Sức Khỏe

Cần chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện

Chu Phương 22/11/2023 - 14:36

Ngày 21/11, tại TPHCM, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo "Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện và xin ý kiến sửa đổi về Thông tư 43/2015/TT-BYT quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện" khu vực phía Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, hoạt động công tác xã hội (CTXH) trong các cơ sở y tế đang từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa ở các khía cạnh về hệ thống văn bản pháp luật, nguồn nhân lực, đào tạo, tập huấn, nghiên cứu khoa học và các hoạt động về công tác xã hội trong y tế. Hiện nay, 100% các bệnh viện tuyến trung ương, 97% bệnh viện tuyến tỉnh và gần 90% bệnh viện tuyến, quận huyện đã thành lập Phòng/tổ CTXH.

1700617289078toan-canh-hoi-thao.jpeg
Các đại biểu tham dự hội thảo

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, Thông tư 43/2015/TT-BYT đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Hoạt động CTXH của các bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực, tài chính, cung cấp dịch vụ CTXH theo Thông tư 43 của Bộ Y tế để giúp người bệnh giảm bớt gánh nặng bệnh tật. Trong Thông tư 43, nhiều nhiệm vụ chung chung, chồng chéo, vượt quyền hạn của nhân viên khiến việc triển khai các hoạt động trong thực tế gặp nhiều khó khăn. Nhiều lãnh đạo Sở Y tế, cơ sở y tế chưa thực sự quan tâm đến công tác xã hội, nhất là các cơ sở y tế thuộc lĩnh vực y học dự phòng, dân số…

PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng cho biết, Bộ Y tế đề ra một số giải pháp về hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CTXH trong y tế. Cụ thể là, sớm ban hành chuẩn năng lực nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện (hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo và tổ chức xin ý kiến đối với dự thảo chuẩn năng lực nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện). Đồng thời hoàn thiện Thông tư sửa đổi thông tư số 43/2015/TT-BYT quy định về hình thức, nhiệm vụ của nhân viên CTXH trong bệnh viện; xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng CTXH trong bệnh viện.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay, về cơ cấu nhân lực trong lĩnh vực công tác xã hội chủ yếu là kiêm nhiệm (chiếm hơn 60%), trong khi đó tỷ lệ cán bộ/nhân viên của Phòng/Tổ công tác xã hội được đào tạo chuyên ngành công tác xã hội còn thấp. Hiện vẫn chưa có chương trình đào tạo nhân viên công tác xã hội làm việc trong bệnh viện/cơ sở khám chữa bệnh; chưa có chuẩn năng lực nhân viên công tác xã hội trong cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc triển khai các nhiệm vụ công tác xã hội trong bệnh viện chưa được đầu tư đúng mức. Rất ít bệnh viện có nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách bệnh viện để thực hiện các nhiệm vụ công tác xã hội, hầu hết nguồn kinh phí chủ yếu từ các nhà tài trợ, nhà hảo tâm. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ đối với nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện chưa phù hợp.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu kiến nghị cần đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nhân viên y tế trong các hoạt động CTXH của bệnh viện. Hiện nay, nhân viên y tế đang phải đối mặt với nhiều áp lực và khó khăn khi tiền lương và chế độ đãi ngộ chưa phù hợp. Do đó, đội ngũ CTXH cần hỗ trợ tâm lý cho nhân viên y tế; kết nối và điều phối nguồn lực để trợ giúp về tài chính và vật chất cho nhân viên y tế có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời đóng vai trò cải thiện mối quan hệ giữa nhân viên y tế với người bệnh, người nhà người bệnh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện