Phóng sự - Ghi chép

Bí ẩn tục thờ cá ở Bạc Liêu

T. Thành 24/09/2023 - 12:44

Từ xa xưa, ở Bạc Liêu nói riêng và nhiều tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đã có tục thờ Cá Ông (tức cá voi, cá heo và một số loài cá lớn khác). Bởi người ta tin rằng, những loài cá này chính là “vị cứu tinh” của các tàu, thuyền và ngư dân khi gặp nạn. Thế nên, để bày tỏ lòng biết ơn và thể hiện sự tôn kính đối với những “ông vua của biển cả”, không ít địa phương đã lập đền thờ.

Xem cá voi là linh vật

Ở Bạc Liêu, trong dân gian đến giờ vẫn còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện về cá Ông mang đậm màu sắc liêu trai. Thậm chí người ta còn cho rằng, cá Ông là Quan Thế Âm Bồ Tát hóa thân thành Nam Hải Đại Tướng Quân để cứu khổ, cứu nạn cho ngư dân mỗi khi họ đối mặt với rủi ro, bất trắc của đại dương. Do đó, mỗi lần đi biển, gặp sóng to gió cả, ngư dân đều thành tâm cầu nguyện cá Ông phù trợ.

anh-bai-ky-bi-tuc-tho-ca-o-bac-lieu-3.jpg
Tưng bừng Lễ hội Nghinh Ông ở Gành Hào

Chính vì xem cá Ông như là một linh vật hết sức linh thiêng, là “vị thần hộ mệnh”, nên mỗi lần cá voi hay cá heo chết dạt vào bờ (tục gọi là “Ông lụy bờ”), người dân đều tổ chức tang lễ và chôn cất một cách hết sức chu toàn, trịnh trọng. Nhiều nơi người ta còn để tang Ông như để tang chính cha mẹ của mình, sau đó xây đền, lập miếu để tiện khói nhang. Và rồi hàng năm, cứ đến ngày cá Ông đã lụy bờ, người dân lại làm lễ cúng giỗ theo nghi thức Nghinh Ông.

Tính đến giờ, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã có đến 3 miếu cá Ông. Miếu đầu tiên được xây dựng ở ngã tư Hiệp Thành (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) vào năm 1903. Nhưng sau đó miếu được gọi là chùa bởi ở đó còn thờ thêm Phật Bà Quan Âm.

“Vào năm 1903, có một con Cá Ông (cá voi) “lụy” tại bờ biển này. Theo tục lệ, người dân đã làm lễ tang, kéo xác cá lên, xẻ thịt đem chôn, còn bộ xương để thờ. Ban đầu ngôi miếu chỉ bằng tranh lá đơn sơ, sang năm sau (1904), người dân quyên góp tiền xây dựng lại thành ngôi miếu khang trang hơn”, ông Kha Lài, người trông coi miếu cá Ông ở phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ.

So với những nơi thờ cá Ông khác, ngoài tín ngưỡng dân gian xem cá Ông là Nam Hải Đại Tướng Quân (hay Nam Hải Nguyên Soái), người dân ở đây còn xem ông như một vị Thổ Công giúp “phong điều vũ thuận, quốc thái dân an”. Do vậy, vào ngày vía Ông, nơi đây không tổ chức lễ rước trên biển, mà chỉ tổ chức lễ cúng như các vị thần dân gian khác. Cũng chính vì lý do này mà đã có nhiều người từ khắp nơi đến chiêm bái Ông chứ không riêng gì những người sống bằng nghề biển.

Ngôi miếu thứ hai thờ cá Ông là ngôi miếu ở Gành Hào. Nguyên ban đầu ngôi miếu này ở hữu ngạn bờ biển vàm sông Gành Hào (cũng được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20), nhưng do bờ biển nơi đây lở nên người dân dời miếu qua nơi mới (tả ngạn sông, cách đất liền hơn 1km). Qua khảo sát, xương cá Ông ở miếu này không phải một mà của nhiều con khác nhau, điều này chứng tỏ bờ biển Gành Hào trước đây từng có nhiều cá Ông chết trôi dạt vào. Tại ngôi miếu này, cũng là nơi làm lễ Nghinh Ông hàng năm của huyện Đông Hải.

