Nhằm mục tiêu phát triển bền vững ngành gỗ Việt Nam, 5 hiệp hội ngành gỗ đã cùng nhau ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển bền vững ngành gỗ Việt Nam.
5 hiệp hội ngành gỗ gồm: Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA); Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA); Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định).
Theo đó, các hiệp hội thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước; giới thiệu, quảng bá doanh nghiệp và hình ảnh, chất lượng, mẫu mã các sản phẩm đồ gỗ Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế, cùng nhau xây dựng thương hiệu ngành gỗ Việt Nam.
Bên cạnh đó, cùng nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của ngành gỗ Việt Nam thông qua việc hợp tác, liên kết hình thành và phát triển một khu lâm nghiệp công nghệ cao ở phía Nam trở thành một trung tâm đồ gỗ liên vùng có quy mô và năng lực sản xuất, chế biến, thương mại đồ gỗ và sản phẩm gỗ hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương dựa trên sự liên kết hợp tác chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ trong cả nước, vận dụng những thế mạnh của các địa phương đi tiên phong, bao gồm Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định và một số tỉnh thành khác.
Đáng chú ý, trong thỏa thuận hợp tác này, 5 hiệp hội đã cùng nhau “bắt tay” và phối hợp chặt chẽ các bộ ngành trung ương, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp rộng lớn nhằm đề ra những định hướng và giải pháp hiệu quả, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, loại bỏ những doanh nghiệp gian lận, làm ăn phi pháp. Đây là hành động thiết thực nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác thương mại, góp phần bảo vệ các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản….
Cùng với cái “bắt tay” của 5 hiệp hội, ông Tô Xuân Phúc cho rằng, tạo nguồn gỗ nguyên liệu trong nước phục vụ tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu sẽ trực tiếp góp phần thúc đẩy ngành phát triển bền vững trong tương lai. Để làm được điều này đòi hỏi các cơ chế, chính sách về liên kết chuỗi và về đất đai cần có những thay đổi theo hướng tạo môi trường thúc đẩy hình thành liên kết, cởi trói và giải phóng tiềm năng về đất đai thông qua các mô hình liên kết.
Bên cạnh đó, việc siết chặt kiểm soát gỗ rủi ro nhập khẩu, quản lý và minh bạch hóa thị trường nội địa sẽ giúp giảm lượng cung gỗ rủi ro nhập khẩu, từ đó tạo cơ hội cho các nguồn gỗ rừng trồng trong nước, bao gồm cả gỗ tạo ra bởi các mô hình liên kết phát triển.
“Các cơ chế chính sách này sẽ tạo ra động lực nhằm giúp ngành gỗ giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm cả nguồn gỗ rủi ro. Các giải pháp này cũng trực tiếp thúc đẩy mở rộng các diện tích rừng chất lượng cao tại Việt Nam trong tương lai”, ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends chia sẻ.