Sáng nay (9/3), phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng các đồng phạm trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ bước sang ngày làm việc thứ hai, tiếp tục được diễn ra ở phần xét hỏi.
Trịnh Xuân Thanh mua đất ở Tam Đảo như thế nào?
Theo đó, trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Đỗ Văn Hồng – Giám đốc PVC Kinh Bắc khai đã không dám kiện hoặc áp dụng các biện pháp dân sự khác để đòi nợ vì vị trí của Trịnh Xuân Thanh quá cao.
Bị cáo Hồng là một trong số 12 bị cáo bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử trong vụ án thất thoát hơn 543 tỷ đồng tại Cty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học (PVB) và Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Năm 2019, Đỗ Văn Hồng đã nhận 13 năm tù vì hành vi cố ý làm trái tại dự án Xơ sợi Dầu khí và trong vụ án này tiếp tục bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo truy tố năm 2009, Tổng Cty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) góp 2,5 tỷ đồng (tức 5%) để thành lập PVC Kinh Bắc và ký hợp đồng số 173 cho PVC Kinh Bắc thi công một số hạng mục tại nhà máy Polyester Đình Vũ với giá trị hơn 132 tỷ đồng.
Quá trình này, Trịnh Xuân Thanh – Chủ tịch PVC bàn bạc với Đỗ Văn Hồng - Chủ tịch PVC Kinh Bắc việc tìm mua đất xây dựng khu nghỉ dưỡng. Hồng giới thiệu khu đất 3.400m2 tại thị trấn Tam Đảo đang được rao bán với giá 23,8 tỷ đồng.
Bị cáo Thanh đồng ý và thống nhất sẽ dùng chức vụ của mình để PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỷ đồng theo hợp đồng số 173 nói trên nhằm có tiền mua đất dù việc này trái hợp đồng.
Đến năm 2010, các bị cáo Thanh, Hồng bàn bạc việc tăng vốn điều lệ của PVC Kinh Bắc từ 50 tỷ lên 150 tỷ đồng. Do các cổ đông khác góp được 129 tỷ đồng, bị cáo Hồng gửi văn bản đề nghị PVC góp 21 tỷ đồng còn lại cho đủ số 150 tỷ đồng.
Trịnh Xuân Thanh sau đó lợi dụng việc này để hợp thức hóa 25 tỷ đồng dùng để mua đất Tam Đảo. Theo truy tố, bị cáo Thanh đã yêu cầu cấp dưới tại PVC làm thủ tục chuyển số 25 tỷ đồng tạm ứng theo hợp đồng 173 thành tiền góp vốn, nâng tỷ lệ góp tại PVC Kinh Bắc lên 15,67%.
Song song, Trịnh Xuân Thanh lập Công ty Mai Phương, nhờ bố đẻ là ông Trịnh Xuân Giới đứng tên và dùng doanh nghiệp này mua lại khu đất 3.400m2 trên của PVC Kinh Bắc với giá đúng 23,8 tỷ đồng nhưng nợ lại 3 tỷ đồng, đến nay chưa thanh toán.
Năm 2016, Cty Mai Phương cùng khu đất được vợ Trịnh Xuân Thanh bán cho người khác với giá 45 tỷ đồng. Hiện cơ quan điều tra đã tạm giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng 3.400m2 đất trên.
Cơ quan truy tố cho rằng, Trịnh Xuân Thanh đã lợi dụng tiền góp vốn của PVC vào PVC Kinh Bắc để mua khu đất tại Tam Đảo. Đến năm 2020, các cơ quan giám định kết luận phần vốn trị giá 21 tỷ đồng của PVC tại PVC Kinh Bắc chỉ còn giá trị hơn 7,7 tỷ đồng, tức việc ông Thanh mua đất khiến PVC thua lỗ hơn 13,2 tỷ đồng.
Tại tòa, Đỗ Văn Hồng thừa nhận đã giúp Trịnh Xuân Thanh mua khu đất tại Tam Đảo nói trên và đến nay, bị cáo Thanh vẫn nợ 3 tỷ đồng.
Đại diện VKS đặt câu hỏi, tại sao không đòi số tiền này, bị cáo Hồng đáp: “Tôi có đòi ông Trịnh Xuân Giới và ông ấy hứa sẽ trả làm 2 lần nhưng chỉ nói chuyện, không đòi bằng văn bản”.
Đại diện VKS dẫn lời khai tại giai đoạn điều tra thể hiện, ông Hồng từng khai không dám đòi tiền Trịnh Xuân Thanh vì vị trí của người này quá cao. Đỗ Văn Hồng lý giải: “Khi đó, điều tra viên hỏi tôi sao không kiện đòi tiền hoặc áp dụng các biện pháp dân sự khác, tôi trả lời vị trí của ông Thanh cao nên tôi không kiện”.
“Vậy tức là bị cáo không dám đòi tiền Trịnh Xuân Thanh?” đại diện VKS hỏi. Đáp lai, bị cáo Hồng khẳng định là có đòi tiền ông Trịnh Xuân Giới nhưng chỉ không nghĩ đến việc đi kiện. Nghị quyết đó đổ hết trách nhiệm lên đầu tôi, tôi phải thực hiện nhiệm vụ phải làm và thực hiện điều này là sai.
