Công bố BLTTDS: Tòa án phải thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong bảo vệ công lý

Trọng Bằng| 19/12/2015 11:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cùng với 7 luật và 5 Nghị quyết được công bố trong buổi họp báo chiều ngày 18/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước tổng cộng 16 Luật và 7 Nghị quyết vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Các Luật được công bố gồm: Luật An toàn thông tin mạng; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Thống kê; Luật Khí tượng thủy văn; Bộ luật hàng hải Việt Nam; Luật Kế toán; Luật Phí và lệ phí; Luật Trưng cầu ý dân; Luật Quân dân chuyên nghiệp; Bộ luật dân sự (BLDS); Bộ luật hình sự (BLHS); Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS); Luật tố tụng hành chính (LTTHC); Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS).

Các Nghị quyết được công bố gồm: Nghị quyết về việc phân chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức thương mại thế giới; Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội; Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật hình sự; Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; Nghị quyết về việc thi hành BLTTDS; Nghị quyết về việc thi hành LTTHC; Nghị quyết về việc thi hành BLTTHS.

Tòa án là chỗ dựa của nhân dân trong bảo vệ công lý

Bộ luật tố tụng dân sự là một trong những Bộ luật quan trọng nhất được Quốc hội thông qua vào kỳ họp Quốc hội vừa qua có nhiều điểm mới mang tính chất bước ngoặt, góp phần cải cách mạnh mẽ tư pháp đã cổ vũ được tinh thần của cơ quan thực thi pháp luật nói chung, hoạt động tố tụng nói riêng, đồng thời thu hút sự quan tâm ủng hộ của đông đảo tầng lớp nhân dân.

Công bố BLTTDS: Tòa án phải thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong bảo vệ công lý

Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào trình bày BLTTDS sửa đổi và LTTHC sửa đổi tại buổi công bố luật do Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức chiều 18/12

Thay mặt TANDTC - Cơ quan chủ trì soạn thảo BLTTDS trình bày tại buổi công bố, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào cho biết: BLTTDS sửa đổi gồm 517 Điều, được bố cục thành 10 phần, 42 Chương. So với BLTTDS hiện hành, Bộ luật này giữ nguyên 63 Điều, sửa đổi, bổ sung 350 Điều; bổ sung mới 104 Điều; bãi bỏ 7 Điều.

Trong 10 phần của Bộ luật, nội dung Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp được đánh giá là có nhiều đổi mới đáng kể nhằm thể chế hóa tinh thần cải cách tư pháp về Tòa án phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức TAND về vai trò là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Nhiều quy định bổ sung đã thu được sự ủng hộ của đông đảo tầng lớp nhân dân như quy định "Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ án vì lý do không có điều luật để áp dụng tại Điều 4 BLTTDS...". Hay quy định "Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, nếu phát hiện có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh,Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì Chánh án Tòa án có thể có văn bản kiến nghị Chánh án TANDTC kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật…"

Đặc biệt, quy định thứ ba, trong phần thứ nhất của BLTTDS sửa đổi là "Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới để khắc phục việc xét xử vụ án không có điểm dừng như hiện nay, bảo đảm “công lý bị chậm trễ là công lý bất công”. Theo đó, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật khi có đủ các điều kiện như: Tài liệu chứng cứ như trong hồ sơ vụ án đã đẩy đủ, rõ ràng; có đủ căn cứ để làm rõ các tình tiết trong vụ án; việc sửa bản án, quyết định bị kháng nghị không làm ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác".

Bộ luật cũng đã được đổi mới thủ tục tố tụng dân sự theo định hướng cải cách tư pháp, hoàn thiện thủ tục giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực hiện cam kết quốc tế. Để bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em, phù hợp với đặc điểm tâm lý và sự phát triển bình thường của trẻ khi phải tham gia tố tụng dân sự, BLTTDS sửa đổi quy định nguyên tắc cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có trách nhiệm phải bảo vệ người chưa thành niên trong tố tụng dân sự, đối với các vụ việc dân sự mà có đương sự là người chưa thành niên thì Viện Kiểm sát phải tham gia các phiên tòa, phiên họp.

Bộ luật cũng quy định việc xét xử vụ án có tính chất đơn giản theo thủ tục rút gọn với trình tự và thời gian giải quyết vụ án ngắn hơn so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhằm đơn giản hóa thủ tục tố tụng để giải quyết nhanh chóng vụ án, tiết kiệm thời gian, chi phí giải quyết vụ án nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật.

Liên quan Bộ luật này, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào nhấn mạnh, đây là một trong những đạo luật quan trọng về hoạt động tố tụng theo tinh thần hiến pháp năm 2013, thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của TAND nhằm xây dựng nên tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử đươc tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao.

