Phóng sự - Ghi chép

“Bức tường thành” nơi phên giậu Tổ quốc

T. Thành 06/07/2023 - 21:43

Hàng bao năm nay, chuyện giữ đất, giữ rừng ở Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên, có thể coi là một khúc tráng ca của núi. Dẫu rừng thiêng nước độc, dẫu sơn lam chướng khí, song đồng bào và các lực lượng vũ trang, nhất là Bộ đội Biên phòng đang làm nhiệm vụ ở vùng đất ngã ba biên giới này đã dần tạo nên “thế trận lòng dân”, “bức tường thành vững chắc” nơi phên giậu của Tổ quốc.

Cam khó miền rừng

Đường lên Sín Thầu xa thăm thẳm, toàn những dốc, những đèo nối tiếp nhau. Dường như mỗi thớ đất, màu cây ở vùng đất ngã ba biên này đều chứa đựng những huyền tích xa xưa, từ thủa ông Đùng bà Đà nở ra trăm trứng từ trái bầu khô, từ điệu dân ca dân vũ dẫn hồn con cháu đi tìm tiên tổ.

Cũng như bao miền rừng khác, bình minh ở Sín Thầu thường đến muộn và cũng sẽ sớm nhường chỗ cho hoàng hôn. Không gian lúc chiều xuống cô đọng, trầm buồn nhang nhác gương mặt những người đàn ông Hà Nhì lúc đi rừng.

Khói chiều lam tím tỏa vào khoảng xanh trên từng mái nhà nơi bản xa khiến khách thượng sơn thấy xiết bao ấm áp. Để làng bản êm đềm như từ thượng cổ như thế, thật khó có thể đong đếm được bao mồ hôi nước mắt và cả máu của đồng bào và chiến sỹ.

z4490985993318_a3503ba4cc0be85ab1d793c74c118089.jpg
Ông Lỳ Lá Na: “Người Hà Nhì cảm ơn Bộ đội Biên phòng nhiều lắm”.

Và để Sín Thầu có những chiều yên bình như chiều nay, không thể không nhắc đến công lao của những người lính trẻ mang quân hàm xanh ở Đồn Biên phòng A Pa Chải. Đây cũng là Đồn biên phòng được giao nhiệm vụ quản lý đường biên giới tiếp giáp với hai quốc gia láng giềng là Lào và Trung Quốc.

Đồn nằm lưng chừng núi, bốn mùa gió cả. Mùa mưa, nước chạy vòng quanh, không khí sũng nước những tưởng chỉ cần chạm nhẹ là sầm sập đổ mưa nguồn, còn mùa khô thì hanh hao, nắng nỏ. Bộ đội muốn tắm cũng phải dè sẻn vì cần để dành nước ăn cho những tháng mùa khô. Thế nên ở đồn mới có cái cảnh oái oăm: Mùa mưa anh em tăng gia, rau xanh chất đầy kho, đến mức hư hỏng phải bỏ đi thì mùa khô đành tạm hài lòng với bát canh bí đao lõng bõng.

Do đặc thù địa bàn vùng giáp biên giới, trình độ nhận thức của đồng bào còn nhiều hạn chế, nhất là những hiểu biết về pháp luật, quốc phòng, an ninh; về các Quy chế, Hiệp ước bảo vệ biên giới của Nhà nước… nên quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Đồn A Pa Chải gặp không ít khó khăn. Đó là chưa tính đến những nguy cơ tiềm ẩn, những vấn đề phức tạp về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cùng những âm mưu và hành động chống phá của các thế lực phản động, thù địch nhằm lợi dụng các vấn đề nhạy cảm như tôn giáo, dân tộc...

Vượt lên trên những khó khăn ấy, trong suốt những năm vừa qua, lãnh đạo, chỉ huy Đồn biên phòng A Pa Chải đã luôn bám sát sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp quản lý, nắm tình hình địa bàn biên giới cả nội biên và ngoại biên; phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát trên cơ sở bám sát địa bàn, bám sát nhân dân gắn với phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể.

Thắm đượm tình quân dân

Cách đây chưa lâu, mỗi khi nhắc đến Sín Thầu, người ta nhớ ngay đến sự gian nan, khổ ải mà nhân dân các dân tộc cũng như những người lính biên phòng ở đây phải chịu đựng. Đồng bào sống phiêu dạt nơi đầu rừng xó núi, cây ngô xơ xác, con lợn, con gà còm cõi, bệnh dịch hoành hành. Bà con vốn đã quen nay đây mai đó, đốt rừng phát rẫy làm nương, bộ đội vận động năm lần bảy lượt mới chịu cắm bản. Vậy mà chỉ cần một mùa đói là bà con rủ nhau di cư. Bộ đội lại tất tả đi tìm. Lưỡi đá thử thách chân người, cây rừng đan ngăn lối...

z4490987605963_8957eb2c1dbed35e63972ed2e52a6c84.jpg
Bộ đội biên phòng A Pa Chải giúp dân thu hoạch lúa.

Vận động được đồng bào dựng làng, lập bản, không di cư tự do, cán bộ, chiến sĩ của Đồn lại tiếp tục thực hiện phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc) để bám dân, bám bản, chung tay xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đồng thời tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn đồng bào trồng giống ngô lai cho năng suất cao, chuyển đổi nuôi cá truyền thống sang nuôi các loại cá trê, phi, chim trắng. Bà con đã trồng giống cỏ voi để làm thức ăn chăn nuôi cho trâu bò, trồng khoai tây vụ đông trên diện tích cấy lúa một vụ, trồng chuối tiêu hồng, trồng cây keo và sa mu...

