Nhận định, đánh giá toàn diện những khó khăn, lực cản một cách thực tế, Thanh Hóa đã từng bước tháo gỡ, đưa ra giải pháp phù hợp, mọi mặt kinh tế, xã hội phát triển nhanh, bền vững.
Chiều 10/7, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp báo thông tin về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2025. Theo báo cáo, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,88% so với cùng kỳ. Đến hết ngày 30/6, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 29.789 tỷ đồng, bằng 65,5% dự toán và tăng 13,6% cùng kỳ.
Các hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án lớn đang triển khai thực hiện.
Huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 67.934 tỷ đồng, bằng 48,5% kế hoạch và tăng 1,7% so với cùng kỳ; thu hút được 61 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 5 dự án FDI) với tổng số vốn đầu tư đăng ký 12.904 tỷ đồng và 198,6 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh thành lập mới 1.725 doanh nghiệp, bằng 57,5% kế hoạch và tăng 12,3% so với cùng kỳ, đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ về số lượng doanh nghiệp thành lập mới.
Hoạt động khoa học, công nghệ tập trung nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; đã thực hiện quản lý 172 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia và cấp tỉnh, đánh giá, nghiệm thu 18 nhiệm vụ; triển khai thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo của trung ương về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát động phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn.
Hoạt động thông tin và truyền thông đảm bảo kịp thời, đúng định hướng với nhiều hình thức sáng tạo, hiệu quả, nhất là tuyên truyền các ngày lễ kỷ niệm lớn của dân tộc. Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở tiếp tục được quan tâm. Thể thao quần chúng được duy trì; thể thao thành tích cao đạt 366 huy chương các loại.
Chất lượng giáo dục được cải thiện, giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn; công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS, THPT được tăng cường; kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và THPT chuyên Lam Sơn được tổ chức nghiêm túc, an toàn. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 86,7%.
Công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm; đã tăng cường ứng dụng kỹ thuật y khoa mới để nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Quản lý hành nghề y, dược tư nhân được kiểm soát; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
6 tháng đầu năm đã tạo việc làm cho 30.360 lao động (trong đó có 5.075 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài). Các chế độ, chính sách an sinh, bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; đã hoàn thành 10.020 căn nhà và đang triển khai xây dựng 4.624 căn nhà ở cho các hộ gia đình theo chính sách.
Thanh Hóa đã tập trung rà soát sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm tiến độ, yêu cầu, chỉ đạo của trung ương. Ban hành kịp thời quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập, hợp nhất, đảm bảo hoạt động liên tục, hiệu lực, hiệu quả; giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức theo Nghị định số 178 của Chính phủ.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng nhìn nhận, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án xử lý rác thải tập trung, dự án đầu tư trực tiếp quy mô lớn chậm so với yêu cầu; một số sản phẩm công nghiệp có sản lượng giảm so với cùng kỳ.
Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc khan hiếm nguồn cung vật liệu xây dựng, giá cả tăng cao, ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh; một số mỏ khoáng sản khai thác ngoài mốc giới, vượt công suất, chưa hoàn thành đầy đủ các thủ tục về môi trường, đầu tư.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn, thu ngân sách nhà nước từ khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm so với cùng kỳ.
Hơn nữa, việc thiếu giáo viên chưa được giải quyết triệt để; công tác quản lý về y tế tư nhân còn nhiều hạn chế; một số bệnh viện công lập khu vực miền núi gặp khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ; còn tình trạng ngừng việc tập thể tại 11 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; xảy ra 14 vụ tai nạn động làm 12 người chết và 3 người bị thương, tình trạng chậm đóng các loại bảo hiểm trong các doanh nghiệp chưa có dấu hiệu giảm.
Tồn tại, hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu do tình hình thế giới phức tạp, khó lường; quy định pháp luật chưa đồng bộ, còn nhiều vướng mắc, nhưng chậm được tháo gỡ.
Công tác phân tích, dự báo và phản ứng chính sách có lúc chưa kịp thời, chưa hiệu quả; việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa một số sở, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, có biểu hiện đùn đẩy, né trách nhiệm; một bộ phận cán bộ, công chức ở cấp huyện, cấp xã, tại các cơ quan, đơn vị thực hiện hợp nhất, sáp nhập làm việc cầm chừng, thiếu chủ động, quyết liệt trong tham mưu.
Từ nay tới hết năm 2025, Thanh Hóa sẽ tập trung các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả 9 mục tiêu quan trọng về phát triển kinh tế (Tăng trưởng GRDP từ 13,72% trở lên), sản xuất lương thực, kim ngạch xuất nhập khẩu, huy động vốn, thu ngân sách…
Để đạt được mục tiêu đề ra, Thanh Hóa đưa ra 12 nhóm giải pháp cụ thể của từng đơn vị, địa phương, ban, ngành, doanh nghiệp phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, thực hiện hiệu quả, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm.
Tại buổi họp báo, các phóng viên đã đặt nhiều câu hỏi đối với các sở, ban, ngành, địa phương về những vấn đề nóng trên địa bàn. Những vấn đề chưa rõ, cần thời gian tổng hợp, được các đơn vị tiếp nhận qua bộ phận thư ký để trả lời bằng văn bản.