Tại dự thảo Thông tư của Bộ Công an về công tác phòng cháy, chữa cháy có nội dung nghiêm cấm lợi dụng công tác kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định nhiệm vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân. Cụ thể theo dự thảo, việc thực hiện công tác kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
a) Tuân thủ quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, quy định tại Thông tư này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
b) Bảo đảm thống nhất trong tổ chức thực hiện công tác kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy;
c) Nghiêm cấm lợi dụng công tác kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Cũng theo dự thảo, việc thực hiện nhiệm vụ thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy phải bảo đảm nguyên tắc sau đây:
a) Phân công cán bộ có năng lực phù hợp, bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của Bộ Công an để thực hiện công tác thẩm định thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy;
b) Công tác tập huấn nghiệp vụ thẩm định thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy phải bảo đảm thường xuyên, kịp thời để đáp ứng yêu cầu công tác và nâng cao chất lượng cán bộ thực hiện công tác này;
c) Bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, đánh giá đúng năng lực, trình độ của cán bộ trong công tác kiểm tra nghiệp vụ thẩm định thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
Công tác thường trực và kiểm tra thường trực sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Hoạt động thường trực sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo nguyên tắc tập trung mang tính chất của lực lượng vũ trang; tuân thủ quy định của pháp luật, điều lệnh Công an nhân dân, dưới sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và cấp trên;
b) Bảo đảm sẵn sàng lực lượng, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ kịp thời;
c) Thời gian thường trực của Công an các đơn vị, địa phương thực hiện theo chế độ 24/24 giờ hằng ngày để bảo đảm sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong mọi tình huống;
d) Công tác kiểm tra thường trực sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải bảo đảm an toàn, khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ trong đánh giá tình hình, kết quả công tác tại đơn vị được kiểm tra. Nghiêm cấm lợi dụng việc kiểm tra để trục lợi, cản trở, gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm tra.
Dự thảo cũng quy định cụ thể về tổ chức trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Cụ thể:
Trực chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gồm:
a) Tại Trung tâm Thông tin chỉ huy Bộ Công an: 01 đồng chí lãnh đạo Bộ;
b) Tại Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an cấp tỉnh: 01 đồng chí trong Ban Giám đốc;
c) Tại Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an cấp tỉnh: 01 đồng chí lãnh đạo Phòng;
d) Tại Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp huyện: 01 đồng chí chỉ huy cấp Đội;
đ) Tại Công an cấp xã: 01 đồng chí chỉ huy Công an cấp xã.
Trực tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ:
a) Tại Trung tâm thông tin chỉ huy 114: mỗi ca trực bố trí tối thiểu 02 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có ít nhất 01 sĩ quan hoặc hạ sĩ quan có nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;
b) Tại Bộ phận tiếp nhận và xử lý thông tin của các đơn vị cấp Đội thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an cấp huyện và Công an cấp xã mỗi ca trực bố trí tối thiểu 01 cán bộ, chiến sĩ.
Trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ:
Cán bộ, chiến sĩ trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được bố trí thành tổ trực tương ứng với đội hình chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ bản để điều khiển, vận hành, sử dụng các phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đưa vào trực, cụ thể:
a) Đối với xe chữa cháy, xe cứu nạn, cứu hộ bố trí mỗi xe 01 tổ gồm 01 Tổ trưởng và 05 chiến sĩ;
b) Đối với tàu chữa cháy bố trí mỗi tàu 01 tổ gồm 01 Tổ trưởng và 08 chiến sĩ;
c) Đối với ca nô chữa cháy, ca nô cứu nạn, cứu hộ bố trí mỗi ca nô 01 tổ gồm 01 Tổ trưởng và 06 chiến sĩ;
d) Đối với xuồng chữa cháy, xuồng cứu nạn, cứu hộ bố trí mỗi xuồng 01 tổ gồm 01 Tổ trưởng và 03 chiến sĩ;
đ) Đối với các phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ giới khác, căn cứ tính năng tác dụng của phương tiện và thiết kế của nhà sản xuất thì bố trí mỗi phương tiện 01 tổ gồm 01 Tổ trưởng và số lượng chiến sĩ theo thiết kế của nhà sản xuất.
Về thời gian tổ chức ca trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, dự thảo quy định trực chỉ huy, trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được tổ chức một ca một ngày, bảo đảm trực 24/24 giờ.
Trực tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, báo tình huống cứu nạn, cứu hộ được tổ chức thành nhiều ca trực hằng ngày do Thủ trưởng đơn vị căn cứ vào quân số và yêu cầu công tác chiến đấu của đơn vị quyết định.