Tính đến giờ, Đồn đã vận động bà con xã Sín Thầu khai hoang, phục hóa được hơn hàng chục ha lúa nước, trực tiếp hướng dẫn đồng bào phát triển cây lúa nước; tặng và hướng dẫn đồng bào cách phòng, tránh rét; giúp dân nạo vét kênh mương phục vụ tưới tiêu, xây dựng Nhà đại đoàn kết; cùng nhân dân trong xã xây dựng mới và tu sửa một số điểm trường mầm non…

Với những việc làm thiết thực, hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng A Pa Chải đã không ngừng củng cố và tăng cường tinh thần gắn bó, đoàn kết quân - dân, góp phần tạo dựng “thế vững lòng dân” trên địa bàn “phên giậu” quan trọng của Tổ quốc. Và cũng xuất phát từ đó, đồng bào ngày càng hết lòng tin yêu bộ đội, tự giác đoàn kết chung tay bảo vệ đường biên cột mốc.

Minh chứng rõ nét nhất cho lòng tin của đồng bào với bộ đội là đến nay, Sín Thầu đã có hàng trăm hộ dân đăng ký tham gia phong trào tự quản an ninh trật tự, tích cực đấu tranh với các loại tội phạm. Nhờ vậy, thời gian qua đồng bào đã cung cấp cho Đồn biên phòng A Pa Chải rất nhiều tin báo có giá trị liên quan đến tình hình an ninh trật tự trên khu vực đường biên.

 Tuy là xã đặc biệt khó khăn, song Sín Thầu có nhiều thứ để tự hào. Đó là phong trào tự quản an ninh trật tự, tích cực đấu tranh với các loại tội phạm của đồng bào; những hiện tượng xâm canh, xâm cư, đốt phá rừng, di cư tự do đã được ngăn chặn. Đặc biệt, Sín Thầu đã “tạm biệt nỗi buồn” là xã “bốn không” (không điện, đường, trường, trạm) trước kia, vì nay đã có thêm “bốn không” mới rất đáng tự hào, như không có người nghiện, không phá rừng, không di cư và không có truyền đạo trái phép.

z4490986677335_e0805423be0b3f8e00ea3b6d6a1c5718.jpg
Một góc Sín Thầu.

Lũy thép nơi biên cương

Năm này qua năm khác, những người chiến sĩ biên phòng đã hoà mình vào cuộc sống của từng bản làng để giúp đồng bào từng bước thay đổi các tập tục canh tác cũ, rồi định canh định cư phát triển kinh tế. Đồn dần trở thành chỗ dựa vững chắc cho bà con mỗi khi gặp khó khăn trắc trở trong cuộc sống.

Giờ những ngày tháng khó khăn đó đã lùi xa, khi đã có cái ăn cái mặc, đồng bào đã biết quý đất, quý rừng và gắn bó với mảnh đất biên cương Tổ quốc. Họ không còn đốt rừng, khai phá tài nguyên bừa bãi hoặc tiếp tay cho bọn buôn lậu vận chuyển hàng hoá, ma tuý qua biên giới. Nhiều hộ đồng bào dân tộc đã xây sửa được nhà và cho con em đi học.

Ông Lỳ Lá Na, ở bản Tá Miếu kể rằng, trước kia, một năm có 12 tháng thì đồng bào phải chịu thiếu đói đến ba bốn tháng. Nương ngô cách xa bản mới cả ngày đường nên trong nhà hầu như chỉ có trẻ con và người già. Người lớn đi tối mịt mới về, có khi ở lại trông nương đến vài ngày. Phần lớn người dân nơi đây mù chữ vì bản ở qúa xa, lại hiểm trở nên không thể xây dựng được điểm trường.

Mấy năm gần đây, nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước cùng với sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng nên đời sống của người dân cũng dần thay đổi. Từ thực tế của địa phương, được sự nhất trí của cấp trên, đồn biên phòng đã cử cán bộ tăng cường xuống trực tiếp giúp xã phát triển kinh tế. Các hoạt động giúp dân chuyển dịch cây trồng, trồng ngô lai trên đất dốc, trồng cỏ voi chăn bò, phát triển cây hồi, đàn bò, đàn dê… đã trở thành mô hình kiểu mẫu trong việc giúp dân giảm đói nghèo. Nói cách khác, các anh đã vực dậy một vùng đất vốn lâu ngày u trì trong nghèo đói.

“Bộ đội Biên phòng A Pa Chải không chỉ bảo vệ đường biên giới, bảo vệ cuộc sống bình yên mà còn hướng dẫn người Hà Nhì biết trồng cây lúa, biết nuôi con bò. Đặc biệt có nhiều chiến sỹ trẻ ngày đêm lăn lộn, bám địa bàn, giúp dân đủ thứ việc từ sửa sang nhà cửa đến dạy chữ cho trẻ nhỏ. Người Hà Nhì biết ơn bộ đội nhiều lắm”, ông Lỳ Lá Na tâm sự.

Quả thật, chỉ có ngược ngàn Mường Nhé, mới thực sự cảm nhận được những gian truân của người lính biên phòng phải trải qua để giữ gìn từng tấc đất cho Tổ quốc, mới thấy rưng rưng thương bước tuần tra qua nắng lửa, mưa dầy. Ở Sín Thầu, nhìn đâu cũng chỉ thấy đá núi và mây trời giăng lối, nhưng bằng sự cố gắng nỗ lực của chính quyền và đồng bào, vùng đất này đang thay đổi diện mạo mỗi ngày, thắp lên một điểm sáng ở vùng biên cương còn nhiều gian khó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bức tường thành” nơi phên giậu Tổ quốc