Nữ nghệ nhân đầu tiên của làng tranh Đông Hồ

Hà Linh| 10/01/2015 07:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chắc hẳn khi nhắc đến "Đám cưới chuột", "Lợn âm dương"...không ai là không biết đến địa danh nổi tiếng với nghề vẽ tranh dân gian ở Đông Hồ (Thuận Thành – Bắc Ninh).

Nữ nghệ nhân của làng tranh Đông Hồ

Nghề làm tranh ở Đông Hồ tuy không còn phát triển thịnh vượng như xưa vì hầu hết hộ dân trong làng đã chuyển sang làm hàng mã nhưng những năm gần đây làng tranh Đông Hồ đang trở mình sống dậy.

Có được điều này là nhờ những con người ngày đêm mải mê gìn giữ và lưu truyền nét vẽ ngày xưa, trong số đó phải kể đến bà Nguyễn Thị Oanh, người vừa mới được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam”, đồng thời cũng là nữ nghệ nhân đầu tiên ở làng Đông Hồ và là con dâu trưởng của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam.

Nữ nghệ nhân đầu tiên của làng tranh Đông Hồ

Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh đang giới thiệu những bản khắc gỗ cổ

Bà Oanh (sinh năm1960), mới ngoài 50 tuổi, nhưng đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề tranh dân gian Đông Hồ, vì trước khi lấy chồng bà cũng là người con gái làng tranh, gắn bó với nghề từ thuở ấu thơ, bà Oanh luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi được trải qua những năm tháng sôi động của làng nghề.

Khi còn thời thiếu niên, do sức khỏe yếu, bà không đi học xa nhà được nên xin vào làm việc tại tổ tranh, và rồi đến tuổi trưởng thành bà bén duyên với người con trai cùng làng rồi nên duyên vợ chồng, từ đó bà trở thành con dâu của Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam- người phụ trách tổ tranh.

Hơn 30 năm về làm dâu nhà cụ Nguyễn Hữu Sam, một gia đình có truyền thống làm tranh nổi tiếng ở làng, bà Oanh đã học hỏi thêm nhiều kỹ thuật về tranh.

Bà Oanh cùng gia đình đã lưu giữ hàng nghìn bản khắc gỗ cổ với hàng trăm thể loại khác nhau như Hứng Dừa, Đám Cưới Chuột, Lợn, Gà… Không những thế, qua từng nét bút, tờ tranh rồi nhờ sự dẫn dắt truyền dạy của bố chồng, bà Oanh đã tự sáng tác được 40 tác phẩm tranh phản ánh cuộc sống nông thôn của làng Đông Hồ như: “Chợ tranh ngày tết”, “Chợ quê” “Hát thuyền”… góp phần làm phong phú thêm dòng tranh dân gian

Chia sẻ về những tác phẩm này, bà Oanh cho biết tất cả những sáng tác của bà đều lấy bối cảnh, ở làng tranh xưa kia thông qua ký ức trong bà và lời kể của các bậc cao niên ở làng.

Ngược dòng thời gian bà Oanh trầm ngâm kể: “Xưa kia chợ tranh ở đình làng Đông Hồ những ngày tháng ngày giáp Tết đông vui rực rỡ, chợ chỉ bán duy nhất một loại hàng là tranh Đông Hồ, người mua đến từ khắp các tỉnh có thể đi bằng đường bộ hoặc theo đường sông Đuống về.

Thời đó tranh Đông Hồ xuất sang thị trường Đông Âu là chính. Đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, thị trường Đông Âu đóng băng, nghề tranh điêu đứng, tổ sản xuất tranh không trụ nổi phải giải tán và làm nghề khác.

Khi làng nghề sa sút, người dân bỏ bản khắc gỗ để chuyển sang làm hàng mã thì gia đình tôi xin về những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ cổ có niên đại hơn 100 năm".

 Được biết trong làng giờ đây chỉ còn các nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Thị Oanh (nữ nghệ nhân duy nhất vừa được nhận danh hiệu nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ cuối năm 2014).… và có 20 người thực hành nghề và 4 nghệ nhân truyền dạy.

“Chọn gái làng tranh làm con dâu”

Năm 1992, bố chồng bà Oanh là cụ Nguyễn Hữu Sam chuyển xưởng tranh về nhà. Bà Oanh cùng chồng và các con cũng tham gia vào giữ gìn nghề làm tranh.

Nhiều năm trở lại đây, khi người làng Đông Hồ tấp nập và giàu nên với nghề hàng mã, thì ba thế hệ gia đình của nghệ nhân Oanh vẫn miệt mài với nghề của cha ông.

Nói về tranh Đông Hồ, bà Oanh say sưa nhưng thấm buồn, mặc dù tranh Đông Hồ đã được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, nhưng nó lại nằm ở vị trí “cần được bảo vệ khẩn cấp” có lẽ cũng bởi tranh Đông Hồ chỉ được bán èo uột trong các cửa hàng lưu niệm.

Nữ nghệ nhân đầu tiên của làng tranh Đông Hồ

Những cuốn sổ lưu bút để khách thăm quan ghi lại sự tấm lòng yêu mến tranh Đông Hồ 

Người nghệ nhân cả đời đeo đẳng với nghệ thuật dân tộc xót xa khi người mua tranh chủ yếu của làng Đông Hồ hiện nay vẫn chỉ là khách nước ngoài và một số người thích sự hoài cổ của nghệ thuật dân gian

Bà Oanh nói: “Mặc dù làm tranh thời buổi này không thu lợi nhuận như làm vàng mã nhưng tôi vẫn quyết tâm theo nghiệp tranh và cũng hướng cho các con phải giữ nghề vì cảm thấy vinh dự lắm mỗi khi tranh Đông Hồ được tôn vinh”.

