhóm vấn để trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới
Nêu 6 nhóm vấn để trọng tâm các đơn vị cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các trung tâm y tế triển khai ngay phần mềm xét nghiệm đã được tập huấn. Giao Sở TT&TT chuẩn bị kế hoạch để triển khai phần mềm PC Covid; tiếp tục duy trì, kiện toàn, nâng cấp tốt hơn Tổng đài 1022. Công an Thành phố phối hợp với Sở TT&TT, Sở Y tế và các đơn vị của Bộ Công an triển khai phần mềm trên nền tảng dữ liệu dân cư.
Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương cần có kế hoạch tập huấn, tuyên truyền cho người dân trong việc cài đặt sử dụng các mã QR code; Sở TT&TT cùng với Đoàn Thanh niên Thành phố phụ trách nội dung này.
Giao Sở Y tế hướng dẫn triển khai mô hình bác sĩ gia đình; Đảm bảo thuốc, vật tư y tế; Tin học hóa, từng bước số hóa các hoạt động của trạm y tế. UBND các quận, huyện, thị xã, Sở, ngành Thành phố tiếp tục kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn mình phụ trách một cách chủ động, không lơ là; Chủ động phương án "4 tại chỗ" để không bị động bất ngờ trong mọi tình huống.
Phó chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương vào cuộc khẩn trương trong công tác xét nghiệm, rà soát lại các quy trình và từng khâu để rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng xét nghiệm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khu vực guy hiểm có nguy cơ cao trên địa bàn. Đặc biệt, các địa bàn có các bệnh viện của Bộ, ngành Trung ương phải thực hiện tầm soát cho cán bộ và nhân viên của bệnh viện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm cho người có triệu chứng ho, sốt; Triển khai tiêm mũi 2 một cách khoa học, minh bạch và an toàn. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp, tổ chức xét nghiệm thường xuyên cho cán bộ, công nhân, xây dựng phương án Trạm y tế lưu động trong KCN.
Tiếp tục triển khai công tác an sinh xã hội, rà soát, hoàn thành các công việc của Nghị quyết 68, Quyết định số 23 của Chính phủ, Nghị quyết 15 của HĐND Thành phố.
“Phải khẩn trương triển khai một cách thực chất nhất để kiểm soát dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng nêu rõ.