Ngôi miếu thứ 3 là miếu cá Ông ở xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình). Cách đây khoảng chục năm về trước, ngư dân ở xã phát hiện một xác Cá Ông trên biển nên đã đưa vào bờ. Xác cá dài tới 16m, nặng khoảng trên 10 tấn. Người dân cũng đã quyên góp tiền để xây dựng miếu và gọi với cái tên trịnh trọng là Lăng Ông.

anh-bai-ky-bi-tuc-tho-ca-o-bac-lieu-2.jpg
Miếu cá Ông ở phường Nhà Mát

Ngày hội lớn của cư dân miền biển

Theo thời gian, lễ hội Nghinh Ông dần trở thành ngày hội lớn của cư dân vùng biển Bạc Liêu. Từ sáng sớm ngày lễ chính đã có hàng trăm tàu thuyền về tham gia lễ hội. Các ghe tàu đều được trang hoàng cờ, phướn, băng rôn, khẩu hiệu. Tàu nào cũng chật ních người, vượt sóng ra biển Nghinh Ông. Thông thường thì sẽ có một cụm tàu chính gồm 2 chiếc kết lại dẫn đầu. Tàu này có nhiệm vụ chở Ban tổ chức, các vị bô lão, chức sắc trong làng và đội tế lễ.

Trang phục của đội tế lễ cũng rất cầu kỳ, nhóm thì mặc trang phục của binh sĩ thời vua Gia Long, nhóm thì áo dài khăn đóng... Họ đưa Long đình xuống tàu và chạy ra biển tiến hành cúng bái, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi và tiến hành thả hàng triệu con tôm giống xuống biển nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đây gần như là một hoạt động không thể thiếu trong mỗi lễ hội Nghinh ông hàng năm của ngư dân.

Đồ tế lễ thường có heo quay và heo sống, nhưng để cả con cùng với hương hoa, trà, rượu. Có nơi cúng gà vịt và những vật phẩm mà dân tự sản xuất ra. Do quan niệm cá Ông ăn cá, nên khi cúng Ông không cúng chay mà cúng mặn. Một nghi thức đặc biệt quan trọng là khi cúng phải làm thủ tục chia phần hiến tế. Ông chủ tế lật bụng vật hiến sinh lên, dùng dao huơ dọc ngang trên thân con vật, biểu thị là đang phân chia vật phẩm hiến tế cho các thần linh, vì nếu không thì linh thần quở trách suốt năm, làm ăn không khấm khá. Thủ tục này được thực hiện rất cẩn trọng với tâm tưởng “ăn đồng, chia đủ” rất công bằng.

Theo ông Kha Lài, người trông coi miếu cá Ông ở phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), trong quá trình tế lễ, người ta cũng phải kiêng cữ, chú trọng nhiều thứ như ngôn ngữ khấn xin nhất định không được gọi cá Voi là con cá, mà phải gọi là Ân ngư, là Ông cá. Cá Ông chết gọi là Ông lụy, xương cá Ông gọi là Ngọc cốt, khi hành lễ phải xưng Ông là Đại Càn Nam Hải Đại Tướng Quân, khi cúng tế phải gọi Cung nghinh, thỉnh Ông...

Và chánh tế phải là đàn ông lớn tuổi, kiêng đàn bà con gái ngồi trên mòi tàu đánh cá, mỏ neo tàu, hoặc bước ngang chân qua ụ tàu; kiêng phụ nữ đang “dơ mình” bước vào chánh điện thờ Ông; kiêng việc nam nữ giao phối trên tàu lúc neo đậu cũng như ra khơi, không được tự ý xê dịch bàn thờ trên tàu; kiêng cho súc vật như kỳ đà, mèo, rùa xuống tàu sợ chậm, sợ xúi quẩy, không may mắn....

