Sau khi thông xe nút giao Trung Hoà và hầm nút giao Thanh Xuân - TP Hà Nội sẽ giúp giảm đáng kể áp lực giao thông tại khu vực này của quận Thanh Xuân.
Sau khi hoàn tất các hạng mục công trình, ngày 8/1/2016 tại nút giao Trung Hoà, Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Lễ thông xe nút giao Trung Hoà và hầm nút giao Thanh Xuân - TP Hà Nội.
Đây là hai dự án nhằm góp phần vào việc giao thông thuận tiện, giảm ùn tắc cho trung tâm TP Hà Nội; Phù hợp với kế hoạch tổng thể của Thành phố Hà Nội 2020 và đáp ứng lưu lượng giao thông trong tương lai.
Hầm chui Trung Hòa (Cầu Giấy - Hà Nội) được khởi công vào đầu năm 2015, với chiều dài gần 700m, theo hướng Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long với tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng.
Hầm chui này được thiết kế 3 làn xe cơ giới rộng 3,5 m/làn. Phần hầm qua gầm cầu cạn sẽ được nối tiếp với đoạn hầm hở của dự án đường Đại lộ Thăng Long.
Theo quy hoạch, hệ thống metro Nam Hồ Tây - Láng - Hòa Lạc sẽ được xây dựng bên dưới hầm chui nên việc thiết kế, thi công cũng phải đảm bảo tính lâu dài và đồng bộ. Theo đó, phần đáy hầm chui được đổ bê tông, cốt thép dày 1m, sau đó đổ tiếp một lớp bê tông dày 60cm để bằng mặt đường của hầm cũ (Đại Lộ Thăng Long).
Cách đó khoảng 1km, dự án hầm chui Thanh Xuân (ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến) chính thức đi vào khởi công ngày 28/6/2014. Đây là dự án có trị giá 500 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA Nhật Bản, do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) và Liên danh nhà thầu Hanshin (Hàn Quốc) thi công.
Hầm chui được xây dựng theo hướng Nguyễn Trãi - Quốc lộ 6 để tách phương tiện giao thông trên đường Nguyễn Trãi khỏi khu vực giao cắt, bao gồm một đường hầm và đường dẫn vào hầm tổng chiều dài 980m. Trong đó, chiều dài của phần hầm kín là 109m, hầm hở 280m và tường chắn 325m, mặt cắt ngang 14m, hầm có 4 làn xe chạy, mỗi làn rộng 3,5m. Vận tốc thiết kế của hầm đạt 60km/h.
Dải phân cách của hầm được lắp đặt hệ thống chống lóa giúp các phương tiện không bị chói mắt bởi đèn pha của xe lưu thông ngược chiều. Ngoài ra, phần hầm chui cũng được thiết kế nhằm giảm thiểu tối đa độ ồn khi phương tiện di chuyển với tốc độ cao.
Theo các chuyên gia xây dựng, đây là một công trình phức tạp, vì nút giao này có tới 3 tầng là đường vành đai 3 trên cao, tàu điện trên cao và đường bộ; khu vực bên dưới hầm có nhiều hệ đường ống dẫn nước, dây cáp ngầm, dây thông tin nên phải di chuyển mất nhiều thời gian, chính vì thế mà việc thi công đòi hỏi sự tập trung cao độ. Trong quá trình thi công nhà thầu đã có nhiều phương án tối ưu để không ảnh hưởng kết cấu công trình khác và giao thông.
Với việc xây dựng dự án đường hầm chui này, nút giao Thanh Xuân sẽ có bốn tầng xe chạy. Gồm đường vành đai 3 trên cao, đường sắt trên cao, đường bộ và hầm chui.
Hình ảnh ngày Lễ thông xe diễn ra vào sáng 8/1:
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ
Cắt băng thông xe
Hầm chui này được thiết kế 3 làn xe cơ giới rộng 3,5 m/làn. Phần hầm qua gầm cầu cạn sẽ được nối tiếp với đoạn hầm hở của dự án đường Đại lộ Thăng Long.
Chạy thử
Thông xe hầm chui Thanh Xuân (ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến)
Ngay sau khi lễ thông xe kết thúc, các phương tiện đã có thể dễ dàng di chuyển qua 2 nút giao thông này
Đây là hai dự án nhằm góp phần vào việc giao thông thuận tiện, giảm ùn tắc cho trung tâm TP Hà Nội, phù hợp với kế hoạch tổng thể của Thành phố Hà Nội 2020 và đáp ứng lưu lượng giao thông trong tương lai.