Sau khi uống nhầm thuốc cai nghiện, bé trai 4 tuổi ở Thái Nguyên đã bị nguy kịch tính mạng, bé nhập Bệnh viện A Thái Nguyên trong tình trạng rất nặng, phải thở máy và hôn mê sâu.
Thông tin từ Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết, khoảng 16h30 ngày 16/8, cháu L.H.N .(4 tuổi, ở huyện Phú Lương) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, suy hô hấp nặng, tím tái.
Theo lời kể của người nhà, trong gia đình có người thân đang điều trị cai nghiện bằng methadone, thường để thuốc trong tủ lạnh. Bé không phân biệt được nước giải khát và methadone nên đã uống nhầm.
Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, đặt nội khí quản, bóp bóng và chuyển máy thở xâm nhập, rửa dạ dày, truyền và tiêm thuốc giải độc cho cháu bé.
Với nhiều biện pháp tích cực, sau 2 giờ cấp cứu, cháu bé đã cai được máy thở.
Bác sĩ Nguyễn Thị Yến - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết, hầu hết các trường hợp ngộ độc methadone đều dẫn đến tử vong. Nhiều trường hợp cứu được nhưng mất não, phải sống thực vật. Tuy nhiên, trường hợp cháu bé này may mắn được phát hiện và đưa đến bệnh viện kịp thời.
Hiện, cháu bé vẫn tiếp tục được theo dõi, cho thở oxy, tiêm và truyền thuốc giải độc.
Các bác sĩ khuyến cáo, tai nạn ngộ độc thường xảy ra ở trẻ em dưới 6 tuổi. Trẻ ở độ tuổi này có bản năng tò mò, thích ăn hoặc uống những gì nhìn thấy hấp dẫn hay mang màu sắc sặc sỡ có sẵn ở gia đình. Do vậy cha mẹ cần chú ý bảo quản thuốc để tránh những tai nạn thương tâm.
Trên thực tế đã có nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị ngộ độc phải nhập viện từ sự chủ quan của gia đình như ngộ độc do ăn, uống nhầm thuốc diệt chuột, ngộ độc thuốc uống do trẻ tự lấy thuốc sử dụng...
Khi nghi ngờ trẻ bị ngộ độc, cha mẹ phải quan sát kỹ xung quanh để tìm những vật nghi ngờ gây độc và liên hệ điện thoại đến bệnh viện để được hướng dẫn cách sơ cứu thích hợp. Khi đưa trẻ đến bệnh viện, phải đem theo những vật nghi ngờ gây độc.
Cách xử trí khi trẻ bị ngộ độc: Phụ huynh nên gọị cấp cứu hoặc nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Gây nôn cho trẻ, cần khích thích cho trẻ càng ói nhiều càng tốt để tống hết thức ăn, thuốc ngộ độc ra ngoài, và có thể kích thích bằng cách ngoái nhẹ họng, hoặc cho uống nước muối loãng, nước muối loãng pha 2 muỗng canh muối trong 1 cái ly. Không áp dụng gây nôn trong ngộ độc axit, kiềm, xăng dầu.