Đã 50 năm gắn bó với nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, nhưng nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh vẫn miệt mài với nghề và luôn trăn trở, suy tư về việc lưu giữ những giá trị truyền thống mà các thế hệ trước để lại.
Từng đó năm gắn bó với nghề bà cũng là người hiểu rõ hơn ai hết về ý nhĩa sự tích của bức tranh “Đám cưới chuột”.
Nữ nghệ nhân đầu tiên ở làng
Chúng tôi tìm về làng tranh Đông Hồ (thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) vào những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, với mong muốn tìm hiểu, khám phá những nét đẹp văn hoá truyền thống được lưu giữ bao đời nay.
Có mặt ở đây, điều đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được đó chính là không khí tất bật của những ngày cuối năm tại làng tranh Đông Hồ với những chuyến hàng đi xa, ô tô nườm nượp ra vào. Nhưng, hàng hoá bây giờ không còn là tranh mà chủ yếu là các đồ hàng mã phục vụ cho việc tâm linh.
Được sự giới thiệu của cán bộ văn hoá xã Song Hồ, chúng tôi men theo cung đường đê tìm đến nhà của vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa, Nguyễn Thị Oanh. Trước mắt chúng tôi là một không gian đậm chất truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh vẫn đang mải miết in màu các bức tranh Đông Hồ.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh miệt mài vẽ bức tranh dân gian Đông Hồ.
Bất cứ ai muốn tìm hiểu về tranh Đông Hồ là vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh bày tỏ sự thích thú. Bởi tranh dân gian Đông Hồ không chỉ giúp gia đình nghệ nhân phát triển về mặt kinh tế mà ở đó là cả một kho tàng lịch sử, văn hoá cần phải bảo tồn, lưu truyền đến mai sau.
Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa tỏ rõ sự tự hào vì gia đình ông là gia đình có truyền thống 7 đời làm tranh dân gian Đông Hồ, cụ thân sinh ra ông Hoa là nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Sam.
Ông Hoa chia sẻ: “Tranh dân gian Đông Hồ là dòng tranh khá độc đáo của Việt Nam như một loại hình nghệ thuật văn hoá tiêu biểu. Không ai có thể khẳng định và biết được dòng tranh này ra đời từ khi nào, nhưng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đều khẳng định dòng tranh này có khoảng 400 - 500 năm, bởi vì trong bài thơ nói về bức tranh Tố nữ Hồ Xuân Hương có đoạn:
"Chị cũng xinh, em cũng xinh
Xinh sao xinh thế hỡi cô mình
Đôi lứa như in tờ giấy trắng
Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh”
Không dễ gì mà tranh Đông Hồ được vào thơ Hồ Xuân Hương, chắc cũng phải rất tiêu biểu rồi nên mới có mặt trong những câu thơ ấy”.
Ông Hoa luôn tự hào vì gia đình mình có truyền thống lưu giữ nét văn hoá xưa, đồng thời luôn cảm thấy may mắn vì có người bạn đời – là nữ nghệ nhân đầu tiên ở làng tranh Đông Hồ, được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam năm 2014.
Tranh Đông Hồ qua bàn tay của nghệ nhân.
Bà Nguyễn Thị Oanh (SN 1960), nghệ nhân đã có gần 50 năm gắn bó với nghề tranh dân gian Đông Hồ, trải lòng: “Từ nhỏ, tôi đã được tiếp xúc với tranh Đông Hồ, theo học các nét vẽ của mẹ và trở thành lao động phụ ở tổ sản xuất tranh của làng. Ngày ấy, cứ sáng đi học chiều về vẽ tranh nên hầu hết tôi đều thuộc các công đoạn làm tranh. Lớn lên tôi trở thành lao động chính của tổ tranh, rồi trở thành con dâu của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam.
Làng tôi ngày xưa có 17 dòng họ làm tranh, nhưng sau đó bỏ hết chỉ còn hai dòng họ. Mỗi dòng họ có một gia đình làm tranh đó là dòng họ Nguyễn Hữu và dòng họ Nguyễn Đăng. Tôi cảm thấy mình may mắn vì được mang hai dòng họ là con gái họ Nguyễn Đăng lấy chồng họ Nguyễn Hữu”.
Từ nhỏ đã ngấm mùi tranh dân gian Đông Hồ nên lớn lên bà Oanh cũng theo nghiệp của cả gia đình, bà mê mẩn, tỉ mỉ với từng đường nét vẽ. Bà Oanh bảo, công việc chính của bà là vẽ phác thảo những mẫu tranh dân gian, nhưng để hoàn thành một bức tranh Đông Hồ thì công đoạn nào bà cũng có thể làm được.
“Tôi có rất nhiều cái may mắn và rất nhiều cái đáng trân trọng, trong đó năm 2014 được phong tặng danh hiệu nghệ nhân làng nghề Việt Nam cũng là nữ nghệ nhân đầu tiên ở làng, đó là niềm vui, niềm vinh hạnh khi những cố gắng, đóng góp của mình cho dòng tranh dân gian Đông Hồ được ghi nhận”, bà Oanh bộc bạch.
