Kinh tế

Báo chí và doanh nghiệp: Xây dựng quan hệ hợp tác, trách nhiệm và bền vững

Dương Dũng 24/10/2024 15:03

Báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ biện chứng đa chiều, vừa phản biện vừa tương hỗ gắn bó.

Phát biểu tại Diễn đàn Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc 2024 do VCCI và Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức, ông Lê Quốc Minh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: diễn đàn năm nay có chủ đề “Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí” rất thiết thực trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới biến động nhanh, có nhiều diễn biến phức tạp đòi hỏi phải hiểu đúng, truyền thông đúng, kịp thời, chính xác và toàn diện.

z5961612967380_c91e6e3240803569445c63480626f506.jpg
Quang cảnh Diễn đàn.

Ông Lê Quốc Minh đánh giá, trong thời gian qua, báo chí có nhiều đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua báo chí, người tiêu dùng biết đến thương hiệu Việt và sản phẩm của doanh nghiệp trong nước nhiều hơn, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, tình yêu, sự tin dùng với hàng Việt Nam, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp nước nhà.

img_0269(1).jpg
Ông Lê Quốc Minh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Dương Dũng).

Báo chí cũng là kênh phản ánh những thông tin từ xã hội và người tiêu dùng trong nước với doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường đầy đủ, điều chỉnh chính sách kinh doanh và ra quyết định phù hợp.

Ở góc độ khác, báo chí đã và đang là cầu nối hiệu quả, kịp thời cho doanh nghiệp và Nhà nước. Thông qua các thông tin phản ánh trên báo chí, các cơ quan chức năng có thêm kênh thông tin lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp một cách kịp thời, toàn diện hơn.

Không chỉ là kênh tuyên truyền chính sách mới của Nhà nước, báo chí với vai trò ghi nhận thông tin doanh nghiệp cũng ngược trở lại trở thành là tiếng nói độc lập giúp doanh nghiệp phản hồi chính sách, nói lên nguyện vọng và thực tế của mình. Với vai trò đó, báo chí đã và đang là kênh thông tin hữu hiệu cho nền kinh tế, giúp chính sách của Nhà nước theo kịp diễn biến của nền kinh tế hiệu quả hơn.

“Mối quan hệ biện chứng đa chiều trên, quan hệ báo chí và doanh nghiệp là quan hệ vừa phản biện vừa tương hỗ gắn bó” - ông Lê Quốc Minh chia sẻ.

Trong mọi thời điểm, mối quan hệ giữa báo chí - doanh nghiệp luôn là quan hệ đồng hành, cùng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế còn tồn tại, ông Lê Quốc Minh đề cập nhiều bài báo về doanh nghiệp còn thiếu tính chuyên sâu, phân tích sâu sắc về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến thông tin về doanh nghiệp đến thị trường không đầy đủ, đôi khi còn có sai lệch.

Báo chí cũng chưa khai thác hết tiềm năng của mình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa báo chí và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền.

Trong khi đó, do có nhiều cách thức khác để tiếp cận người dùng, không ít doanh nghiệp dần xem nhẹ vai trò của báo chí, thậm chí “bỏ quên” báo chí trong các chiến dịch truyền thông thương hiệu. Thực tế, nếu báo chí chính thống gặp khó khăn, bị suy yếu, chính doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

img_0258(1).jpg
Ông Lê Quốc Minh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Dương Dũng).

Tại Diễn đàn, ông Lê Quốc Minh đề nghị các ý kiến thảo luận từ lãnh đạo các cơ quan báo chí, doanh nghiệp, các nhà khoa học làm sâu sắc hơn một số vấn đề.

Một là, báo chí đóng vai trò gì trong việc thông tin về nền kinh tế, doanh nghiệp và thu hút đầu tư?

Hai là, làm thế nào để xây dựng một mối quan hệ hợp tác bền vững, tin cậy giữa báo chí và doanh nghiệp?

Ba là, làm thế nào để nâng cao tính chính xác, khách quan, kịp thời của thông tin kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí? Làm thế nào để giải quyết vấn đề thông tin sai lệch, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và báo chí? Công tác đào tạo nghiệp vụ thông tin kinh tế cho phóng viên, nhà báo trong nền kinh tế số hiện nay.

