Ngân hàng mở là một mô hình kinh doanh mới và tiềm năng. Tuy nhiên, cần nghiên cứu toàn diện, cụ thể để có cơ sở xây dựng chính sách, hành lang pháp lý phù hợp, đón xu thế chuyển đổi số.
Tiềm năng phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam
Ngân hàng mở (Open Banking) cho phép bên thứ ba viết ứng dụng và cung cấp dịch vụ từ chính dữ liệu của ngân hàng. Việc ứng dụng giao diện lập trình (API) - công nghệ cho phép các bên thứ ba truy cập vào dữ liệu mở hay truy cập bảo mật đến dữ liệu đóng của một tổ chức khi được sự đồng ý của chủ sở hữu dữ liệu và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.
Ngân hàng mở giúp các ngân hàng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng khác của đối tác, rút ngắn quá trình xử lý giao dịch, giảm thiểu các tác vụ thủ công, xây dựng các giải pháp kinh doanh tối ưu và cung cấp các dịch vụ toàn diện, tiện ích nhất cho khách hàng.
Điển hình, các ngân hàng thương mại hiện đại hóa công nghệ đa tiện ích như mobile banking, internet banking, contactless payment, QR code… Nền tảng Open banking đã góp phần kết nối và lồng ghép các dịch vụ ngân hàng vào các lĩnh vực của cuộc sống như thanh toán hóa đơn điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, dịch vụ công trực tuyến…
Ngoài ra, quyền truy cập vào dữ liệu của khách hàng còn hỗ trợ cho việc các ngân hàng chấm điểm tín dụng của khách hàng một cách chính xác. Có thể thấy ngân hàng mở cho phép các bên thứ ba phát triển các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân tốt hơn. Chính vì vậy, mô hình này thúc đẩy sự cạnh tranh trong ngành ngân hàng, gây áp lực và buộc các ngân hàng truyền thống phải tăng cường các dịch vụ tài chính hoặc hợp tác với các công ty Fintech.
Tại Hội thảo “Tiềm năng phát triển Ngân hàng mở tại Việt Nam - Những khuyến nghị về chính sách, khuôn khổ pháp lý”, ông Dilip Krishnan - lãnh đạo toàn cầu, Giám đốc thực hành chuyển đổi kỹ thuật số thuộc bộ phận Dịch vụ và Dữ liệu của Mastercard cho biết, ngân hàng mở là một mô hình kinh doanh mới và tiềm năng, là xu thế tất yếu trên toàn cầu, đang được triển khai trên toàn thế giới do nhu cầu của thị trường hoặc theo yêu cầu của quy định quản lý nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo, cạnh tranh, quyền riêng tư về dữ liệu và tài chính bao trùm.
Tại Việt Nam, ngân hàng mở là một trong những dấu ấn quan trọng trong quá trình đổi mới công nghệ tài chính, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số theo hướng thông minh và cởi mở, mở ra những cơ hội kinh doanh mới cho các ngân hàng.
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho ngân hàng mở
Chia sẻ tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách, HHNH, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV Trần Phương cho biết, chuyển đổi số và dịch chuyển mô hình kinh doanh ngân hàng sang hệ sinh thái mở với việc ứng dụng Open Banking đang là xu hướng tất yếu hiện nay. Do đó, một mặt, các NHTM cần chủ động và tích cực trong quá trình chuyển đổi số nói chung và phát triển ngân hàng mở nói riêng. Nhưng mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần đồng hành trong việc hình thành các cơ chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý phù hợp. Ông Phương cho biết Ủy ban Chính sách, HHNN luôn mong muốn đóng góp những ý kiến tham mưu cho NHNN, các bộ ngành xây dựng chính sách phù hợp, thúc đẩy thị trường phát triển nhanh và bền vững.
Tuy nhiên, theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), Phó Tổng Giám đốc VietinBank, việc triển khai ngân hàng mở cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức, nhất là vấn đề hành lang pháp lý cụ thể, bởi hiện nay chưa có quy định hướng dẫn về Open API (những dịch vụ nào, dữ liệu nào các đối tác có thể sử dụng…), đồng thời cũng chưa có tiêu chuẩn chung về hệ thống công nghệ thông tin, lưu trữ thông tin, bảo mật, kết nối….
Liên quan đến vấn đề này, ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay đã có một số quy định về trách nhiệm của ngân hàng trong việc bảo mật thông tin khách hàng; quy định về quyền được cung cấp thông tin của khách hàng, đảm bảo bí mật thông tin khách hàng và Quy định về xử lý vi phạm về thông tin cá nhân được quy định cụ thể ở Bộ luật Dân sự 2015, Luật Giao dịch điện tử, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật An toàn thông tin mạng 2015 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận cần hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung và ban hành các Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, về định danh và xác thực điện tử, về thanh toán.
Đồng quan điểm, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, các ngân hàng Việt Nam sẽ đi theo xu hướng của ngân hàng mở, tuy nhiên, ngân hàng mở là nội dung mới, cần tiếp tục nghiên cứu bởi những nội dung mới cần được hiểu rõ đúng đủ bản chất sự việc thì mới ban hành chính sách được. Và để làm được cần sự phối hợp chủ trì của nhiều bên liên quan. Tuy nhiên để thành công thì cần có hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp với thực tiễn trên quan điểm áp dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng.
Theo Phó Thống đốc, lộ trình trong thời gian sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện dự thảo thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt và ban hành Thông tư về Open API trong lĩnh vực thanh toán. Chính phủ cũng sẽ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh và xác thực điện tử, liên quan trực tiếp hoạt động của các ngân hàng và cả hệ thống ngân hàng nên các ngân hàng và đơn vị của Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp triển khai hiệu quả.