Sau những vụ bạo hành trẻ em xảy ra, rất nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này.
Vừa qua, trên mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn video có ghi cảnh bảo mẫu trường mầm non trong lúc cho một bé trai ăn đã liên tiếp dùng muỗng đút thức ăn và dùng tay đánh vào vùng đầu, mặt bé trai này. Thái độ của bảo mẫu trong đoạn video trên cũng rất dửng dưng.
Ngay sau khi được đăng tải, thông tin này thu hút nhiều lượt chia sẻ và bình luận của cộng đồng mạng. Đa số ý kiến đều bày tỏ sự bức xúc, lên án hành vi của bảo mẫu và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ hành vi bạo hành trẻ. Địa điểm xảy ra sự việc được xác định thuộc cơ sở mầm non H.B.H thuộc xã Đức Lập Hạ (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).
Hiện nay, Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) vừa có văn bản gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Long An và Sở GD&ĐT tỉnh Long An để chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc; thực hiện ngay biện pháp hỗ trợ những trẻ em bị tổn thương do bạo lực…
Hình ảnh cô giáo đánh vào đầu trẻ. Ảnh cắt từ clip
Sau những vụ bạo hành trẻ em xảy ra, rất nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này. Nhiều ý kiến cho rằng, cần lắp đặt camera để giám sát các cơ sở mầm non, tuy nhiên giải pháp này lại thiếu tính khả thi. Bởi việc lắp đặt camera giám sát không phải cơ sở mầm non nào cũng có điều kiện để thực hiện hoặc đã lắp đặt camera nhưng các chủ cơ sở mầm non lại cố tình làm hư hỏng thiết bị.
Hơn nữa, các cơ quan quản lý nhà nước liệu có đủ kinh phí để đầu tư lắp đặt camera cho tất cả các cơ sở mầm non hay không? Trong trường hợp chủ cơ sở mầm non không đồng ý lắp đặt camera giám sát thì liệu có căn cứ pháp lý để xử lý và thu hồi giấy phép hoạt động hay không?...
Để giải quyết tận gốc tình trạng bạo hành trẻ em cần phải xác định rõ những nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục. Trước hết, cần chấn chỉnh ngay tình trạng cấp phép hoạt động đối với các cơ sở mầm non không đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất hoặc giáo viên không đáp ứng về tiêu chuẩn đạo đức và nghiệp vụ sư phạm. Mặt khác, cần phải tiến hành kiểm tra toàn diện, kiên quyết xử phạt và đóng cửa các cơ sở chui hoặc không đủ điều kiện. Rà soát tiêu chuẩn của giáo viên mầm non, nếu không đáp ứng thì phải chấm dứt ngay hợp đồng lao động; yêu cầu các cơ sở mầm non phải bố trí đủ diện tích, đủ sống lượng giáo viên và nhân viên trông trẻ.
Đồng thời, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm; phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể ở cơ sở cùng tham gia phối hợp; tăng cường công tác tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tình trạng bạo hành trẻ em xảy ra hoặc tiếp nhận kịp thời các thông tin phản ánh, tố cáo về hành vi vi phạm của các cơ sở mầm non để xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em, hơn ai hết phụ huynh phải biết cách bảo vệ con em của mình như lựa chọn địa điểm trông giữ trẻ có uy tín, chất lượng; thường xuyên giám sát tình trạng chăm sóc, giáo dục con của mình tại cơ sở mầm non; kịp thời thông tin với các cơ quan quản lý nếu các cơ sở này xảy ra vi phạm.
Ngoài ra, phụ huynh cần thường xuyên để ý đến những biểu hiện của con, nhất là các biểu hiện tâm lý hoặc những thương tích trên cơ thể của trẻ để kịp thời điều trị và cần dành nhiều thời gian để chăm sóc con, đừng phó thác hết trách nhiệm cho các cơ sở mầm non. Có như vậy mới có thể ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng bạo hành trẻ em hiện nay.