Tại Diễn đàn Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024, Nhà báo – Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Minh Phong đã có bài phát biểu quan trọng về chất lượng thông tin báo chí trong lĩnh vực kinh tế.

Theo đó, ông Phong đã nhấn mạnh rằng báo chí không chỉ truyền tải thông tin mà còn đóng vai trò chủ động trong việc phản biện, định hướng và hỗ trợ chính sách kinh tế, tạo động lực cho phát triển doanh nghiệp.

img_9911(1).jpg
Nhà báo – Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Minh Phong phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Dương Dũng).

Về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí trong đời sống kinh tế, ông Phong nhấn mạnh rắng báo chí không chỉ là sản phẩm thông tin phản ánh các sự kiện trong xã hội, mà còn góp phần định hình đời sống kinh tế thông qua việc phản biện chính sách và đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ông Phong cho rằng: “Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ đồng hành cùng phát triển”. Báo chí hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu và tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng, đồng thời cung cấp thông tin giúp nhà nước hoàn thiện chính sách quản lý. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: “Một bài báo có thể giúp một doanh nghiệp thành công, nhưng cũng có thể làm sụp đổ cả một thương hiệu nếu thông tin không được kiểm chứng cẩn thận”.

Cũng tại Diễn đàn, PGS TS Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã có bài tham luận nhấn mạnh tầm quan trọng của báo chí đối với sự lớn mạnh và phát triển của các doanh nghiệp.

img_9937.jpg
PGS. TS Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tham luận tại Diễn đàn. (Ảnh: Dương Dũng).

Theo đó, báo chí đóng vai trò thiết yếu như nguồn cung cấp thông tin về thị trường, tình hình đầu tư, các xu hướng kinh tế và dự báo kinh tế vĩ mô. Nhất là trong bối cảnh thông tin trở thành "đầu vào" quan trọng đối với doanh nghiệp, khi các sự kiện diễn ra nhanh chóng, bất ngờ và khó đoán định.

Báo chí không chỉ là kênh để phản ánh hoạt động kinh doanh, thành tựu và khó khăn của doanh nghiệp mà còn là nơi cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, báo chí còn đóng vai trò như một cầu nối giữa doanh nghiệp với khách hàng, nhà đầu tư và đối tác, góp phần thúc đẩy sự vận động các nguồn lực quan trọng như vốn, lao động và công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng.

Đánh giá chất lượng thông tin kinh tế và hoạt động doanh nghiệp trên báo chí ngoài giúp quản trị, còn góp phần lành mạnh hóa mối quan hệ báo chí – kinh tế, báo chí – doanh nghiệp là ý kiến trong tham luận của TS Đỗ Anh Đức - Nhóm nghiên cứu Bộ chỉ số VCCI tại Diễn đàn Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc 2024 do VCCI và Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức.

Theo TS Đỗ Anh Đức, thông tin kinh tế là những nội dung thông tin liên quan đến mọi mặt của lĩnh vực kinh tế, từ hoạt động sản xuất klinh doanh, dịch vụ, thị trường, phân phối cho đến chính sách, quản lý, điều hành nền kinh tế.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, vai trò của thông tin đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước là rất quan trọng. Thông tin giúp các doanh nghiệp, cá nhân thu thập, xử lý, sử dụng thông tin một cách chính xác, nhanh chóng, hiệu quả, đồng thời tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, kết nối với khách hàng, đối tác một cách dễ dàng.

img_9942(1).jpg
TS Đỗ Anh Đức - Nhóm nghiên cứu Bộ chỉ số VCCI tham luận tại Diễn đàn. (Ảnh: Dương Dũng).

Thông tin kinh tế và thông tin về hoạt động doanh nghiệp là một lĩnh vực không thể thiếu trên báo chí, bao gồm cả báo chí chuyên và không chuyên sâu về kinh tế. Với đặc thù của lĩnh vực này, thông tin kinh tế và hoạt động doanh nghiệp có tác động trực tiếp, nhanh chóng và thậm chí ngay lập tức đến các vấn đề về chính sách, chiến lược quản lý vĩ mô và vi mô của nền kinh tế.

Do vậy, hiểu và đánh giá được chất lượng thông tin trong lĩnh vực kinh tế là yêu cầu cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí kinh tế, đồng thời tăng cường hiệu quả kết nối, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Tham luận tại "Diễn đàn Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc 2024", PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đề cập 4 thách thức trong bối cảnh kinh tế số và báo chí số mà các cơ quan báo chí, các nhà báo viết về kinh tế đối mặt.

img_9979(1).jpg
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tham luận tại Diễn đàn. (Ảnh: Dương Dũng).

Các thách thức mà PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng đề cập gồm: cạnh tranh khốc liệt, áp lực cập nhật thông tin nhanh chóng; kiểm chứng thông tin; tin giả và thách thức từ công chúng với việc thay đổi hành vi đọc, nghe, xem của mình.

Từ thực tế đó, các cơ quan báo chí và các nhà báo viết về kinh tế cần quan tâm đến khái niệm mới nhưng cần thiết. Đó là năng lực báo chí kinh tế - tổng hợp các kiến thức, kỹ năng, thái độ và giá trị mà nhà báo cần có để thực hiện tốt công việc trong lĩnh vực kinh tế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Chia sẻ tại phiên thảo luận, bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, báo chí - doanh nghiệp là mối quan hệ tương hỗ không thể tách rời, vì vậy, cần đưa ra các giải pháp để duy trì mối quan hệ này một cách đồng thuận, tích cực phục vụ cho việc thông tin tuyên truyền những giá trị tốt đẹp của xã hội, của đất nước.

img_0283(1).jpg
Bà Đặng Thị Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông thảo luận tại Diễn đàn. (Ảnh: Dương Dũng).

Vì vậy, bên cạnh việc sử dụng các phóng viên của mình nên sử dụng hệ thống chuyên gia thẩm định, phản biện,… cùng với đó là tính minh bạch, xác thực thông tin về kinh tế trên tờ báo một cách khách quan, bởi chỉ cần một thông tin sai lệch có thể dẫn đến hậu quả vô cùng lớn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tòa soạn cần tăng cường sự tương tác với bạn đọc để có những thông tin khai thác đề tài đúng với tôn chỉ, cũng như có những kiến thức phản biện.

Còn với doanh nghiệp, cần được trang bị kiến thức cho doanh nghiệp trong vấn đề tiếp xúc với báo chí, để từ đó có thể đưa ra các giải pháp phù hợp, hợp tác với báo chí để cung cấp các thông tin chính thống, chính xác. Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp trên hệ thống về tôn chỉ của các tờ báo, quy chuẩn về giấy giới thiệu tác nghiệp, vì vậy doanh nghiệp có thế truy cập vào để có thể tham khảo.

Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng đang xây dựng các chỉ tiêu, danh sách Blacklist và Whitelist để các doanh nghiệp có thể lựa chọn để hợp tác.

Phát biểu kết luận Diễn đàn, ông Phan Xuân Thuỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định rằng báo chí là một trong những cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp với xã hội và người tiêu dùng; cầu nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với Nhà nước, với các cơ quan chức năng. Không chỉ thế, báo chí còn được xem như là người bạn, người dẫn dắt, người góp phần định hướng đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội.

img_0406(1).jpg
Ông Phan Xuân Thuỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận Diễn đàn. (Ảnh: Dương Dũng).

“Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, VCCI cần tiếp tục đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, doanh nhân và đội ngũ báo chí để góp phần bảo vệ, hỗ trợ, phát triển mối quan hệ trong sáng, tích cực, hài hòa, tôn trọng, trách nhiệm giữa báo chí - doanh nghiệp, tránh việc thông tin một chiều, thiếu khách quan, không chuẩn xác có thể tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, gây tổn hại uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp và doanh nhân, đến môi trường kinh doanh cũng như hình ảnh của chính nền báo chí cách mạng Việt Nam” – ông Thuỷ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí và doanh nghiệp: Xây dựng quan hệ hợp tác, trách nhiệm và bền vững