Lao động khu vực hành chính, sự nghiệp công có vai trò quan trọng đặc biệt trong việc hoạch định chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý nền kinh tế - xã hội, nhưng chính sách tiền lương lại quá bất cập trong thời gian dài.
Bởi vậy, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, ngày 21/5/2018, đã chỉ rõ: “Chính sách tiền lương khu vực công còn phức tạp... còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động”.
Từ đây, Nghị quyết khẳng định, “Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia định người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực...”. Vì vậy, việc cải cách chính sách tiền lương khu vực công nhất quyết phải bám chắc nội dung cơ bản của Nghị quyết và yêu cầu của chính sách tiền lương.
Theo Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, có bảo đảm được các chức năng của tiền lương thì cải cách chính sách tiền lương mới thực sự có ý nghĩa. Chức năng đầu tiên, tiền lương phải là thước đo giá trị của sức lao động và phản ảnh giá trị sức lao động. Chức năng thứ hai là tái sản xuất sức lao động, Chức năng thứ ba là kích thích lao động, Chức năng cuối cùng là tích lũy, để dành.
Ts. Bùi Ngọc Thanh cho rằng, nội hàm của mức lương tối thiểu đã được minh định khá rõ ràng, được luật hóa và đang phát huy hiệu quả tích cực. Còn mức lương cơ sở hiện nay chưa rõ nội hàm như thế nào, nhưng thực tế đã phát sinh tiêu cực khá rõ.
Một trong những hậu quả là, cán bộ, công chức bỏ việc, chuyển việc mà nguyên nhân đầu tiên là do tiền lương không đủ sống. Giá trị sức lao động của cán bộ, công chức, viên chức - những người được đào tạo bài bản, có hệ thống cả chuyên môn, nghiệp vụ và cả chính trị, hành chính, trong đó nhiều người chí thú với công việc nhưng mức lương cơ sở hiện thấp thua xa so với mức lương tối thiểu của lao động thị trường.
Theo khảo sát, đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì ngay từ tháng 4/2018 (khi chưa có đại dịch Covid-19), mức lương tối thiểu của lao động thị trường cũng mới chỉ bảo đảm được 80% mức sống tối thiểu của người lao động.
Điều này cũng có nghĩa mức sống tối thiểu của cán bộ, công chức (cùng tiêu dùng trên một thị trường hàng hóa với lao động thị trường) còn thấp hơn nhiều... Do đó, cải cách chính sách tiền lương lần này cũng phải góp phần xử lý có hiệu quả tồn tại này, khẳng định giá trị đích thực của lao động chất xám của cán bộ, công chức khu vực hành chính, sự nghiệp công.
Quy định mức lương cụ thể thay cho hệ số lương là vấn đề cơ bản nhất của cải cách chính sách tiền lương mà Nghị quyết 27-NQ/TW đã xác định. Mức lương cụ thể trong các bảng lương sẽ góp phần đắc lực xử lý, giải tỏa được nhiều tồn tại, bất cập đã chỉ ra hiện nay.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, để thực hiện cải cách tiền lương mang tính khả thi và đạt hiệu quả theo tinh thần của Kết luận 62, Bộ Chính trị đặt ra thì trước tiên cần phải xem xét đặc thù của các đơn vị sự nghiệp công nhằm mục tiêu đảm bảo tiền lương được phân phối theo đúng năng lực công tác, quá trình đào tạo, khả năng cống hiến và đảm bảo đúng nguyên tắc phân phối theo lao động và xếp lương theo vị trí việc làm.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, thực hiện cải cách chính sách tiền lương trong bối cảnh hiện nay sẽ là giải pháp toàn diện, khả thi để phòng chống tham nhũng. Vì vậy cần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, trong đó, các đơn vị cần xây dựng cho được vị trí việc làm, quản trị nhân lực hợp lý.
Cần tính toán các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả thị trường. Quá trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương phải đồng bộ với quá trình cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, kinh tế số, để giảm tối đa lao động thủ công tăng năng suất lao động.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội coi quyết định chính sách về cải cách tiền lương là vấn đề đại sự của đất nước, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tinh thần cải cách tiền lương theo nguyên tắc mức lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng. Đây cũng là một trong những chính sách người lao động đặc biệt quan tâm, làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, ổn định nguồn nhân lực trong khu vực công. Cải cách tiền lương là việc không thể không làm.
Tin rằng, khi đã có cả điều kiện cần và đủ, chính sách cải cách tiền lương lần này sẽ gắn liền với chất lượng, với trách nhiệm của cán bộ, công chức, sẽ thực sự tạo được động lực lớn đối với sự đổi mới hoạt động hiệu quả của bộ máy.