Vấn đề quan tâm

“Bánh vẽ” của tội phạm mua bán người

Đ. Việt 11/07/2023 - 18:13

Với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, các nhóm tội phạm buôn bán người thường lợi dụng không gian mạng để tìm cách tiếp cận nạn nhân, sau đó dụ dỗ, tạo lòng tin bằng những “bánh vẽ” công việc ổn định, việc nhẹ lương cao và đã có nhiều trường hợp rơi vào cạm bẫy.

Lợi dụng không gian mạng tiếp cận “con mồi”

Thời gian qua, Bộ Công an đã chủ trì phối hợp với Công an các địa phương triệt phá nhiều đường dây mua bán người với thủ đoạn tinh vi, giải cứu nhiều nạn nhân bị lừa sang Campuchia lao động làm “việc nhẹ, lương cao” nhưng thực chất là bị cưỡng bức lao động.

Điển hình là chuyên án 523H do Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp với Công an thành phố Hà Nội, Công an tỉnh Lào Cai và Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm rõ hoạt động của nhóm đối tượng có hành vi mua bán người dưới 16 tuổi và môi giới mại dâm liên tỉnh núp bóng massage, karaoke... do nhiều đối tượng điều hành tại nhiều địa phương.

Theo cơ quan công an, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng rất tinh vi; lợi dụng triệt để mạng Internet, các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Telegram)... để tuyển mộ, tổ chức mua bán dâm.

Liên quan đến chuyên án, cơ quan Công an đã khởi tố nhiều đối tượng về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi và môi giới mại dâm và tiến hành giải cứu 3 bị hại gồm: L.N.T.T (sinh năm 2008, trú tại tỉnh Lâm Đồng); N.T.Y.N (sinh năm 2007) và T.B.P.N (sinh năm 2009) cùng trú tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

bi-lua-sang-campuchia.jpg
Một nạn nhân kể lại sự việc khi bị lừa bán sang Campuchia. Ảnh BCA.

Thông qua mạng xã hội, với chiêu thức dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao”, các nhóm tội phạm buôn bán người đánh vào tâm lý của người cần việc, cần tiền để đưa ra nước ngoài, sau đó buộc tham gia vào các công ty hoạt động phạm tội.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại Campuchia.

Các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi từ 18 -35 tuổi, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội (zalo, facebook...) hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu sang Campuchia làm việc nhẹ nhàng, lương cao.

Sau khi qua Campuchia, nạn nhân bị tuyển vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như: đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo...trên không gian mạng; bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước với số tiền từ 3.000 USD đến 30.000 USD. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác nhau.

Thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt

Tại phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người do Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức vào ngày 8/5 vừa qua,, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa dẫn báo cáo của Bộ Công an cho biết: Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm mua bán người diễn ra phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, mang tính vô nhân đạo.

Đồng thời, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước với nước ngoài, được thực hiện bởi các đối tượng chuyên nghiệp...

Cùng với đó, xuất hiện nhiều đường dây phạm tội mua bán người với các thủ đoạn "việc nhẹ, lương cao", tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp trên nước bạn, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn.

Hay lợi dụng thủ tục đơn giản trong việc kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, du lịch, thăm thân... để tổ chức cho nạn nhân ra nước ngoài, sau đó thu giữ giấy tờ, bán sang tay nhiều chủ để cưỡng bức lao động, cưỡng bức mại dâm...

Ngoài ra, còn lợi dụng quy định về hiến ghép tạng, các đối tượng tìm gặp các nạn nhân khó khăn về kinh tế có nhu cầu bán nội tạng, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, sau đó bán cho người bệnh với giá cao.

Đáng lưu ý, mua bán người ở trong nước và mua bán nam giới có xu hướng tăng lên. Bên cạnh đó đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá.

thuong-ta-dao-trung-hieu.jpg
Tiến sĩ, Thượng tá Đào Trung Hiếu

Trao đổi với phóng viên dưới góc nhìn tội phạm, Tiến sĩ, Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học Bộ Công an cho biết, nạn nhân trong các vụ buôn bán người không chỉ là phụ nữ và trẻ em. Họ chủ yếu bị lừa qua việc di cư tự do để tìm kiếm việc làm và bị kẻ xấu lợi dụng vào các mục đích khác nhau.

Theo ông Hiếu, thủ đoạn của các đối tượng buôn bán người là dụ dỗ nạn nhân giúp tìm được công việc ổn định ở tỉnh ngoài hoặc nước ngoài nhàn hạ mà lương lại cao. Kết bạn với nạn nhân qua mạng xã hội Zalo, Facebook… rồi làm quen, mời đi ăn uống, tán tỉnh yêu đương, sau đó mời đi chơi ở các tỉnh vùng biên để mua sắm hàng hóa giá rẻ. Rồi tìm cách đưa nạn nhân bằng đường tiểu ngạch sang bên kia biên giới và bán cho các đối tượng bên kia biên giới.

Ngoài ra, các đối tượng có thể lợi dụng núp dưới danh nghĩa hợp pháp như trao đổi xúc tiến thương mại, môi giới hôn nhân, tổ chức du lịch…để đưa người qua biên giới. Thậm chí, có nhóm đối tượng còn núp dưới chiêu bài mời tham quan du lịch, dự hội thảo quốc tế…để đưa nạn nhân ra khỏi Việt Nam. Khi sang đến nước sở tại, các đối tượng sẽ trở mặt và thu giữ tất cả giấy tờ của nạn nhân để ép họ phải hoạt động mại dâm hoặc bóc lột sức lao động.

Cảnh giác với các mối quan hệ trên mạng

Chia sẻ về kỹ năng phòng chống tội phạm buôn bán người, Thượng tá Hiếu cho biết, hiện nay nhóm tội phạm mua bán người thường “săn mồi” trên không gian mạng, vì vậy cần tuyệt đối không nên đưa hết các thông tin cá nhân của mình lên mạng xã hội, hay những hình ảnh có tính chất khoe khoang sự giàu có của gia đình.

Đặc biệt, nên cảnh giác với những mối quan hệ quen biết trên mạng, nhất là với những người không rõ ràng về nhân thân, công việc, quan hệ xã hội…Thận trọng với trường hợp tuy mới quen biết nhưng đã tỏ vẻ yêu quý mình, mong muốn gặp mặt. Khi chưa thể biết rõ địa chỉ, quan hệ, công việc hiện tại của họ, tuyệt đối không được làm theo những gợi ý, đề nghị của kẻ đó.

“Với những lời rủ rê đi làm ăn xa, công việc thì nhàn hạ nhưng thu nhập lại cao, thì hãy tin rằng đó chính là một cái bẫy đang chờ mình sa chân. Cần hết sức đề cao cảnh giác trước những lời mời gọi, rủ rê đi chơi, thăm quan tại các địa bàn giáp biên của những người lạ, kể cả là người trong họ hàng, nhưng đã rời xa quê hương nhiều năm và hiện không thể biết họ đang làm công việc gì”. Thượng tá Hiếu cảnh báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bánh vẽ” của tội phạm mua bán người