Liên minh châu Âu sẽ kích hoạt một điều khoản để bảo vệ các công ty châu Âu khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ vì có quan hệ kinh tế với Iran.
Theo đó, phát biểu trong cuộc họp báo chiều 17/5 tại thủ đô Sofia của Bulgaria khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết, trong ngày 18/5, Liên minh châu Âu (EU) sẽ kích hoạt lại “điều luật phong toả” nhằm bảo vệ các công ty châu Âu khỏi các tác động của lệnh trừng phạt mà Mỹ áp dụng trở lại với Iran.
Trước đó, cũng trong ngày 17/5, Bộ Tài chính Mỹ đã quyết định áp đặt các lệnh trừng phạt mới chống lại Phong trào Hezbollah, khi đặc biệt nhằm vào các nguồn tài trợ cho phong trào Hồi giáo dòng Shiite tại Lebanon này.
Cụ thể, lệnh trừng phạt mới nhằm một trong số những nhà tài trợ cho Hezbollah Mohammad Ibrahim Bazzi, đại diện của Hezbollah tại Iran Abdallah Safi Al-Din, cũng như 5 thực thể đặt tại châu Âu, Tây Phi và Trung Đông. Vào ngày 16/5, với sự ủng hộ của các đồng minh tại vùng Vịnh, Mỹ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và tổ chức liên quan đến Hezbollah.
Theo giới quan sát, đợt trừng phạt mới nhất này không chỉ nhằm vào Phong trào Hezbollah, mà thực chất là nhằm vào các mối quan hệ của Iran với nước ngoài.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker
Được biết, “điều luật phong toả” là điều luật lần đầu tiên được EU đưa ra năm 1996 nhằm vô hiệu hoá các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty có quan hệ đầu tư và thương mại với Cuba.
Theo điều luật này, các công ty và toà án của EU có quyền không phải tuân thủ các quy định liên quan đến lệnh trừng phạt của bất cứ nước thứ ba nào và sẽ không có bất cứ phán quyết nào của các toà án nước ngoài về các quy định này được áp dụng tại châu Âu.
Hiện tại, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu gia tăng xung quanh hồ sơ hạt nhân Iran, việc kích hoạt lại điều khoản này sẽ cho phép Liên minh châu Âu phong toả việc áp dụng luật ngoài lãnh thổ của Mỹ khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump áp dụng trở lại các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran và tất cả các công ty của các quốc gia có quan hệ làm ăn với Iran.
Quyết định này từ phía Uỷ ban châu Âu đã được nhiều lãnh đạo của khối này ủng hộ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng quyết định này là một phép thử cho chủ quyền và sự tự chủ mạnh mẽ của Liên minh châu Âu.