Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp nghiên cứu, đánh giá để kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp đối với vấn đề này.
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều ngày 8/4, trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng Việt Nam áp dụng hộ chiếu vaccine Covid-19 điện tử như Singapore, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:
Hiện nay Việt Nam chưa có quy định riêng về thủ tục nhập cảnh đối với những người đã được tiêm vaccine phòng dịch Covid-19. Trong bối cảnh một số nước như Singapore đã bắt đầu chấp nhận, áp dụng hộ chiếu vaccine, giấy thông hành điện tử có chứng nhận tiêm phòng vaccine... theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp nghiên cứu, đánh giá để kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp đối với vấn đề này.
Về phía Bộ Ngoại giao, chúng tôi đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng để tìm hiểu, tổng hợp kinh nghiệm thực tiễn của các nước nhằm nghiên cứu, đề xuất chính sách xuất nhập cảnh phù hợp hướng tới mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong nước.
Liên quan đến vai trò là Chủ tịch HĐBA trong tháng 4/2021, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, trên cương vị là Chủ tịch HĐBA trong tháng 4/2021, Việt Nam tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong việc thực hiện các công việc định kỳ của tháng theo quy định, thủ tục của HĐBA.
Bà Hằng cho biết thêm chương trình nghị sự của HĐBA trong tháng 4 sẽ gồm 12 vấn đề định kỳ về tất cả khu vực, từ châu Phi, Trung Đông đến châu Âu, châu Mỹ; và các vấn đề khác với 3 cuộc họp định kỳ và khoảng 30 cuộc họp chính thức khác.
Trong đó, tối nay sẽ diễn ra cuộc họp quan trọng về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn, duy trì hòa bình bền vững, tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Phiên họp nhằm đề cao mục đích nhân đạo của việc hạn chế sử dụng bom mìn, nâng cao nhận thức chung về hậu quả của bom mìn tại các khu vực xung đột, tái khẳng định cam kết của HĐBA LHQ và cộng đồng quốc tế đối với vấn đề ủng hộ các nỗ lực quốc gia và quốc tế nhằm khắc phục hậu quả bom mìn, hỗ trợ nạn nhân, phục vụ tái thiết, phát triển kinh tế-xã hội, đề cao hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn.
Bên cạnh đó, HĐBA có thể sẽ thảo luận đến vấn đề, tình hình khu vực phát sinh trong tháng theo đề nghị của các nước là thành viên của HĐBA LHQ.