Vấn đề quan tâm

Cấp huyện được trao thêm quyền trong quản lý hoạt động phương tiện phục vụ vui chơi dưới nước

Nguyễn Cúc 25/02/2024 21:34

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 19/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2019 quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2024.

Theo đó, quy định mới phân cấp, chuyển đầu mối thực hiện công tác quản lý vùng nước hoạt động chơi, giải trí từ Cục Đường thủy nội địa VN, Cục Hàng hải VN sang Sở GTVT, UBND cấp huyện.

Cụ thể, Sở GTVT là đầu mối chấp thuận hoạt động (công bố mở, đóng) vui chơi, giải trí đối với vùng nước trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải (vùng 1); UBND cấp huyện là đầu mối chấp thuận hoạt động tại vùng nước khác (không thuộc vùng 1), được đánh dấu, xác định vị trí bằng phao hoặc cờ hiệu có màu sắc dễ quan sát. UBND cấp huyện cũng là cơ quan tiếp nhận, thỏa thuận với nhà đầu tư địa điểm, quy mô đối với dự án đầu tư xây dựng vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước.

unnamed.jpg
ảnh minh họa

Bên cạnh đó, quy định mới cũng giao UBND cấp huyện tổ chức cấp chứng nhận đăng ký phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí thuộc diện phải đăng ký, UBND cấp xã quản lý đối với phương tiện thuộc diện miễn đăng ký (thay vì quy định UBND cấp tỉnh phân công, phân cấp như trước).

Nghị định số 19/2024/NĐ-CP cũng nêu rõ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo UBND cấp huyện: tổ chức quản lý việc đăng ký phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước; kiểm tra, giám sát UBND cấp xã trong việc tổ chức quản lý phương tiện thuộc diện được miễn đăng ký; tổ chức quản lý hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước tại vùng thuộc phạm vi quản lý. Chỉ đạo Sở GTVT tổ chức thực hiện quản lý hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước tại vùng 1.

Tuy vậy, để tạo thuận lợi cho công tác tiếp nhận phân cấp, nghị định cũng quy định, kể từ ngày nghị định có hiệu lực (ngày 10/4/024), nếu Sở GTVT chưa thực hiện được theo thẩm quyền (vùng 1) thì đề nghị Cục Đường thủy nội địa VN hoặc Cục Hàng hải VN thực hiện tiếp; UBND cấp huyện chưa thực hiện được nhiệm vụ thì đề nghị UBND cấp tỉnh, Sở GTVT thực hiện. Còn kể từ 1/1/2025, Sở GTVT, UBND cấp huyện thực hiện nhiệm vụ chấp thuận, thỏa thuận, công bố mở, đóng vùng nước vui chơi giải trí theo thẩm quyền được quy định tại nghị định trên.

Nghị định số 19/2024/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung Điều 11 thẩm quyền thỏa thuận, công bố mở, đóng vùng hoạt động tại vùng 2.

Cụ thể, UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (quy định cũ là UBND cấp tỉnh) thực hiện thỏa thuận, công bố mở, đóng vùng hoạt động tại vùng 2.

Trước khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng, chủ đầu tư liên hệ UBND cấp huyện để thực hiện thỏa thuận về địa điểm, quy mô, biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Việc đầu tư dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.

Nghị định 19/2024/NĐ-CPcó hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 4 năm 2024.

Theo quy định hiện hành, phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước là tàu, thuyền hoặc cấu trúc nổi khác được dùng để phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước có sức chở không quá 05 người và hoạt động trong vùng hoạt động được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc công bố.
Vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước là vùng nước mà phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước được phép hoạt động trong phạm vi ranh giới an toàn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc công bố. Vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước gồm 02 vùng: Vùng 1: Là vùng nước trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải; Vùng 2: Là vùng nước khác không thuộc vùng 1, được đánh dấu, xác định vị trí bằng phao hoặc cờ hiệu có màu sắc dễ quan sát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp huyện được trao thêm quyền trong quản lý hoạt động phương tiện phục vụ vui chơi dưới nước