Hoàn thành cấp số định danh cá nhân; nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cư trú và làm rõ quan hệ nhân thân trong Luật và văn bản dưới Luật là những vấn đề lớn cần giải quyết khi bỏ Hộ khẩu.
Đó là những nội dung quan trọng Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nêu rõ, sau khi Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), trong phiên họp toàn thể tại hội trường Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sáng nay (23/5).
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cư trú.
Sử dụng mã số định danh cá nhân thay Sổ Hộ khẩu
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình cho biết, hiện nay, các quy định của Luật Cư trú về điều kiện, thủ tục đăng ký cư trú đã tương đối cụ thể, rõ ràng, tạo cơ sở pháp lý cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú, lựa chọn nơi cư trú. Tuy nhiên trình tự, thủ tục đăng ký cư trú còn mang tính thủ công, rườm rà, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.
Do đó, một trong những chính sách cơ bản của dự án Luật là thay đổi phương thức quản lý cư trú từ quản lý bằng sử dụng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Theo đó, Dự thảo Luật Cư trú sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) cũng bỏ các quy định về: Sổ Hộ khẩu, Sổ Hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, Sổ Hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách Sổ Hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Hộ khẩu tại Luật Cư trú hiện hành.
Thủ tục về đăng ký thường trú, tạm trú cũng được sửa đổi theo hướng: Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, cập nhật thông tin địa chỉ thường trú, tạm trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo bằng văn bản cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin về nơi thường trú, tạm trú của họ vào các cơ sở dữ liệu này mà không cấp Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú giấy.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) cho biết, Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân, bởi phương thức quản lý này sẽ giúp không chỉ đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính, bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân mà còn góp phần bảo đảm quản lý dân cư chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn, khắc phục nhiều bất cập trong công tác quản lý dân cư ở nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật lưu ý, hộ khẩu còn còn liên quan đến nhiều luật khác như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Căn cước công dân, Luật Hộ tịch, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam…. Do đó, đề nghị cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú
Liên quan đến điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương, theo Bộ trưởng Bộ Công an, Luật Cư trú hiện hành quy định các điều kiện riêng nhằm hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các thành phố lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này.
Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy, quy định này không thực sự phát huy hiệu quả, tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn đến các thành phố lớn vẫn rất cao.
Nhiều người dân mặc dù không có hộ khẩu tại đây nhưng vẫn sinh sống, làm việc, tuy nhiên họ và gia đình gặp nhiều khó khăn trong học tập, lao động, hưởng các dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó, việc quy định riêng các điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương đã ảnh hưởng đến quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Chính phủ đã thống nhất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương và dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trình Quốc hội được thể hiện theo định hướng này. Việc đăng ký thường trú tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc.
Dự thảo Luật bổ sung 4 trường hợp cần xóa đăng ký thường trú, trong đó có trường hợp “công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ hơn 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài”.
Các vấn đề cần giải quyết khi bỏ Sổ hộ khẩu
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của phương thức quản lý cư trú mới, không gây xáo trộn lớn đối với cuộc sống, sinh hoạt của người dân và hoạt động của các cơ quan nhà nước khi bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, tại Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ 4 vấn đề.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) tại Phiên họp toàn thể tại hội trường sáng 23/5
Một là, phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân. Tuy nhiên sau 4 năm mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân và dự kiến đến tháng 12/2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam. Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn, bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra.
Hai là, nền tảng công nghệ để vận hành phương thức quản lý cư trú mới là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú. Theo quy định của Luật Căn cước công dân, chậm nhất từ ngày 01/01/2020 phải thực hiện thống nhất công tác quản lý công dân thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, đến nay Cơ sở dữ liệu này vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, đã phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và chậm về tiến độ so với yêu cầu của Luật.
Vì vậy, để bảo đảm tiến độ hoàn thành việc xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhất là bảo đảm việc bố trí đủ vốn cho dự án xây dựng các cơ sở dữ liệu này.
Ba là, khi chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ Sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách, quy định về hộ gia đình cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân vì việc chứng minh hộ gia đình và quan hệ nhân thân hiện đang chủ yếu dựa vào Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Các thủ tục này đang được quy định trong một số văn bản luật và nhiều văn bản dưới luật.
Do đó, trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản này để phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới, đề nghị cần xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế các sổ này trong việc chứng minh quan hệ hộ gia đình, xác định quan hệ nhân thân, giải quyết thủ tục hành chính để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.
Bốn là, trong quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân, Sổ hộ khẩu trong nhiều trường hợp cũng là căn cứ quan trọng để tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch dân sự như mua bán điện, nước, đăng ký dịch vụ điện thoại... nhằm xác thực thông tin về nhân thân và nơi cư trú của bên sử dụng dịch vụ. Khi không còn Sổ hộ khẩu thì việc thực hiện các giao dịch này có thể sẽ khó khăn vì các bên không thể tự mình truy cập Cơ sở dữ liệu về cư trú để xác định thông tin cần thiết; nếu yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin thì phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà và tăng thêm chi phí, thời gian.
Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ và quy định ngay trong Luật trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về cư trú giữa các cơ quan nhà nước; việc khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu về cư trú của tổ chức, cá nhân theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi cần sử dụng thông tin về nhân thân, nơi thường trú, tạm trú… trong các cơ sở dữ liệu.