Cơn bão số 5 sau khi đổ bộ vào đất liền đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Nam Trung Bộ. Cho đến thời điểm này, công tác khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống của người dân tại Bình Định và Phú Yên đang được triển khai.
Sau khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền tối 30/10 đã gây thiệt hại nặng cho tỉnh Bình Định. Tại TP Quy Nhơn, nhiều đoạn kè biển dọc đường Đống Đa đã bị sóng biển làm hư hỏng; nhiều cây xanh các tuyến đường bị gió bão bẻ gãy hoặc xô bật gốc; hàng loạt trụ điện cao thế, hạ thế bị cây xanh ngã đổ vào làm đứt đường dây.
Theo đó, sáng 31/10, lãnh đạo tỉnh Bình Ðịnh cùng các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các cấp thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại.
Chính quyền TP Quy Nhơn cũng đã cấp phát 30.500 bao cát cho các phường, xã để khắc phục hậu quả bão số 5. Tại xã Nhơn Hải, hàng trăm chiến sĩ quân đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích cũng đã được điều động cùng với người dân dùng bao cát khắc phục tạm kè chắn sóng tại thôn Hải Nam. Đến trưa ngày 31/10, các vị trí bị sập đã được gia cố.
Các lực lượng phối hợp gia cố đoạn kè bị sập tại TP. Quy Nhơn (Bình Định)
Dọc tuyến kè chắn sóng này có khoảng 91 hộ nằm trong vòng nguy hiểm, các hộ này đã được UBND TP Quy Nhơn đưa vào diện di dời và cấp đất ở Khu tái định cư vùng thiên tai Nhơn Hải. Qua vận động đã có 47 hộ rời đi, các hộ còn lại vẫn ở lại. Sau đợt mưa bão này, xã sẽ tiếp tục vận động các hộ này di dời để đảm bảo an toàn.
Tại huyện Phù Cát, để chủ động bảo vệ an toàn tính mạng cho nhân dân trên địa bàn, UBND huyện đã tổ chức di dời 23 hộ dân/116 nhân khẩu ở chân núi Gành, xã Cát Minh; 21 hộ dân/73 nhân khẩu bị ngập sâu ở thôn Đại Lợi Nam, xã Cát Nhơn và 100 hộ dân/450 nhân khẩu bị ngập sâu trong vùng lũ xã Cát Chánh đến nơi ở an toàn.
Tại Phú Yên, công tác khắc phục mưa bão, ổn định cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh cũng đang được tích cực triển khai.
Theo Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện Đông Hòa cho biết, bão số 5 đã làm sập 3 nhà (từ 50-70%), tốc mái 92 nhà, sập 1 trang trại trồng nấm, làm chết gần 3000 con gia cầm, một tàu cá hư hỏng do bị mắc cạn... Bão cũng làm đổ ngã hàng loạt trụ điện trên địa bàn, gây mất điện tại 8 xã, thị trấn từ 21 giờ đêm 30/10.
Tại huyện Tây Hòa, bão số 5 đã làm sập, tốc mái 5 nhà ở xã Hòa Thịnh, sập đổ 29m tường rào xây gạch của Trường tiểu học Hòa Thịnh. lãnh đạo UBND huyện Tây Hòa đã tới kiểm tra và cử lực lượng đến hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại. Việc mất điện tại các xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Tây, Hòa Mỹ Đông, Sơn Thành Đông, địa phương đang phối hợp với Điện Lực Tây Hòa khẩn trương khắc phục để người dân có điện phục vụ sinh hoạt trong thời gian sớm nhất.
Lực lượng Biên phòng cùng với nhân dân cứu, kéo tàu thuyền bị chìm
Ngày 31/10, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Phú Hòa làm việc bình thường. Theo chỉ đạo của UBND huyện, các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn tiến hành khắc phục hậu quả do mưa bão. Dân quân tự vệ, thanh niên xung kích là lực lượng nòng cốt đồng loạt ra quân tổng vệ sinh cơ quan làm việc và đường làng, ngõ xóm. Những cây xanh bị ngã đổ được cắt gọn cành nhánh và trồng trở lại; rác thải được thu gom…. Đến 9 giờ cùng ngày, trụ sở làm việc, đường làng, ngõ xóm đã sạch đẹp, thông thoáng trở lại.
Tại thị xã Sông Cầu, Đồn Biên phòng Xuân Hòa đã huy động hơn 40 cán bộ chiến sỹ xuống địa bàn, kết hợp với lực lượng tại chỗ, giúp nhân dọn dẹp đường giao thông, đồng thời cùng với lực lượng tại chỗ cứu, kéo tàu thuyền.
Trưa 31/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Ðình Dũng đã chủ trì cuộc họp khẩn chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 5 và cảnh giác hoàn lưu của bão gây mưa lớn, xảy ra lũ lụt.
Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và nhanh chóng huy động mọi nguồn lực để khắc phục thiệt hại. Các địa phương khẩn trương hỗ trợ cho người dân bị thương, hộ có nhà bị sập, hư hỏng, đảm bảo chỗ ở an toàn. Mặt khác, đầu tư sửa chữa cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống điện, trường học, trạm y tế, đê kè bị bão làm hư hỏng.
Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm cùng với địa phương quản lý chặt chẽ nguồn nước hồ chứa, đảm bảo an toàn cho hồ chứa, điều tiết nước phù hợp. Bộ Công Thương, các địa phương và DN chịu trách nhiệm về sự an toàn các hồ thủy điện.