Nữ nghệ nhân đầu tiên của làng tranh Đông Hồ

Bà Oanh trong phòng sáng tác tranh của gia đình

Ngắt lời, bà Oanh chỉ cho tôi cô con dâu đang tỉ mỉ in những bức tranh từ bản khắc gỗ “Con dâu tôi đấy, cũng là con gái làng tranh như tôi nên cháu làm được nhiều việc lắm. Tôi chọn con dâu cứ phải chọn gái làng tranh mới mong giữ được nghề”.

Bà Oanh cũng bộc bạch: “Trước kia, khi làm nghề nhiều năm nhưng bà thường “nấp bóng”, giới thiệu những tác phẩm của mình cho bố chồng là cụ Nguyễn Hữu Sam hết. Nhưng do thấy bản thân tuổi già sức yếu cụ động viên bà đứng ra giữ nghề truyền thống”.

Không ngừng sáng tạo nghệ thuật dân gian

Bên cạnh những đề tài truyền thống như Gà lợn, Cá chép trông trăng, Đám cưới chuột, Đánh ghen, Hứng dừa… thì nhiều đề tài hiện đại cũng được nghệ nhân Oanh không ngừng sáng tạo.

Tiêu biểu đó là tranh chùa Bút Tháp, chùa Dâu được bà Oanh tham gia triển lãm làng nghề tại Festival Bắc Ninh lần thứ 2 năm 2014. Hai tác phẩm này được hội Văn học Nghệ thuật Bắc Ninh trao tặng Huy chương Vàng cho sản phẩm làng nghề truyền thống tiêu biểu.

Nữ nghệ nhân đầu tiên của làng tranh Đông Hồ

Bức tranh chùa Dâu được thể hiện bằng nét bút tinh tế của nghệ nhân Oanh

Đến nay bà Oanh đã hoàn thiện hai bức tranh này vào đúng dịp Bắc Ninh đón Bằng công nhận di tích Quốc gia đặc biệt chùa Dâu và chùa Bút Tháp với  ý nghĩa “Di sản lồng trong di sản”, là sự khẳng định miền đất Bắc Ninh đậm đặc các loại hình di sản văn hóa.

Chia sẻ về sức cuốn hút cũng như sự khác biệt của dòng tranh dân gian Đông Hồ, bà Oanh cho biết: “Tranh Đông Hồ được lấy nguyên liệu từ hoa lá cỏ cây, thiên nhiên trên rừng dưới biển, ví như để tạo màu đen thì lấy từ than xoan hay than lá tre; màu vàng lấy từ hoa hòe; màu xanh từ lá chàm, gỉ đồng...”

Về cơ bản những nguyên liệu để làm ra tranh vẫn giữ nguyên như xưa, tất cả phản ánh cuộc sống và tâm hồn gần gũi với thiên nhiên của con người Việt Nam.

Mỗi nghệ nhân đều có kinh nghiệm và sự sáng tạo của mình trong cách pha màu, thậm trí còn là bí quyết gia truyền của mỗi nghệ nhân. Có lẽ chính nhờ sự cầu kỳ, cẩn thận trong cách chế màu mà tranh Đông Hồ của gia đình bà Oanh luôn tươi sáng, rực rỡ và không bị bay màu.

Nữ nghệ nhân đầu tiên của làng tranh Đông Hồ

Nữ nghệ nhân đầu tiên của làng tranh Đông Hồ

Để tạo sự mới mẻ, bắt kịp cuộc sống hiện đại, những tác phẩm được lồng khung, dán mành càng trở nên bắt mắt

Để theo kịp dòng chảy thời đại, cũng không ngừng nâng cấp hình thức của tranh, bà cho rằng tranh của mình quý nhưng cũng phải làm cho mẫu mã đẹp lên thì mới có nhiều khách hàng.

Bằng chứng là tranh dân gian Đông Hồ của gia đình bà Oanh được lồng trong khung kính, dán lên mặt tre, mặt trúc tiện cho việc trang trí trong mỗi gia đình.

Cũng chính nhờ sự tâm huyết và sáng tạo không ngừng của các nghệ nhân với dòng tranh “Nhuốm màu dân tộc” mà đã có một thời gian bị lãng quên và mai một ít nhiều, thì vài năm trở lại đây, làng nghề đã khởi sắc trở lại.

Người dân đã bắt đầu nhận ra vẻ đẹp trong sự mộc mạc giản dị của tranh Ðông Hồ là không thể thiếu được trong cuộc sống thường nhật, nhất là ngày Tết. Làng tranh cũng đã trở thành một điểm tham quan du lịch văn hóa có sức hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước.

Rời vùng quê "Bên kia sông Đuống”, nơi vẽ lên hồn dân tộc trong nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ trong đầu tôi vảng vất câu thơ của nhà thơ Hoàng Cầm “Tranh Đông Hồ gà, lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp".

Hi vọng trong tương lai gần, cùng với các làng nghề truyền thống khác trên cả nước, làng tranh Đông Hồ sẽ tìm lại được vị trí vốn có của mình và ngày càng phát triển, làm giàu thêm cho nền văn hoá đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nữ nghệ nhân đầu tiên của làng tranh Đông Hồ