Nếu chất vấn thì người hỏi, người trả lời. Nếu trả lời chưa đúng, người hỏi được đứng lên hỏi lại. Còn không hỏi mà vào bình luận thì không nên”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu ý kiến rút kinh nghiệm về chất vấn tại kỳ họp thứ 6 vừa qua.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp
Ngày 11/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã tiến hành tổng kết Kỳ họp thứ Sáu và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Bảy của QH.
Kỳ họp đặc biệt để lại nhiều dấu ấn
Trình bày Báo cáo Tổng kết Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIV, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau 22 ngày rưỡi, QH đã hoàn thành nội dung chương trình Kỳ họp thứ Sáu và để lại những dấu ấn quan trọng, tạo đà cho đất nước phát triển bền vững trong những năm sắp tới.
Trong công tác nhân sự, với sự tín nhiệm rất cao, QH đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước ta, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước, được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. Đồng thời, QH cũng đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về nhân sự thành viên Chính phủ.
Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH cũng nêu rõ, trong công tác lập pháp, với tinh thần làm việc tích cực, sôi nổi, các ĐBQH đã cân nhắc, phân tích thấu đáo, kỹ lưỡng về các dự án luật, các vấn đề quan trọng tác động trực tiếp đến đời sống của Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong quá trình thảo luận và biểu quyết thông qua.
Trong công tác xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, do là kỳ họp có ý nghĩa sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ, nên bên cạnh việc đánh giá kết quả của năm 2018 và quyết nghị các mục tiêu phát triển KT-XH, dự toán NSNN năm 2019, QH yêu cầu Chính phủ báo cáo kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển KT-XH, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn và 3 năm thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
QH cũng tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ Tư; hoàn thành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn; dành thời gian thỏa đáng xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng, công tác khiếu nại, tố cáo và một số báo cáo khác.
Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao, ghi nhận những đổi mới trong công tác chuẩn bị và tiến hành kỳ họp của QH, Chủ tịch Nước, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan, bảo đảm hoạt động của QH ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó với Nhân dân, được Nhân dân giám sát chặt chẽ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá về Kỳ họp thứ Sáu là kỳ họp đặc biệt so với các kỳ họp khác, và điều này được thể hiện trên nhiều phương diện. Trước hết, do là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, nên bên cạnh việc đánh giá tình hình KT-XH hàng năm, thì còn đánh giá từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Bên cạnh đó, tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, thực hiện chất vấn tổng thể, có sự kết hợp rất tốt giữa QH và Chính phủ. Chủ nhiệm UB Lê Thị Nga cũng nhấn mạnh, tính chất đặc biệt do QH thực hiện bầu Tổng Bí thư làm Chủ tịch Nước.
Quan tâm đến công tác xây dựng chương trình kỳ họp, Chủ nhiệm UB Lê Thị Nga và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhất trí cho rằng, từ đề xuất của Tổng Thư ký QH, UBTVQH và QH đã quyết định chương trình rất hợp lý và có thể phát huy cho kỳ sau. Tính hợp lý của chương trình kỳ họp thể hiện qua việc đưa công tác nhân sự lên trước, sau đó lấy phiếu tín nhiệm, rồi tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. “Bố trí chương trình như vậy là hợp lý, nên việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm ở các khóa sau nên được thực hiện trước khi tiến hành chất vấn. Bởi điều này giúp kết quả lấy phiếu rất khách quan và không bị ảnh hưởng bởi chất vấn”, Chủ nhiệm UB Lê Thị Nga nêu rõ.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khac cũng bày tỏ sự nhất trí cao đối với dự thảo Báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 6. Theo đó, đây là kỳ họp rất thành công, để lại dấu ấn quan trọng, có tính lịch sử, công tác nhân sự được chuẩn bị chu đáo; việc lấy phiếu tín nhiệm được triển khai thận trọng, trách nhiệm, theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục, bảo đảm dân chủ, khách quan; phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm.
Không đặt câu hỏi lại vào bình luận trong quá trình chất vấn
Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, việc tổ chức kỳ họp thứ 6 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý, rút kinh nghiệm.
Cụ thể, có nội dung được chuẩn bị với chất lượng còn hạn chế; chưa khắc phục triệt để việc chậm gửi tài liệu của một số dự án luật, dự thảo nghị quyết, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu và quyết định của đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh đó, một số báo cáo kết quả giám sát chưa đề cập đầy đủ, toàn diện các mặt hoạt động của bộ trưởng, trưởng ngành; phần nhiệm vụ, giải pháp được đề xuất trong một số báo cáo về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước chưa sát tình hình thực tiễn.
Ghi nhận ý kiến cử tri sau kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến phàn nàn về việc có đại biểu chất vấn gay gắt, không cần thiết… Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm để phiên chất vấn mang tính xây dựng, thông tin khách quan, đảm bảo không khí tranh luận trên diễn đàn Quốc hội.
Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, cách thức chất vấn “hỏi nhanh - đáp gọn” là tốt, nhưng việc chỉ dành cho bộ trưởng, trưởng ngành 3 phút để trả lời mỗi câu hỏi thì chưa nói được hết những vấn đề, đặc biệt là những vấn đề phức tạp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu
Góp ý vào nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, chất vấn là đại biểu đặt câu hỏi, người nhận câu hỏi phải trả lời. Trả lời không được thì người đặt câu hỏi có thể hỏi lại. Như vừa qua cần rút kinh nghiệm về việc có những đại biểu không đặt câu hỏi nhưng lại bình luận, cuối cùng người nhận câu hỏi không trả lời, lại được người khác đứng lên trả lời hộ.
“Tôi đề xuất, nếu chất vấn thì người hỏi, người trả lời. Nếu trả lời chưa đúng, người hỏi được đứng lên hỏi lại. Còn không hỏi mà vào bình luận thì không nên” – ông Nguyễn Khắc Định nêu ý kiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần đánh giá sâu sắc, toàn diện hơn nữa về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó cần khoanh lại các nhóm vấn đề để việc chất vấn tập trung hơn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 đạt kỷ lục cả số người chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri rất thích cách chất vấn như vậy, dù điều hành vất vả. Chủ tịch Quốc hội cũng đồng ý đưa ra quy tắc là khi đại biểu hỏi thì người bị chất vấn trả lời, còn người không liên quan thì không phát biểu.
Về kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20/5/2019 và làm việc khoảng 20 ngày. Theo chương trình, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Kiến trúc, Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; 1 dự thảo nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Quốc hội cũng cho ý kiến 9 dự án luật khác.
Bên cạnh các vấn đề kinh tế-xã hội, Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đổi mới, cải tiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp. Đồng thời, tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, đề cao hơn nữa trách nhiệm chuẩn bị nội dung, bảo đảm chất lượng, tiến độ, gửi tài liệu đúng thời gian theo quy định.