Biểu tượng “thành phố không ngủ” New York bị COVID-19 tấn công

Bạch Dương| 08/05/2020 09:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19: Tính đến 6h ngày 8/5, theo Worldometers, thế giới ghi nhận thêm 94.050 ca mắc COVID-19. Hệ thống tàu điện ngầm trứ danh - được coi là biểu tượng của thành phố New York - buộc phải tạm ngừng dịch vụ tàu đêm.

Tính đến 6h ngày 8/5, theo trang thống kê Worldometers, thế giới ghi nhận thêm 94.050 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, nâng tổng số người mắc bệnh toàn cầu lên 3.911.432.

Trong 2 ngày qua, thế giới ghi nhận số ca nhiễm mới khá cao, luôn ở mức trên 94.000 ca mỗi ngày. Với tốc độ tăng như vậy, hết ngày hôm nay (8/5), số người mắc Covid-19 toàn cầu sẽ vượt mốc 4 triệu người.

* Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, lần lượt là 1.291.222 và 76.894 trường hợp.

Trong ngày 7/5, một nghiên cứu mới nhất được công bố cho thấy, New York là nguồn lây nhiễm chính khiến đại dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ bởi hàng nghìn trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đã di chuyển từ thành phố này và phát tán mầm bệnh tới các bang khác ở nước Mỹ.

* Lần đầu tiên kể từ năm 1904, hệ thống tàu điện ngầm trứ danh - được coi là biểu tượng của thành phố New York - buộc phải tạm ngừng dịch vụ tàu đêm. Như vậy, biểu tượng của “thành phố không ngủ” New York đã bị COVID-19 tấn công.

Theo đó, dịch vụ tàu điện ngầm sẽ ngừng hoạt động trong khoảng thời gian từ 1 - 5h sáng hàng ngày, để tiến hành công tác khử trùng toàn diện với 6.500 toa tàu của hệ thống, sử dụng mọi kỹ thuật vệ sinh từ khử trùng cơ bản tới khử trung bằng tia cực tím.

Biểu tượng “thành phố không ngủ” New York bị COVID-19 tấn công

Lối vào ga tàu Wakefield-241 Street ở New York, Mỹ lúc rạng sáng 6/5

* Ngày 7/5, Bộ Y tế Ai Cập thông báo quốc gia này đã phát hiện thêm 393 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đánh dấu mức tăng kỷ lục trong ngày, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 7.981 người.

Bên cạnh đó, số người tử vong do căn bệnh nguy hiểm này cũng tăng thêm 13 ca, lên tổng số 482 trường hợp. Theo người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập Khaled Megahed, số bệnh nhân bình phục và được xuất viện trong ngày là 72 người, nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh lên 1.887.

* Các nhà khoa học Mỹ đang nỗ lực tìm hiểu hội chứng viêm hiếm gặp có thể đe dọa tính mạng ở trẻ em bị phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thông qua thu thập các kết quả của các thử nghiệm lâm sàng cũng như thông tin bệnh nhân.

Các trường hợp trẻ em đầu tiên mắc hội chứng viêm này được ghi nhận ở Anh, Italy và Tây Ban Nha, song các bác sĩ tại Mỹ cũng đã phát hiện một nhóm trẻ em bị rối loạn chức năng cơ thể, tình trạng có thể tấn công nhiều cơ quan trong cơ thể, làm suy yếu chức năng tim cũng như các động mạch tim. Hội chứng này, có thể xảy ra từ vài ngày đến vài tuần sau khi mắc COVID-19, cho thấy những cách thức đáng ngạc nhiên mà virus SARS-CoV-2 lây nhiễm và gây bệnh cho con người.

* Tính đến tối 7/5 (theo giờ địa phương), số ca tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Pháp đã tăng thêm 178 trường hợp, lên tổng cộng 25.987 người, trong đó có 16.386 ca (tăng 149 ca) ở các bệnh viện và 9.601 ca (tăng 29 ca) ở các nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội.

* Trong ngày 7/5, Italy đã ghi nhận thêm 1.401 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 lên 215.858 người. Trong khi đó, số ca tử vong vì COVID-19 ở Italy đã tăng thêm 274 trường hợp, lên 29.958 người.

Bên cạnh đó, quốc gia Nam Âu này còn ghi nhận thêm 3.031 bệnh nhân COVID-19 hồi phục sức khỏe, nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh lên 96.276 người. Số bệnh nhân thuộc diện điều trị đặc biệt ở Italy tiếp tục giảm 22 ca xuống còn 1.311 người.

 * Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge ngày 7/5 nhận định những số liệu thống kê theo ngày về số ca mới mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Tây Âu trong 4 tuần gần đây đã cho thấy xu hướng trái ngược đối với tình hình tại khu vực Đông Âu.

Ông Hans Kluge cho biết, trong gần 4 tuần qua, kể từ ngày 12/4, WHO đã nhận thấy số lượng các trường hợp mới mắc bệnh được báo cáo (tại Tây Âu) giảm từng ngày. WHO đang ghi nhận những tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, ông lại tỏ ra quan ngại về những diễn biến tiêu cực tại khu vực Đông Âu, cụ thể là tại các nước như Belarus, Kazakhstan, Liên bang Nga, Ukraine và Tajikistan - là những nơi trong tuần qua đã chứng kiến sự gia tăng đột biến về số các ca nhiễm mới.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biểu tượng “thành phố không ngủ” New York bị COVID-19 tấn công