Chính trị

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23/10

Duy Tuấn 17/10/2023 14:20

Cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội trước khi bế mạc Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cuối giờ sáng nay, các đại biểu tán thành với thời gian làm việc của Quốc hội là 22,5 ngày; đồng thời đề nghị sắp xếp thời gian lấy phiếu tín nhiệm và chất vấn để đảm bảo hợp lý trong quá trình tổ chức, triển khai.

Chất vấn trong 3 ngày, không làm việc thứ 7

Trình bày báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đến nay, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được ý kiến góp ý của 63/63 Đoàn ĐBQH và một số ĐBQH; các ý kiến cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình.

tvqh2174(1).jpeg
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22,5 ngày; khai mạc vào ngày 23/10/2023 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 29/11/2023. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội; Kỳ họp tiến hành theo 02 đợt, cụ thể:

- Đợt 1 là 15 ngày: Từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023;

- Đợt 2 là 7,5 ngày. Từ ngày 20/11 đến sáng ngày 29/11/2023.

Ông Cường cho biết, “sẽ giữ nguyên tổng thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 03 ngày”.

Theo Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang, qua theo dõi, nhân dân rất quan tâm đến nội dung hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. “Qua những nhiệm kỳ gần đây, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đảm bảo thời gian, trả lời rõ, nhanh, gọn, đảm bảo chất lượng. Do đó, nhân dân đồng tình và tin tưởng, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này sẽ chất lượng và hiệu quả hơn”, ông Quang nói.

tvqh2172.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên họp

Nhất trí với chương trình Kỳ họp thứ 6 mà Tổng Thư ký vừa trình bày, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang bày tỏ đồng tình với dự kiến chương trình đề ra. “Chương trình hợp lý, khoa học, việc sắp xếp được nghỉ ngày thứ 7 sẽ giúp ĐBQH có thời gian nghiên cứu tài liệu nhiều hơn”, ông Quang nói.

Về chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong các nội dung trọng tâm của chất vấn và trả lời chất vấn, phiếu xin ý kiến của Tổng Thư ký cần phải viết cụ thể hơn về mặt nội hàm, về nội dung. Đồng thời trước phiên chất vấn phải có báo cáo liên quan đến từng lĩnh vực của các bộ, ngành.

Chưa thông qua 2 nghị quyết về thuế và đầu tư công nghệ cao

Về dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 6, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị điều chỉnh dự kiến nội dung như sau:

Bổ sung việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

- Bổ sung 03 Báo cáo của Chính phủ (gửi ĐBQH tự nghiên cứu) về: Lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm; tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11; tiến độ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh

- Việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành được thể hiện trong Nghị quyết chung của Kỳ họp (không ban hành Nghị quyết riêng).

Trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến góp ý, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến tiếp thu, điều chỉnh thứ tự, thời điểm, thời gian xem xét một số nội dung cho phù hợp, trong đó, không bố trí trình bày các báo cáo về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15, mà chỉ bố trí Quốc hội thảo luận nội dung này cùng với các nội dung về kinh tế - xã hội; bố trí Quốc hội thảo luận riêng tại Tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); đồng thời đề nghị:

- Tách riêng việc trình bày các báo cáo hàng năm về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước với các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.

tvqh2173.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp

Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị: "Chưa trình Quốc hội xem xét, thông qua: Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao do hồ sơ dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao chưa đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp này, trong khi 02 Nghị quyết này cần xem xét, thông qua cùng một thời điểm".

Tương tự như vậy, kỳ họp này cũng chưa trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia (theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền).

Sắp xếp thời gian lấy phiếu tín nhiệm đảm bảo hợp lý

Đáng chú ý, để đảm bảo công tác y tế và phòng chống dịch trong trời gian diễn ra kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác y tế phục vụ kỳ họp. “Bộ Y tế đã trình Chính phủ chuyển dịch COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B, do đó, Bộ Y tế đề xuất không tổ chức xét nghiệm COVID-19 trước và sau kỳ họp”, bà Hương nói.

Cho rằng nhân dân rất quan tâm đến việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang mong rằng, việc tổ chức lấy phiếu sẽ “thực chất và đảm bảo kết quả”, vì đây là một hình thức dân chủ trực tiếp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng “cần sắp xếp thời gian, thời điểm cho việc lấy phiếu tín nhiệm để đảm bảo hợp lý trong quá trình tổ chức, triển khai”.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Tổng Thư ký đã tổng hợp ý kiến của các ĐBQH, các Đoàn ĐBQH và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình kỳ họp. “Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với dự kiến chương trình”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về nội dung của kỳ họp sẽ phải chấp hành nghiêm Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, không bổ sung thêm nội dung vào chương trình trừ trường hợp cấp thiết, cấp bách, có ý kiến của cấp có thẩm quyền.

Đối với một số nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, về giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự kiến sẽ đưa vào trong dự thảo Nghị quyết giám sát để trình Quốc hội xem xét về chủ trương việc thực hiện thí điểm thực hiện khoán gọn chương trình theo địa bàn cấp huyện ở một số địa bàn để có cơ sở cho Chính phủ tổ chức thực hiện. Ngoài ra, với một số kiến nghị chính sách khác, đề nghị Chính phủ tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trình Quốc hội xem xét quyết định vào kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng đoàn Quốc hội sẽ có phiên họp với Ban Cán sự đảng Chính phủ để có trao đổi về việc tổ chức kỳ họp. Nêu rõ, công tác chuẩn bị cho kỳ họp đến nay đã cơ bản hoàn tất, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan đến công tác bảo đảm cho kỳ họp tiến hành một cách thuận lợi nhất, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối và thành công tốt đẹp nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23/10