Bộ trưởng Y tế lên tiếng trước ý kiến “xét nghiệm diện rộng gây lãng phí ở Hà Nội”

Thảo Nguyên| 11/09/2021 13:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, Hà Nội phải giãn cách kéo dài do vẫn xuất hiện các ca cộng đồng rải rác, vì thế bắt buộc phải xét nghiệm diện rộng để tầm soát hết F0 ngoài cộng đồng.

Liên quan đến việc Hà Nội tổ chức xét nghiệm tầm soát trên diện rộng thần tốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, thời gian qua, Hà Nội liên tục phát hiện ra các ca lây nhiễm ngoài cộng đồng, không rõ nguồn lây, nghĩa là mầm bệnh đã lây lan, len lỏi trong cộng đồng mà chúng ta không biết được. Vì thế, Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội rất dài từ đầu tháng 8 đến nay.

bo-truong-long.jpeg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, để giảm thời gian giãn cách xuống phải phát hiện bằng được, tầm soát bằng được các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng để cách ly, khoanh vùng, dập dịch một cách triệt để, từ đó nới lỏng dần dần việc giãn cách để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Do đó vấn đề xét nghiệm rất quan trọng.

Hiện Hà Nội đang thực hiện 2 "mũi giáp công" trong phòng chống dịch là đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và xét nghiệm tầm soát diện rộng thần tốc. 

Người đứng đầu ngành y tế chỉ rõ: "Bài học kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là Trung Quốc xét nghiệm rất nhanh, nhiều vòng và bài học kinh nghiệm chống dịch của nước ta tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Cần Thơ, Khánh Hòa hay quận 7, huyện Củ Chi của TP.HCM đã cho thấy thực tiễn về mặt khoa học trong thực hiện xét nghiệm, đảm bảo phải tách toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng, không để lây lan trong cộng đồng".

Đánh giá về mũi "giáp công" này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng Hà Nội đang triển khai rất tích cực.

xn.jpeg
Để giảm thời gian giãn cách thì phải xét nghiệm, phát hiện ca bệnh, dập dịch triệt để

Trước một số ý kiến cho rằng, Hà Nội thực hiện xét nghiệm toàn dân sẽ gây lãng phí, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, chúng ta cần phải khẳng định, muốn phát hiện tất cả nguồn lây nhiễm trong cộng đồng để ngăn chặn dịch lây lan thì bắt buộc phải thông qua xét nghiệm.

"Nếu chúng ta không làm điều đó, có nghĩa là chúng ta chấp nhận trong cộng đồng có người lây nhiễm", Bộ trưởng khẳng định.

Phương pháp xét nghiệm mà Bộ Y tế đang hướng dẫn các địa phương là gộp mẫu (có thể gộp từ 5-10 mẫu). Thực hiện xét nghiệm nhiều lần tại các "vùng đỏ" nhưng đối với "vùng xanh", phải làm xét nghiệm để biết không có mầm bệnh, từ đó đưa cuộc sống trở lại bình thường. 

Đây cũng chính là lý do mà Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 coi công tác xét nghiệm là vấn đề then chốt để phòng, chống dịch.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, với sự chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ đã điều động 10 tỉnh, thành phố tăng cường nhân lực y tế về hỗ trợ cho Hà Nội và có những địa phương lên tới 500-600 người, thậm chí như Bắc Giang còn tăng cường 800 nhân lực y tế hỗ trợ Hà Nội triển khai hoạt động xét nghiệm, tiêm chủng.

Bộ Y tế cũng đã điều động nhân lực của các bệnh viện trung ương, các trường đại học ở trung ương trên địa bàn để hỗ trợ cho Hà Nội. Mặt khác, Bộ Y tế cũng giao những phòng xét nghiệm của bộ trên địa bàn Hà Nội huy động tối đa để phục vụ cho công tác xét nghiệm của Thủ đô.

Đồng thời, Bộ Y tế đã đề nghị TP Hà Nội tập huấn cho người dân để người dân có thể tự lấy mẫu xét nghiệm dưới sự giám sát của nhân viên y tế và lực lượng tình nguyện.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành công điện về việc tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nội dung công điện nêu rõ mục tiêu trước ngày 15/9 nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 để TP vào nhóm kiểm soát tốt dịch bệnh theo tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế.

Để thực hiện mục tiêu này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu huy động các lực lượng xét nghiệm thần tốc, quét nhiều vòng để giúp bóc tách rất nhanh các ca F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước thu hẹp các vùng đỏ, vùng vàng và mở rộng vùng xanh.

Từ ngày 6/9 đến 12/9, xét nghiệm toàn bộ 100% người dân trên toàn địa bàn theo nguyên tắc tại khu vực phong tỏa, khu cách ly, khu vực nguy cơ rất cao lấy mẫu cho toàn bộ người dân từ 2-3 ngày/lần. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Y tế lên tiếng trước ý kiến “xét nghiệm diện rộng gây lãng phí ở Hà Nội”