Cục Nghệ thuật Biểu diễn vừa có thông báo về kế hoạch tổ chức liên hoan kịch nói toàn quốc 2021. Theo đó, cuộc thi sẽ được diễn ra trực tuyến do dịch bệnh vẫn phức tạp. Tuy nhiên, nhiều đại diện các sân khấu tại TP.HCM đã từ chối tham gia.
Cục Nghệ thuật Biểu diễn vừa có thông báo về kế hoạch tổ chức liên hoan kịch nói toàn quốc 2021. Theo đó, sự kiện dự kiến được tổ chức tại Hải Phòng vào cuối tháng 10.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đưa ra hai giải pháp là thi trực tiếp từ ngày 6 đến 8/11 và thi trực tuyến dành cho các đoàn ở xa từ ngày 28/10 đến 4/11.
Tuy nhiên, đại diện của nhiều sân khấu tại TP.HCM từ chối dự thi liên hoan kịch nói toàn quốc. Nghệ sĩ cũng không đồng tình với giải pháp thi trực tuyến.
Đây là một điều rất dễ hiểu. Vì dịch bệnh bùng phát từ đầu tháng 6, khiến hầu hết các sân khấu kịch tại Tp Hồ Chí Minh không thể mở cửa và nghệ sĩ cũng không thể đến cơ quan để tập luyện
Điều này khiến các đại diện này không thể chuẩn bị kịp các tác phẩm để mang tới cuộc thi liên hoan kịch toàn quốc.
Anh Ngọc Hùng - Giám đốc Nghệ thuật sân khấu Thế giới Trẻ - cho biết trong bối cảnh dịch bệnh, sân khấu đã xin rút lui khỏi liên hoan kịch toàn quốc.
"Từ đầu năm đến giờ, sân khấu không sáng đèn. Chúng tôi cũng không tập được vở nào để tham gia. Trong thời điểm giãn cách xã hội, anh chị em nghệ sĩ cũng không thể tập hợp lại được để chuẩn bị cho việc dự thi. Nếu liên hoan vẫn diễn ra, chắc chỉ có các sân khấu ở ngoài Bắc tham gia, trong miền Nam thì chịu rồi", anh Ngọc Hùng bày tỏ.
Anh cũng phản đối việc tổ chức thi theo hình thức trực tuyến, với lý do: "Sân khấu kịch mà thi trực tuyến thì buồn tẻ quá".
Huỳnh Công Hiển - quản lý sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh - cho biết trong thời điểm dịch bệnh, đơn vị không tham gia liên hoan kịch toàn quốc diễn ra tại Hải Phòng.
"Các nghệ sĩ sân khấu tại TP.HCM trong thời điểm này không ai có tinh thần để thi thố", người này nói.
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc sân khấu kịch Idecaf - việc tổ chức thi bằng hình thức trực tuyến không khả thi. Ngoài ra, các sân khấu lại phải chi trả tiền để đảm bảo cho chất lượng đường truyền.
Từ đó, giám đốc sân khấu kịch Idecaf đưa ra đề xuất liên hoan kịch nên dời qua năm sau tổ chức khi tình hình dịch được ổn định. Kinh phí tổ chức năm nay để hỗ trợ cho các nghệ sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn vì dịch.
NSƯT Mỹ Uyên chia sẻ: "Sân khấu là nghệ thuật biểu diễn trực tiếp. Việc ban tổ chức dự kiến tổ chức theo hình thức trực tuyến là điều không thể".
Nữ nghệ sĩ kể gần một tuần trước, cô nhận được thông báo và ngay lập tức từ chối. Theo NSƯT Mỹ Uyên, liên hoan là dịp hội hè, vui vẻ. Các nghệ sĩ hiện nay đều kiệt quệ về vật chất, tinh thần khi sân khấu đóng cửa nhiều tháng liền vì dịch.
"Từ đầu năm đến giờ, sân khấu hầu như đóng cửa. Chúng tôi không thể quy tụ mọi người để tập tuồng. Không lẽ bây giờ lấy mấy băng tư liệu để dự thi. Khán giả không ai chấp nhận đâu", chị chia sẻ.
Trước ý kiến của đại diện các sân khấu kịch phía Nam, ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn - chia sẻ kế hoạch tổ chức liên hoan kịch nói đã được thông báo từ năm 2020. Đến nay, liên hoan phải trải qua nhiều lần hoãn tổ chức do ảnh hưởng của dịch.
BTC sẽ nhận đăng ký từ các đơn vị đến ngày 15/10 và tiếp nhận phản hồi để đưa ra phương án phù hợp.
"Chúng tôi đang tiếp thu ý kiến của các đơn vị và phản hồi lên lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Liên hoan kịch nói toàn quốc 3 năm mới diễn ra một lần. Nếu năm nay không tổ chức thì năm 2024 mới có thể làm được. Cục luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị", ông Trần Hướng Dương trao đổi thêm.
Liên hoan kịch nói toàn quốc là sự kiện do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và Sở Văn hóa các địa phương tổ chức. Cuộc thi được tổ chức 3 năm một lần với sự tham gia của hàng nghìn nghệ sĩ trong cả nước.
Kỳ liên hoan kịch nói toàn quốc gần nhất diễn ra vào năm 2018 tại TP.HCM với sự tham dự của 22 đơn vị, trong đó có 13 đoàn ngoài công lập.