Sáng 14/12, Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư về tình hình giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, nhất là nguồn vốn đầu tư năm 2022 kéo dài sang năm 2023 cho các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Chất vấn là hoạt động giám sát trực tiếp của đại biểu HĐND mà ở đó thể hiện trách nhiệm của đại biểu với cử tri. Đồng thời, cũng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được trả lời chất vấn.
Tại phiên họp này chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về tình hình giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, nhất là nguồn vốn đầu tư năm 2022 kéo dài sang năm 2023 cho các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị làm rõ tình hình, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm, đề xuất giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Chất vấn Giám đốc Sở Công Thương về tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp còn rất chậm và thiếu đồng bộ. Đề nghị làm rõ tình hình, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm, đề xuất giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Theo báo cáo, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa là 14.924,312 tỉ đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa phân bổ, giao kế hoạch là 14.894,418 tỉ đồng, bằng 99,8% kế hoạch cho 296 chương trình, nhiệm vụ và dự án. Trong đó, phân bổ cho 93 dự án đã hoàn thành, bao gồm 35 dự án đã hoàn thành có quyết toán và 58 dự án hoàn thành chưa có quyết toán được duyệt; 120 dự án chuyển tiếp; 65 dự án khởi công mới; 18 dự án chuẩn bị đầu tư.
Đến cuối tháng 11/2023, giải ngân vốn năm 2023 (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) của tỉnh Thanh Hóa được 9.181 tỉ đồng, bằng 61,5% kế hoạch (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023), tuy thấp hơn 3,9% so với cùng kỳ, song cao hơn 2,03% so với tỉ lệ giải ngân trung bình của cả nước.
Trong tổng số 94 chủ đầu tư, đơn vị được giao vốn năm 2023, có 73 chủ đầu tư giải ngân đạt trên mức giải ngân trung bình của cả tỉnh (có 38 chủ đầu tư, đơn vị đã giải ngân đạt 100% kế hoạch); 18 chủ đầu tư, đơn vị giải ngân dưới mức giải ngân trung bình của cả tỉnh; 3 chủ đầu tư chưa giải ngân.
Các chủ đầu tư giải ngân đạt dưới mức giải ngân trung bình của cả tỉnh cũng được “điểm danh” như: Sở Giao thông - Vận tải; Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa.
Ở cấp huyện có UBND các huyện Ngọc Lặc, Nga Sơn, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Mường Lát, Thường Xuân, Thạch Thành...
Các đại biểu đã đưa ra nhiều câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào thực trạng vấn đề. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và giám đốc các sở, ngành có liên quan đã trả lời chất vấn có trọng tâm, đưa ra các giải pháp chứ không trình bày lan man, không rõ việc, rõ người.
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng cho rằng, báo cáo và phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và giám đốc các sở, ngành có liên quan đúng trọng tâm câu hỏi, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra các biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
Đề nghị UBND tỉnh tập trung cao độ để chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn và thực hiện các dự án đầu tư công. Xác định, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần tập trung ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư công, nhất là các dự án lớn, quan trọng, đồng thời chỉ đạo kiểm điểm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của việc giải ngân chậm đối với từng địa phương, đơn vị, chương trình, dự án cụ thể.
Đề ra giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, công tác đấu thầu các dự án đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án; kế hoạch giải ngân, nhất là việc thực hiện cam kết của chủ đầu tư đối với tiến độ giải ngân của từng dự án.
Kiên quyết điều chuyển vốn các dự án thực hiện chậm, không đảm bảo yêu cầu theo mốc thời gian giải ngân tỉnh giao; không giao các dự án mới cho các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, các đơn vị có nhiều dự án thực hiện chậm, không đạt yêu cầu.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Các sở, ngành là cơ quan thường trực các Chương trình mục tiêu quốc gia khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và giám sát UBND cấp huyện, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhất là các chuyển tiếp có tiến độ chậm. Kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án của các chương trình.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả giải phóng mặt bằng trên địa bàn; thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo hướng chủ động, linh hoạt, làm gọn từng phần, kiểm đếm đến đâu thì thẩm định, phê duyệt, chi trả tới đó; có mặt bằng sạch tới đâu thì triển khai thi công đến đó.
Tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đôn đốc kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án do cấp huyện làm chủ đầu tư và quản lý; báo cáo cấp trên để dược hướng dẫn, xử lý nếu vượt thẩm quyền. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra UBND cấp xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của cấp xã quản lý...
Tiếp đó, tại Kỳ họp, HĐND tỉnh đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Công Thương; các đồng chí giám đốc các sở, ngành, các Ban quản lý dự án đầu tư cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh với nội dung: Về tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp còn rất chậm và thiếu đồng bộ. Đề nghị làm rõ tình hình, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm, đề xuất giải pháp.