Bị cáo Hồng tiếp tục cho biết: "Lúc đó, tôi giữ vai trò tổng giám đốc PVB, nhận chỉ thị ngày 10 phải có hợp đồng. Bản thân tôi là dân kỹ thuật và chủ đầu tư nên không muốn chỉ định thầu nhưng lúc đó, PVN triển khai nhiều dự án với tốc độ nhanh và ưu tiên các hạng mục cho PVC. Từ trước tôi thấy PVC là dự án mạnh... Tôi nghĩ với PVN lớn mạnh như vậy mà mọi nghị quyết, văn bản đều được công bố thì nó là hợp pháp, đến năm 2018 tôi chưa bao giờ nghĩ đó là văn bản không hợp pháp. Tôi nhận sai với tư cách người đứng đầu".
"Về hành vi chỉ định thầu, vì đã hiểu chỉ đạo của PVN nên tôi phải làm, phải ký văn bản chỉ định thầu và cái này có 3 nội dung chính gồm dự án giao cho liên danh nhà thầu của PVC trọn gói; tổng giá cố định không phát sinh là hơn 59 triệu USD; thời gian hoàn thành là 18 tháng.
Đến thời điểm này, tôi nói rõ quyết định chỉ định thầu chỉ dẫn tới hợp đồng 59 và hợp đồng này là hợp đồng cứng, không thể sửa đổi khi đi vào thực hiện, liên danh làm sai thiết kế so với hợp đồng nên tôi đã phản đối, yêu cầu làm lại. Ngày 14/6/2010, trong cuộc họp của Ban chỉ đạo tôi không đồng ý việc phê duyệt công văn đề nghị tăng giá của PVC lên thêm 70 triệu USD và không đồng ý phê duyệt thiết kế nên cuộc họp này điều tôi đi khỏi dự án. Sáng 15/6/2010, PVOil rút quyền của tôi tại PVB", bị cáo Hồng khai.
Đinh La Thăng phủ nhận trách nhiệm trong dự án Ethanol ở Phú Thọ
Trước đó, trong phần xét hỏi cuối giờ chiều qua (8/3), cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí - PVN, Trưởng ban chỉ đạo các dự án nhiên liệu sinh học Đinh La Thăng cho biết, bị cáo thừa nhận có nhiều nội dung trong các cuộc họp, chỉ đạo bị cáo không nhớ cụ thể. Tuy nhiên, theo quy chế làm việc của ban chỉ đạo các dự án nhiên liệu sinh học chỉ đôn đốc tiến độ, còn các nội dung khác chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm.
“Các đơn vị thành viên tập đoàn chỉ giới thiệu Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC tham gia dự án. Còn trách nhiệm đánh giá nhà thầu là thuộc về chủ đầu tư. Tập đoàn PVN không có văn bản giới thiệu, chỉ định PVC làm nhà thầu dự án.
Quy chế làm việc của ban chỉ đạo là không làm thay trách nhiệm của chủ đầu tư mà chỉ đạo chỉ đôn đốc về tiến độ, các nội dung khác, chủ đầu tư được toàn quyền quyết định. Tại sao tôi có ý kiến HĐQT của PVC phải nhận giá thầu giá 59 triệu USD? Tôi không bắt buộc mà chủ đầu tư đưa ra giá, PVC chấp nhận thì làm, không chấp nhận thì thôi”, bị cáo Thăng khai.
Trả lời chất vấn của HĐXX về thông báo kết luận cuộc họp ngày 7/5/2009 về việc yêu cầu PVC và PVB ký hợp đồng, bị cáo Thăng cho rằng, ban chỉ đạo đưa ra các mốc thời gian để yêu cầu các bên thực hiện. Bị cáo Thăng thừa nhận có ấn định ngày ký hợp đồng. “Tiến độ phải có ngày tháng cụ thể, nói làm nhanh nên là vô nghĩa”, bị cáo Thăng nói thêm.
“Vậy PVB đã báo cáo về năng lực của PVC. Bị cáo có quan tâm đến năng lực của PVC không?”, tòa tiếp tục truy hỏi. Bị cáo Thăng nhắc lại: “Trách nhiệm đó của chủ đầu tư. Trước cuộc họp, ban chỉ đạo yêu cầu PVB báo cáo bằng văn bản nhưng tại cuộc họp thì không có văn bản báo cáo”.
Đối chất tại tòa, bị cáo Vũ Thanh Hà, cựu Tổng giám đốc CTCP Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí PVB khai nhận có báo cáo về năng lực của liên danh PVC.
Còn bị cáo Trần Thị Bình cho biết, trong thông báo cuộc họp ngày 10/4/2009, ông Thăng bút phê nêu “Giao cho chị Bình chỉ đạo PVOil, PVB xem xét đánh giá hồ sơ đề xuất của PVC để đàm phán hợp đồng, hoàn thiện các thủ tục để ký hợp đồng”. Bị cáo không thực hiện vì thấy rằng việc này là các thủ tục thông thường của chủ đầu tư. “Chức năng công việc của tôi là không làm thay công việc của chủ đầu tư”, bà Bình khai nhận.
Sau khi đối chất, HĐXX tiếp tục xét hỏi Đinh La bị cáo Thăng về cuộc họp ngày 7/5/2009. Bị cáo Thăng khai: “Anh Hà nói có báo cáo gửi chị Bình, chứ không phải báo cáo ban chỉ đạo. Cuộc họp không thể lấy công văn của chị Bình để sử dụng được. Tôi nhắc lại chủ đầu tư quyết định lựa chọn nhà thầu”.
“PVB không phải là thành viên của PVN, không nằm trong hệ thống PVN, không chịu sự chỉ đạo của PVN. Tôi không có kết luận gì về liên danh nhà thầu này. PVC chỉ là một đối tác trong liên danh. Còn tôi chỉ làm theo tư cách trưởng ban chỉ đạo”, bị cáo Thăng nói.