Thậm chí ở một số vùng, lễ hội Nghinh Ông còn có thêm rất nhiều nghi thức rất trang trọng, mang đậm nét văn hóa dân gian xưa, như trước giờ ra biển “nghinh ông”, buổi lễ chính tại chánh điện phải có đầy đủ các cung phi (đa số là phụ nữ cao tuổi), 12 cung nữ (các thiếu nữ và cũng gọi là 12 nữ học trò lễ), 02 nữ cung hầu, 01 vị tướng quân trong tư thế oai phong cùng hàng chục quân sỹ cầm cờ. Những lá cờ này bên trên đều có ghi dòng chữ “Nam Hải Đại Tướng Quân”. Còn đội rước kiệu có khi lên đến cả trăm người, đều là các thanh niên, trai tráng trong vùng. Tiếng kèn, tiếng trống rợp trời.

Vun đắp các giá trị truyền thống

Diễn ra song song với lễ Nginh ông là các trò chơi dân gian như đua ghe trên cạn, thi kéo co, đi cà kheo, thi đập niêu (nồi), thi thả diều, hội thi giao lưu ẩm thực, hội chợ thương mại, triển lãm trưng bày hình ảnh, sách báo, hiện vật giới thiệu về đời sống vật chất, tinh thần của 3 dân tộc anh em kinh – hoa – khmer cùng chung sống trên địa bàn.

Trong những ngày diễn ra lễ hội, còn diễn ra nhiều hoạt động giao lưu, học hỏi. Nội dung chính thường xoay quanh việc trao đổi, phổ biến kinh nghiệm về ngư nghiệp, về thời tiết, về y thuật, cứu nạn trên biển, về nghề lái tàu, nghề đóng tàu, nghề đi lưới...; các kỹ thuật sản xuất ngư lưới cụ phục vụ từng loại hình khai thác đánh bắt; kinh nghiệm, phương pháp chế biến, bảo quản sản phẩm từ biển...

Ngoài ra, lễ hội cũng là dịp người già nhắc nhớ, giáo dục con cháu về “quy điều, quy vạn” như tôn kính cá Ông, biết ơn Bà mẹ biển cả vì đã cho tôm cá... để lớp trẻ có những cách ứng xử sao cho phù hợp với đại dương. Thậm chí, có những ứng xử đạo đức được xem như một quy định bất thành văn như: “Khi thấy tín hiệu của ngư phủ bị nạn, hoặc ngư thuyền, ngư cụ bạn gặp sự cố trên biển, các tàu bạn phải cứu giúp kéo vào bờ. Nếu không thực hiện thì bị khai trừ vĩnh viễn ra khỏi vạn chài”.

Lễ hội Nghinh Ông cũng thường biểu dương những gương mặt tiêu biểu của làng hay của vạn chài trong một năm như: Đánh bắt giỏi, bội thu, giới thiệu cách làm mới trong kinh doanh nghề biển, giới thiệu việc cải cách các phương tiện cơ sở vật chất để đánh bắt xa bờ. Ngoài ra lễ hội còn là nơi tiếp thị, maketing cho những dịch vụ biển một cách hợp lý và có tổ chức.

Diện mạo của lễ hội Nghinh Ông cũng phần nào phản ánh trạng thái tâm lý, hơi thở của cộng đồng. Nếu bội thu, thắng lợi thì lễ cúng Ông, việc vui chơi, tiệc tùng hồ hởi, thoải mái, khách mời đông đảo. Nếu mất mùa, rủi ro, gặp thiên tai thì phần hội thu nhỏ, phần lễ là chủ yếu...

Thời thế xoay vần, xã hội phát triển, lễ hội Nghinh Ông cũng dần có nhiều thay đổi, như nặng về phần hội hơn phần lễ, các yếu tố mê tín giảm dần, chỉ giữ lại phần nghi thức truyền thống. Song không phải vì thế mà niềm tin tâm linh về “những ông vua biển cả” của người dân giảm bớt. Bởi đơn giản, niềm tin ấy được kết tinh, hun đúc qua nhiều thế hệ. Âu đó cũng là “sợi dây thần thánh” để một lễ hội mang đậm sắc màu văn hóa miền biển như Nghinh Ông tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí ẩn tục thờ cá ở Bạc Liêu