Ngày 8/3, chủ trì hội nghị trực tuyến tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn yêu cầu các địa phương, ban dự án không biết thì phải hỏi để chuẩn bị đầy đủ các thủ tục đầu tư. Các sở, ngành, người đứng đầu phải rút ngắn thời gian, hướng dẫn kịp thời, không “ngâm” hồ sơ, cản trở việc triển khai các dự án để giải ngân vốn đầu tư công.
Theo báo cáo, năm 2023 Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ quyết định là 12.505,572 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương là 3.699,915 tỷ đồng). Đến thời điểm này, số vốn được phân bổ, giao kế hoạch chi tiết vốn từ ngân sách địa phương đạt 82,6% nhưng vốn trung ương chỉ mới bằng 41,3% kế hoạch. Vẫn còn 2.170,464 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết cho các dự án, nhiệm vụ. Trong đó 3 Chương trình mục tiêu quốc gia là 1.233,464 tỷ đồng, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 937 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn chủ trì hội nghị
Thanh Hóa đang đốc thúc, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Giao trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư, người đứng đầu, đơn vị giám sát, nhà thầu. Bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực giá trị khối lượng thực hiện 2 tháng đầu năm đạt 1.034 tỷ đồng, bằng 10% kế hoạch giao chi tiết; giải ngân đến ngày 28/2/2023 là 989 tỷ đồng (bằng 9,6% kế hoạch giao chi tiết, cao hơn 2,9% so với tỷ lệ giải ngân của cả nước).
Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc. Về tổ chức hiện hiện, toàn tỉnh có 10 chủ đầu tư giải ngân đạt dưới mức giải ngân trung bình của cả tỉnh, gồm 2 đơn vị cấp tỉnh và 8 UBND cấp huyện. Có 31 chủ đầu tư chưa giải ngân, gồm 4 sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; 8 UBND cấp huyện; 15 UBND cấp xã và 4 đơn vị khác. Công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức và thiếu tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện. Công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc và chưa được tháo gỡ, giải quyết kịp thời, dứt điểm…
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho hay: Hoạt động giải ngân vốn đầu tư công, việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có vai trò, ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt. Đây là động lực để cho nhiều lĩnh vực tăng trưởng, phát triển. Qua hội nghị này biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công. Dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng các đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Các ngành, địa phương tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết toán các dự án đã hoàn thành. Công tác chỉ đạo, điều hành phải được thực hiện trên tinh thần thường xuyên, liên tục, quyết liệt, cụ thể, sâu sát. Các huyện, thị xã, thành phố tập trung đẩy mạnh tiến độ lập, hoàn thiện hồ sơ, tổ chức thẩm định, trình phê duyệt hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sự dụng đất năm 2023 cấp huyện.
Tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh đầu tư công
“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành liên quan cần phải phối hợp chặt chẽ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các huyện thị, ban dự án không biết thì hỏi các sở chuyên ngành hướng dẫn cụ thể, chuẩn bị đầy đủ, chu đáo các thủ tục để rút ngắn thời gian tối đa. Các sở, ngành phải hướng dẫn chi tiết, trả hồ sơ không quá 1 lần, không được ngâm hồ sơ của các đơn vị. Thiếu thì phải chỉ rõ thiếu cái gì, làm thế nào để tháo gỡ. Làm hết việc chứ không phải là hết giờ, thiếu cán bộ thì báo cáo để điều chuyển sang đơn vị mình hỗ trợ, giải quyết.” Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn chỉ đạo.