Sau phần đối đáp của đại diện VKS tại phiên toà sáng nay, chiều 12/3, phiên toà xét xử Đinh La Thăng cùng đồng phạm vụ án xảy ra tại Dự án xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ tiếp tục được diễn ra ở phần tranh luận.
Sau khi nghe quan điểm đối đáp của VKS, bị cáo Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) hỏi HĐXX: “Người buộc tội và người bị buộc tội có được bình đẳng trong việc tranh tụng hay không?”.
Trả lời câu hỏi này của bị cáo Thăng, HĐXX cho biết đại diện VKS và các bị cáo đều có quyền và nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật, được quyền tranh luận và đối đáp tại phiên tòa.
Đối đáp lại những quan điểm của VKS về nội dung chỉ định thầu, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) Đinh La Thăng cho biết đây là chủ trương được Chính phủ cho phép, những chỉ đạo của bị cáo đều chỉ đạo theo đúng quy định của pháp luật nên không có chuyện chủ mưu hay nhóm lợi ích ở đây…
Theo bị cáo Thăng, VKS vẫn cáo buộc bị cáo chỉ đạo PVB như là công ty “con”, công ty “cháu” là không chính xác bởi thẩm quyền quyết định chỉ định thầu là quyết định của chủ đầu tư. Bị cáo Thăng nói: “Thực tế, chủ đầu tư đã chỉ định thầu cho liên danh nhà thầu. Tất cả nghị quyết của PVN vẫn ghi rõ là đề nghị các đại diện phần vốn của các đơn vị thành viên xem xét cho PVC tham gia thầu, không có liên danh nhà thầu. Và chủ đầu tư đã chọn chỉ định thầu cho liên danh”.
Bị cáo Thăng cũng không đồng tình với quan điểm của đại diện VKS khi nói PVB là “con đẻ” của các công ty “con” của PVN. Theo bị cáo PVB là công ty cổ phần có vốn góp của các công ty con của PVN. PVN không góp vốn, không phải cấp trên của PVB.
Tiếp tục trình bày về năng lực nhà thầu, bị cáo Đinh La Thăng trình bày: “PVN chỉ giới thiệu PVC, không giới thiệu liên danh nhà thầu. Năng lực của nhà thầu trong liên danh là năng lực tổng hợp của các nhà thầu, không đi ký với từng đơn vị. Đúng là phải có sự phân công cho từng doanh nghiệp trong liên danh nhưng phải có sự phối hợp”.
Về thiệt hại của vụ án, VKS kết luận là chậm tiến độ dài hạn nhưng theo bị cáo Thăng, cần phải xem xét, đánh giá nguyên nhân.
Trong phần đối đáp, bị cáo Thăng cũng trình bày rằng vụ án này ông đã nhận quyết định gia hạn điều tra của Viện kiểm sát, Tòa án còn nhiều hơn quyết định được bổ nhiệm công tác, đây có chậm tiến độ không?
Bị cáo Thăng đã đề nghị VKS trả lời và làm rõ: “Giám định của Bộ Tài chính là lãi suất tiền vay phải trả ngân hàng hay giá trị thiệt hại dự án? Vụ án này có hình sự hóa hay không? Cách tính thiệt hại từ khi dự án dừng cho đến khi khởi tố nghĩa là càng khởi tố sớm thì thiệt hại càng ít, chậm khởi tố thì thiệt hại còn nhiều hơn, có thỏa đáng không?”.
Trong cáo trạng nêu Đinh La Thăng đã nhận biết năng lực của nhà thầu yếu kém nhưng bị cáo Thăng một lần nữa đề nghị VKS đưa ra chứng cứ cụ thể; bị cáo Thăng nhấn mạnh việc bản thân không có thẩm quyền và trách nhiệm phải biết việc này.
Cũng trong phần đối đáp, nêu điểm của mình trước HĐXX, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho biết PVC là doanh nghiệp thì phải có công ăn việc làm. VKS luôn nói Trịnh Xuân Thanh biết PVC không đủ năng lực nhưng Trịnh Xuân Thanh khẳng định PVC luôn đủ năng lực nhưng “chỉ thiếu 1 – 2 tiêu chí thôi”. Ngoài ra, Trịnh Xuân Thanh khẳng định dự án này là do thiếu tiền, không phải do năng lực của PVC.
Liên quan đến nội dung VKS nói các đơn vị ở dầu khí cấu kết với nhau thành nhóm lợi ích nhưng theo bị cáo Trịnh Xuân Thanh, đây là việc anh em bảo nhau làm việc, vậy tại sao lại nói đó là nhóm lợi ích? “VKS cứ nói tôi liên kết với lãnh đạo tập đoàn trong khi không hề có sự liên kết nào. Tôi đề nghị VKS làm nghiêm túc”, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị.
Trước đó, trong phần luận tội và đề nghị mức án, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng mức án từ 12 năm tù đến 13 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp với các bản án đã có hiệu lực trước đó, hình phạt chung mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng đối với bị cáo Đinh La Thăng là 30 năm tù.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh mức án từ 11-12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và từ 10-11 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, hình phạt chung cho cả hai tội danh từ 21-23 năm tù. Tổng hợp với các bản án đã có hiệu lực trước đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng hình phạt chung cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh là tù chung thân.