Bộ luật còn là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của tố tụng dân sự của TAND, bảo đảm Tòa án thực sự là chỗ dựa cho nhân dân trong bảo vệ công lý, quyền con người, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Liên quan đến BLTTDS, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào cũng đã trình bày Nghị quyết số 103/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật, đối với các tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân, gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động phát sinh trước ngày 1/1/2017 thì áp dụng thời hiệu tại Điều 159 và 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 đã được bổ sung, sửa đổi theo Luật sửa đổi, bổ sung năm 2011.

Giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn

Luật Tố tụng hành chính (LTTHC) sửa đổi nằm trong số 5 bộ luật được công bố vào chiều ngày 18/12. Tiếp tục là người trình bày Bộ luật này, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào cho biết: LTTHC sửa đổi quy định cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; thủ tục hỏi, trình bày chứng cứ, tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ để vừa bảo đảm thực hiện đúng, đủ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm tố tụng của Tòa án, người tham gia tố tụng theo đúng nguyên tắc tranh tụng, vừa bảo đảm phán quyết của Tòa án khách quan, chính xác, đúng pháp luật trên cơ sở xem xét đầy đủ chứng cứ và kết quả tranh tụng.

Để Tòa án thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính đúng pháp luật, LTTHC sửa đổi quy định Tòa án có quyền kiến nghị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật nếu phát hiện văn bản đó có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời Tòa án kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án (Điều 6).

Luật bổ sung quy định mới về giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm giải quyết nhanh, gọn, kịp thời những vụ án đơn giản, chứng cứ đã rõ ràng, tránh việc giải quyết vụ án bị kéo dài, gây tốn kém thời gian, công sức, chi phí của đương sự và của Tòa án trong việc giải quyết vụ án. Luật cũng quy định về thủ tục giải quyết vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài, thẩm quyền của từng cấp Tòa án, thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, thi hành án hành chính; án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác.

LTTHC sửa đổi gồm có 23 Chương, 372 Điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, trừ các quy định về có liên quan đến pháp nhân là người đại diện, người giám hộ; quy định liên quan đến hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân theo quy định của bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 thì có hiệu lực thi hành từ ngày ngày 1/1/2017.

Ghi âm hoặc ghi hình tránh oan sai, minh bạch hơn trong công tác hỏi cung

Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC Nguyễn Hải Phong cho biết, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có kết cấu gồm 9 phần, 36 Chương, 510 Điều. Nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, Bộ luật đã sửa đổi, bổ sung các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự nhằm bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, gồm công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác; suy đoán vô tội; không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm, tranh tụng trong xét xử được bảo đảm; bảo đảm sự kiểm tra, giám sát trong hệ thống từng cơ quan tố tụng và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Công bố BLTTDS: Tòa án phải thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong bảo vệ công lý

Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC Nguyễn Hải Phong trình bày BLTTHS sửa đổi

Bộ luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan tố tụng, tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện tốt trách nhiệm luật định; trình tự, thủ tục trong từng giai đoạn tố tụng nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập của thực tiễn; đồng thời phân định thẩm quyền hành chính với thẩm quyền tư pháp, tăng quyền, tăng trách nhiệm cho điều tra viên, kiểm sát viên, Thẩm phán.

Bộ luật quy định chặt chẽ các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân như: Mọi biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân trong quá trình giải quyết vụ án phải được quy định trong BLTTHS; cụ thể hóa các căn cứ được coi là cản trở điều tra, truy tố, xét xử nhằm tránh lạm dụng; thẩm quyền quyết định tạm giam chỉ thuộc Thủ trưởng các cơ quan tố tụng và Hội đồng xét xử; rút ngắn thời hạn tạm giam và bổ sung thời hạn đối với biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo lĩnh, đặt tiền.

Các quy định của Bộ luật cũng hướng đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án hình sự, chống sự tùy nghi, lạm dụng.

Thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và quy định của Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính minh bạch, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động tố tụng tư pháp, Bộ luật quy định bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can tại nơi giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; bắt buộc kiểm sát viên phải hỏi cung khi bị can kêu oan hoặc khi phát hiện hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Theo Nghị quyết thi hành BLTTHS năm 2015, kể từ ngày Bộ luật có hiệu lực thi hành (1/7/2016), đối với những vụ án do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đang thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền mà chưa kết thúc, các cơ quan này tiếp tục giải quyết theo quy định của BLTTHS năm 2003 cho đến khi kết thúc vụ án, còn các vấn đề khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật năm 2015.

Quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ được đổi mới theo hướng nhân văn

Theo Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính - Bộ Công an, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam được xây dựng, ban hành nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập, bảo đảm hiệu quả công tác quản lý giam giữ phục vụ có hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong tình hình mới. Theo đó, Bộ luật này có khá nhiều đổi mới theo hướng nhân văn. Cụ thể như, tại Chương IV về Chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam gồm 5 Điều quy định về chế độ ăn, ở, chế độ mặc, tư trang, chế độ gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu, chế độ chăm sóc y tế, chế độ sinh hoạt tinh thần đối với người bị tạm giữ, người bị tam giam

Bộ luật có 11 Chương, 73 Điều, Luật quy định cụ thể về hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; chế độ quản lý giam giữ; chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam; người bị kết án tử hình đang bị tạm giam. Luật cũng quy định việc kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam…

Luật có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2016.

Không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội

Là người trình bày tiếp, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cũng cho biết một số nét cơ bản của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Công bố BLTTDS: Tòa án phải thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong bảo vệ công lý

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính - Bộ Công an trình bày Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự

Theo đó, Luật được xây dựng trên cơ sở quan điểm phù hợp với Hiến pháp, sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động điều tra hình sự; bảo đảm trong hoạt động điều tra hình sự, sự chỉ đạo, chỉ huy tập trung thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phân công, phân cấp rành mạch và được kiểm soát chặt chẽ; điều tra nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan, toàn diện, đầy đủ, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Luật có 10 Chương, 73 Điều. 

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.

Bãi bỏ tử hình với một số tội danh

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 được sửa đổi cơ bản và toàn diện là công cụ sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện mới, đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Bộ luật sửa đổi trên tinh thần nhân đạo, thể hiện tính nhân văn hơn; đồng thời cũng nghiêm khắc hơn với những đối tượng, hành vi có tội ở mức độ nặng.

BLHS đã bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm các tội trong lĩnh vực kinh tế, môi trường. 7 tội danh được bãi bỏ hình phạt tử hình gồm: tội cướp tài sản; tội phá hủy công trình, cơ sở phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội chống mệnh lệnh; tội đầu hàng địch; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tội tàng trữ trái phép chất ma túy; tội chiếm đoạt chất ma túy. Đồng thời mở rộng đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Đáng chú ý, BLHS đã mở rộng thêm trường hợp không thi hành án tử hình đối với người bị kết án về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. 

Trường hợp này sẽ chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân nhằm góp phần hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế.

Công bố BLTTDS: Tòa án phải thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong bảo vệ công lý

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày BLHS năm 2015

Trao đổi với báo chí về những quy định này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm rõ, trong giai đoạn BLHS năm 2015 chưa có hiệu lực, việc nộp lại tiền chỉ là 1 điều kiện để xem xét giảm án, ngoài ra phải đáp ứng các điều kiện khác như tích cực phối hợp với các cơ quan điều tra… Tuy nhiên, đến thời điểm BLHS có hiệu lực mà chưa thi hành án thì áp dụng quy định mới.

BLHS cũng đã thay thế Tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” bằng 9 tội danh mới nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, tránh sự tùy tiện trong áp dụng.

Ngoài ra, BLHS có những nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; nội luật hóa các quy định có  liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Bộ luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.

Cá nhân được chuyển đổi giới tính

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ luật Dân sự (BLDS) bổ sung nhiều quy định cơ chế pháp lý công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự.

Đặc biệt, BLDS đã hoàn thiện các quy định về quyền nhân thân của cá nhân, nhất là tôn trọng, công nhận và bảo vệ quyền về họ tên, dân tộc, quốc tịch, hình ảnh, tính mạng, sức  khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, cũng như ghi nhận cá nhân được chuyển đổi giới tính theo quy định của luật…

Thứ trưởng Long nhấn mạnh, cho phép chuyển đổi giới tính, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước tôn trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, hệ quả của việc chuyển đổi giới tính liên quan đến các quyền khác như đăng ký hộ tịch, hộ khẩu… nên phải chờ một luật riêng để quy định cụ thể, còn BLDS chỉ quy định về nguyên tắc.

“Chúng tôi sẽ cố gắng càng sớm càng tốt để đưa dự thảo Luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh kỳ đầu của Quốc hội khóa sau”, Thứ trưởng Long nói.

BLDS cũng quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự bao gồm cá nhân, pháp nhân, Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương bình đẳng với các chủ thể khác khi tham gia quan hệ dân sự…

Bộ luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2017

Thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước

Trên cơ sở kết quả thí điểm và Báo cáo tổng kết của Chính phủ, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13 về thực hiện thừa phát lại. Theo đó, chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước, kể từ ngày 1/1/2016.

Quốc hội giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, tổ chức thực hiện chế định này trong phạm vi hành nghề theo quy định hiện hành, có sự sửa đổi, bổ sung cần thiết để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động Thừa phát lại.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá, Nghị quyết đã chính thức cho ra đời một nghề mới trong thị trường dịch vụ pháp lý, tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong quá trình tố tụng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bố BLTTDS: Tòa án phải thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong bảo vệ công lý