Đề xuất miễn học phí các cấp tới đại học cho con giáo viên đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Xem xét ở nhiều khía cạnh, liệu chính sách này có thật sự phù hợp và dễ thực thi?
Tại phiên họp 38, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nêu ý kiến về dự án Luật Nhà giáo. Trong đó, đưa ra chính sách miễn học phí cho con của nhà giáo từ mầm non đến đại học.
Đánh giá về đề xuất chính sách trên, Nhà giáo nhân dân, Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ, Trịnh Văn Thanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân cho rằng: “Nên nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, toàn diện với hoàn cảnh vùng miền, của đất nước, theo thu nhập bình quân của các thành phần dân cư trên cả nước để có quyết sách phù hợp. Cần nắm bắt các nhu cầu của xã hội về vấn đề này ở nước ta để xây dựng pháp luật điều chỉnh các nhu cầu đó, chứ không chỉ nay với nhà giáo, mai tới bác sĩ, rồi bộ đội, công an, hàng không, ... những ngành nghề quan trọng trong xã hội và có rủi ro cao; nên có chính sách cho các trường hợp là các đối tượng chính sách khác nhau, bằng một văn bản khác.
Tiến sĩ Trịnh Văn Thanh nhấn mạnh: “Nhà nước với vai trò quản lý xã hội phải nắm bắt các nhu cầu chung của xã hội để xây dựng pháp luật về miễn giảm học phí, có tính tổng thể cho mọi trường hợp trên phạm vi cả nước chứ không chỉ vì xây dựng Luật Nhà giáo thì ưu tiên con nhà giáo. Khi xây dựng Luật Thầy thuốc thì vấn đề con thầy thuốc có xem xét miễn giảm không....., rồi các đối tượng khác nữa. Cho nên, Luật Nhà Giáo chỉ quy định những quy phạm điều chỉnh quyền hạn, nghĩa vụ, hoạt động của Nhà giáo và các chính sách hỗ trợ như lương bổng, phụ cấp.... chứ không thể kèm miễn học phí cho con nhà giáo khi chưa xem xét đến các đối tượng khác cũng rất cần được miễn giảm".
Đối với chính sách trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng: Miễn học phí cho con đẻ hoặc con nuôi hợp pháp của nhà giáo trong dự thảo Luật là chính sách nhân văn, song quy định này khó áp dụng cho cơ sở giáo dục tư thục và thậm chí trong cả cơ sở giáo dục công lập. Chính vì vậy, cần quy định chính sách theo hướng cho đối tượng nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn cụ thể. “Không nên quy định nội dung này vào dự thảo Luật. Ưu đãi, chính sách đặc thù thì được nhưng quy định “đặc quyền, đặc lợi” là không nên” – Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Đó là đánh giá của các nhà chuyên môn, hoạch định chính sách, vậy còn người trong cuộc? Chia sẻ với PV Báo Công lý, chị H.Q (giáo viên dạy cấp 3 tại TP Hòa Bình) cho rằng: Mặc dù rất phấn khởi vì nếu đi vào thực thi, con cái đi học sẽ nhận được quyền lợi nhưng cũng phát sinh nhiều vấn đề. Ví dụ như xác định con nuôi hợp pháp, rồi các cán bộ nhân viên tại trường công lập có được hưởng chế độ này không? Xét chung lại, tăng quyền lợi cho giáo viên đang công tác vẫn dễ hơn là miễn học phí học tập cho con giáo viên".