Ý nghĩa bức tranh “Đám cưới chuột”
Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh giới thiệu cho chúng tôi về ý nghĩa của bức tranh “Đám cưới chuột” rất được ưa chuộng nhiều năm trở về trước, và hiện nay bức tranh này vẫn luôn được nhiều người mê tranh, thưởng tranh tìm kiếm.
Bà Oanh kể: “Đối với bức tranh Đám cưới chuột là một trong những bức tranh điển hình của tranh dân gian Việt Nam, cùng với các bức tranh mang chủ đề khác như Vinh hoa phú quý; Thầy dạy học; Hứng dừa, đánh ghen; Vinh quy bái tổ… thì Đám cưới chuột lại hết sức điển hình và nhiều người mến mộ”.
Về ý nghĩa của bức tranh Đám cưới chuột, bà Oanh cho hay, hiện nay có rất nhiều người bình về bức tranh này, nhưng theo bà, các cụ ngày xưa vẽ cơ bản là phản ánh hiện thực xã hội, đời sống sinh hoạt hàng ngày diễn ra ra sao thì phản ánh thông qua bức tranh. Câu chuyện Đám cưới chuột là một câu chuyện không có thật, mà chỉ thông qua chuyện con chuột để nói về con người. Rằng chuột và mèo là loài đục khoét, thông qua chuyện mèo chuột cũng muốn nói đến chuyện tham nhũng, hách dịch, đục khoét của cường hào đối với dân thường.
Bức tranh đám cưới chuột chứa đựng nhiều ý nghĩa.
Một ý nghĩa nữa là muốn nói đến thực tại của đời sống xã hội, muốn tồn tại phát triển thì phải hài hòa các mối quan hệ, điều tiết các mối quan hệ.
Vừa nói, bà Oanh vừa chỉ tay vào bức tranh Đám cưới chuột khổ lớn mà bà đang vẽ dở, bà bảo đây là bức tranh bà mất 3 đến 5 ngày để vẽ và hoàn thiện, bởi khổ tranh lớn không có khuôn nên bà phải nhìn mẫu khổ nhỏ sau đó chép, vẽ sang khổ lớn phục vụ khách có nhu cầu.
“Hàng chuột bên trên là cảnh chuột đi tế lễ mèo có hai chữ đầu là “tống lễ mèo”, con chuột mang chim và mang cá, các cụ ẩn chứa trong đó là mang của ngon vật lạ trên rừng, dưới biển. Đi sau là các con chuột “tống nhạc”, có nghĩa ngoài mang của ngon vật lạ thì còn cần phải tống cả nhạc để mèo bùi tai, có như vậy đám cưới mới diễn ra suôn sẻ. Biết đi tống lễ mèo không hề dễ dàng, nên trong bức tranh đám cưới chuột để ý sẽ thấy, con chuột mang lễ vật đi đầu tiên đứng trước mặt mèo không có đuôi, ngụ ý biết sứt đầu mẻ trán nhưng vẫn đi, vì giống nòi, vì sự ổn định và phát triển của loài chuột”, bà Oanh chia sẻ về ý nghĩa của bức tranh Đông Hồ Đám cưới chuột.
Nhớ lại về không khí làm tranh, mua bán tranh Đông Hồ thời xưa, bà Oanh cho biết, ngày đấy người người, nhà nhà làm tranh vô cùng tấp nập. Người chơi tranh cũng thường lựa chọn vào dịp Tết để mua.
“Các cụ có câu "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ", ý là Tết đến sắm sửa đôi ba câu đối cho tươi mới, nhà nông thường là nhà tranh vách đất, nhà nào xây thì chỉ là nhà xây chạy lợp (tức là nhà chỉ xây tường 10 trát qua loa). Chính vì thế, mỗi độ xuân về người ta thường muốn ngôi nhà của mình mới, khang trang hơn nên đó là lý do vì sao tranh dân gian Đông Hồ được ưa chuộng vì mỗi bức tranh lại bao hàm nhiều ý nghĩa”, bà Oanh chia sẻ.
Theo lời chia sẻ của bà Oanh, điểm đặc biệt của dòng tranh Đông Hồ là tất cả các nguyên liệu đều hoàn toàn bằng thiên nhiên, bằng cỏ cây hoa lá của thiên nhiên Việt Nam, như màu vàng là từ hoa hòe, màu trắng là từ mai con điệp ở biển, cho nên nhà thơ Hoàng Cầm mới nói "hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" bởi mai con điệp có độ phản quang rất tốt. Đây được gọi là sản phẩm của xã hội nông nghiệp và các chất liệu vừa là dân gian truyền thống nhưng lại có mùi thơm thảo, mật mã độc đáo hơn, trở thành một loại tranh hết sức tiêu biểu trong tranh dân gian Việt Nam.
Không chỉ vừa điều hành chỉ đạo cơ sở sản xuất tranh dân giân và tổ chức duy trì các hoạt động sưu tầm, sản xuất tranh dân gian, vừa sáng tác một số tranh theo đề tài mới như: Tranh chùa Dâu, tranh chùa Bút Tháp, tranh phật A di đà..., bà Oanh còn tích cực tham gia một số hoạt động triển lãm tranh mang tầm quốc gia và quốc tế. Đồng thời đạt được nhiều giải thưởng, bằng khen và giấy khen…Với bà đó là phần thưởng cao quý cho những nỗ lực không ngừng nghỉ.