UBND tỉnh Bình Dương vừa chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chủ động, thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025…
Tại Kỳ họp thứ 11 - HĐND tỉnh khóa X mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh khẳng định, địa phương sẽ quyết tâm, tập trung cao độ, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp cụ thể để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 mà Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã đề ra.
Cụ thể, tỉnh sẽ kịp thời tháo gỡ các rào cản, vướng mắc trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, thủ tục cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, phát huy thị trường nội địa để tiêu thụ sản phẩm…
Thực tế, Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả tích cực về kinh tế - xã hội, sau nhiều nỗ lực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Tính đến 30/6/2023, tỉnh này có tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 69.864 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ; Trong đó, vốn nhà nước 7.198 tỷ đồng, tăng 172%; vốn ngoài nhà nước 34.663 tỷ đồng, tăng 5,2%; Vốn đầu tư nước ngoài 28.003 tỷ đồng, tăng 6,8%.
Đầu tư trong nước đã thu hút 41.617 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh (giảm 1,8% so với cùng kỳ), gồm 3.156 DN đăng ký mới (24.813 tỷ đồng) và 891 DN bổ sung tăng vốn (21.565 tỷ đồng); Có 51 DN giảm vốn (2.260 tỷ đồng) và 326 DN giải thể (2.519 tỷ đồng). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 62.603 DN trong nước với tổng vốn đăng ký 672 ngàn tỷ đồng.
Đầu tư nước ngoài thu hút 967 triệu USD (bằng 38% so với cùng kỳ, đạt 53,7% kế hoạch năm), gồm 45 dự án mới (361 USD), 20 dự án điều chỉnh tăng vốn (71 triệu USD), 70 dự án góp vốn (545 triệu USD), có 2 dự án giảm vốn (10 triệu USD). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.121 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 40 tỷ USD.
Tuy vậy, giống như tại nhiều địa phương khác, tỉnh Bình Dương còn tồn tại nhiều cái khó; Trong đó, đáng chú ý là “tâm lý sợ trách nhiệm” của một số đơn vị, cán bộ, công chức còn lớn, gây ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi công vụ.
Tiếp đến là sản xuất và xuất khẩu của một số ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, điện tử, đồ gỗ… bị chững lại từ những tháng cuối năm 2022 cho đến nay, do thị trường bị thu hẹp, cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng.
Nhiều DN vẫn chưa kịp phục hồi sau đại dịch Covid-19 và tiếp tục gặp nhiều khó khăn mới như: Đơn hàng giảm mạnh, tồn kho tăng, khó tiếp cập vốn, chi phí lãi vay cao, nhiều DN phải cắt giảm nhân sự, thanh lý tài sản để giảm bớt khó khăn về dòng tiền, cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, giữ chân người lao động, khách hàng, đối tác. Số DN trong nước đăng ký mới giảm trong khi số DN giảm vốn, rời khỏi thị trường tăng cao.
Tất nhiên, người lao động cũng vì thế mà bị ảnh hưởng việc làm; Các hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú (nhà trọ) bị giảm công suất cho thuê phòng trong khi giá cả một số mặt hàng thiết yếu gia tăng đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của một bộ phận người dân, nhất là đối tượng yếu thế, sẽ gây áp lực an sinh xã hội và tiềm ẩn an ninh trật tự trong thời gian tới…
Dự báo được những khó khăn, qua Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 27/3/2023 và nhiều văn bản chỉ đạo, UNBD tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các Sở, Ban, Ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện tháo gỡ vướng mắc cho nhiều dự án đầu tư đã được cấp phép, chưa triển khai hoặc đang triển khai nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế;
Tạo điều kiện xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án bất động sản trên địa bàn đã đáp ứng đủ điều kiện để các DN bất động sản, xây dựng sớm triển khai theo quyết định đầu tư được phê duyệt để sớm hoàn thành, đưa sản phẩm ra thị trường;
Song song đó, triển khai các chính sách hỗ trợ giảm chi phí cho DN, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; Tập trung hỗ trợ DN tạo cơ hội, ổn định việc làm cho người lao động; Đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Ngoài ra, các Sở, Ban, Ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động hoặc đề xuất cấp thẩm quyền cắt giảm, đơn giản hoá các quy định tạo ra rào cản mới gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong DN; Hỗ trợ tái cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0…
Có thể nói, quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh đã rất cụ thể, nhưng tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” dường như vẫn xảy ra và gây cản trở đến mục tiêu phát triển chung. Vì thế, Bình Dương cần xử lý nghiêm một số đơn vị, cán bộ, công chức còn đùn đẩy, thoái thác, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ.