Sửa đổi, bổ sung đối với người tiến hành tố tụng
Đối với Tòa án, bổ sung người tiến hành tố tụng là Thẩm tra viên. Đối với VKS, bổ sung người tiến hành tố tụng là Kiểm tra viên.
Chánh án Tòa án được bổ sung nhiệm vụ quyền hạn sau đây: “Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật nếu phát hiện có dấu hiệu trái với Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Bộ luật này. Xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Thẩm phán được bổ sung nhiệm vụ quyền hạn sau đây: “Xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, thụ lý vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này. Giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định của Bộ luật này. Đề nghị Chánh án Tòa án phân công Thẩm tra viên hỗ trợ thực hiện hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này. Phát hiện và đề nghị Chánh án Tòa án kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Bộ luật này. Xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự theo quy định của pháp luật. Tiến hành hoạt động tố tụng khác khi giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”.
Viện trưởng VKS được bổ sung nhiệm vụ quyền hạn sau đây: “Yêu cầu, kiến nghị theo quy định của Bộ luật này. Thực hiện nhiệm vụ quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Một phiên tòa dân sự sơ thẩm (Ảnh: PV)
Kiểm sát viên được bổ sung nhiệm vụ quyền hạn sau đây: Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu. Kiểm sát việc thụ lý giải quyết vụ việc dân sự. Nghiên cứu hồ sơ vụ việc, yêu cầu Tòa án xác minh thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này, thu thập tài liệu chứng cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 97 của Bộ luật này. Kiến nghị yêu cầu Tòa án thực hiện đúng các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này. Đề nghị Viện trưởng VKS có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật.
Sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của đương sự
Điều 70 BLTTDS năm 2015 quy định đương sự có 26 quyền và nghĩa vụ, trong đó có 3 quyền và nghĩa vụ mới bổ sung là:
Cung cấp đầy đủ, chính xác địa chỉ nơi cư trú, trụ sở của mình trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc, nếu có thay đổi địa chỉ, nơi cư trú, trụ sở thì phải thông báo kịp thời cho đương sự khác và Tòa án.
Có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ, trừ tài liệu, chứng cứ mà đương sự khác đã có, tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này (Tài liệu chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 BLDS năm 2015 là: nội dung tài liệu, chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình). Sử dụng quyền của đương sự một cách thiện chí, không lạm dụng để gây cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, đương sự khác, trường hợp không thực hiện nghĩa vụ thì phải chịu hậu quả do BLTTDS năm 2015 quy định.
Về tranh tụng tại phiên tòa
Về tên gọi sửa đổi là “Tranh tụng tại phiên tòa”. Trong BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 và trong các văn bản tố tụng dân sự có trước năm 2004 đều quy định là: Tranh luận tại phiên tòa. Mục 4 Chương XIV trong BLTTDS năm 2004 sửa đổi năm 2011 quy định về tranh luận tại phiên tòa có 7 điều luật. Tại Mục 3 Chương XIV BLTTDS năm 2015 quy định về Tranh tụng tại phiên tòa có 23 điều luật (tăng 16 điều luật), trong đó có 17 điều luật quy định về tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm và 6 điều luật về tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm. Căn cứ vào 23 điều luật quy định về tranh tụng tại phiên tòa trong BLTTDS năm 2015 có các nội dung chính là:
Về nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa là: Công khai, trực tiếp và tuân theo pháp luật. Về công khai là công khai tài liệu, chứng cứ của vụ án để mọi người tham gia tố tụng vụ án cùng biết. Trực tiếp là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án trực tiếp đối thoại với nhau, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. HĐXX hỏi trực tiếp đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự tại phiên tòa về tình tiết nội dung vụ án và tài liệu chứng cứ vụ án do đương sự cung cấp. Còn tuân theo pháp luật trong tranh tụng tại phiên tòa là việc người tiến hành tố tụng tại phiên tòa và những người tham gia tố tụng vụ án phải thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự về tranh tụng.
Cụ thể là trong Điều 247 BLTTDS năm 2015 quy định là: “Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh tụng, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh tụng trình bày hết ý kiến nhưng có quyền yêu cầu họ dừng trình bày những ý kiến không có liên quan đến vụ án dân sự”. Trong Điều 249 BLTTDS năm 2015 quy định là: “Việc đặt câu hỏi phải rõ ràng nghiêm túc, không trùng lắp, không lợi dụng việc hỏi và trả lời để xâm phạm danh dự, nhân phẩm của những người tham gia tố tụng. Theo các quy định này mà chủ tọa phiên tòa không tạo điều kiện để người tham gia tranh tụng trình bày hết ý kiến hoặc người tham gia tố tụng trả lời câu hỏi không rõ ràng hoặc xâm phạm danh dự người tham gia tố tụng khác đều là không tuân theo pháp luật trong tranh tụng.
Về phiên tòa sơ thẩm, nội dung bổ sung là phiên tòa được tổ chức tại trụ sở Tòa án hoặc có thể ngoài trụ sở Tòa án, nhưng phải bảo đảm tính trang nghiêm và hình thức phòng xử án quy định tại Điều 224 của BLTTDS năm 2015. Hình thức bố trí phòng xử án quy định tại Điều 224 như sau: “Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được treo chính giữa phía trên phòng xử án và phía trên chỗ ngồi của Hội đồng xét xử”.
(Còn nữa)