Chính trị

Luật hóa việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

Duy Tuấn - Hữu Tuấn 14/05/2025 - 17:48

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, chiều 14/5, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Trình bày Tờ trình dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, Dự thảo Luật gồm 4 chương, 26 điều quy định về: những quy định chung; xây dựng và triển khai lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; công tác bảo đảm và chế độ, chính sách và điều khoản thi hành.

hb1.jpeg
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang

Luật này quy định về nguyên tắc, đối tượng, hình thức, lĩnh vực; xây dựng, triển khai lực lượng; bảo đảm nguồn lực, chế độ, chính sách; hợp tác quốc tế và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Đối tượng áp dụng của Luật gồm: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.

hb3.jpeg
Toàn cảnh kỳ họp.

Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; tiếp tục thể chế hóa quy định tại Hiến pháp năm 2013, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc, lâu dài, ổn định cho việc triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Việc ban hành Luật nhằm hoàn thiện pháp luật về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Lực lượng vũ trang nhân dân tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là trực tiếp đóng góp vào sứ mệnh cao cả của tổ chức này. Đồng thời, là cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận những vấn đề mới cả về quân sự, dân sự, an ninh, trật tự trên quy mô và phạm vi rộng lớn, với điều kiện môi trường địa - chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa đa dạng, khó khăn, phức tạp; góp phần nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, kỹ năng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân trong bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

hb2.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới.

Chủ nhiệm Lê Tấn Tới đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ hơn cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn việc quy định đối tượng dân sự là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (tại khoản 2 Điều 2); vai trò “thống lĩnh của Chủ tịch nước” trong việc cử lực lượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (tại khoản 1 Điều 4) để bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Về chế độ, chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cho biết, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về chế độ, chính sách đối với cá nhân bị ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc bị bệnh sau khi kết thúc nhiệm vụ, được xác định nguyên nhân do quá trình thực hiện nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc gây ra.

hb4.jpeg
Các đại biểu dự kỳ họp.

Đồng thời, bổ sung quy định về chế độ, chính sách xây dựng lực lượng tham gia đào tạo, huấn luyện, quản lý lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các ban, bộ, ngành, địa phương có lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình này.

Cũng theo Chủ nhiệm Lê Tấn Tới, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về chế độ, chính sách mang tính ưu tiên, khuyến khích đối với lực lượng là nữ giới tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình; đề nghị bổ sung quy định về hình thức, hiện vật khen thưởng nhằm ghi nhận, tôn vinh cá nhân, tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật hóa việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc