Sự kiện nam diễn viên, người mẫu Duy Nhân và nữ DJ trẻ qua đời sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác không chỉ gây chấn động làng giải trí, mà còn là một trong những sự kiện có ảnh hưởng lớn trong ngành y tế tuần qua.
Mời quý độc giả cùng nhìn lại một số sự kiện y tế trong nước và quốc tế nổi bật tuần từ 04/5 - 10/5/2015:
1. Người mẫu Duy Nhân qua đời vì ung thư máu
Nam diễn viên, người mẫu Duy Nhân qua đời do bị dung thư máu.
Sau một thời gian dài điều trị căn bệnh ung thư máu, nam diễn viên, người mẫu Duy Nhân cùng gia đình đã quyết định tiến hành phẫu thuật ghép tủy của em trai.
Tuy nhiên, mức độ phù hợp của em trai Duy Nhân và anh chỉ là 50%. Trong quá trình phẫu thuật, Duy Nhân rơi vào trạng thái hôn mê và xuất huyết não. Anh trút hơi thở cuối cùng vào 0h30 ngày 07/5 sau 6 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư máu quái ác.
Theo các bác sĩ chuyên khoa ung bướu, ung thư máu hay còn gọi là ung thư bạch cầu - bệnh bạch cầu có triệu chứng rất khó phát hiện. Đây là một căn bệnh ung thư ác tính và khó có khả năng chữa trị, thường khi đưa bệnh nhân tới bệnh viện thì bệnh đã trở nặng.
2. Nữ DJ xinh đẹp qua đời ở tuổi 19 vì ung thư đại tràng
Nữ DJ xinh đẹp Nguyễn Thị Huỳnh Hương
Tháng 1 vừa qua, thông tin về Nguyễn Thị Huỳnh Hương (nghệ danh: DJ Pe Ty, sinh năm 1996, người Sài Gòn) mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các đồng nghiệp và cộng đồng mạng.
Sau 5 tháng điều trị tại bệnh viện 175 (TP. HCM), khoảng 21h ngày 03/5, Huỳnh Hương qua đời tại nhà riêng. Trước đó, nhiều chương trình ca nhạc từ thiện được tổ chức nhằm gây quỹ giúp đỡ, tiếp thêm sức mạnh cho nữ DJ.
Bệnh ung thư đại tràng đang trở thành một trong những nguy cơ gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Tuy nhiên cho đến nay người ta vẫn chưa thể tìm ra được nguyên nhân chính gây ra ung thư đại tràng nhưng nó có sự liên hệ mật thiết với chế độ ăn uống của chúng ta.
3. Hơn 20.000 bệnh nhân tan máu bẩm sinh đang cần được điều trị
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Chủ tịch Hội tan máu bẩm sinh Việt Nam, Thalassemia là một trong các bất thường di truyền phổ biến nhất thế giới.
Hiện có khoảng 7% dân số thế giới mang gen bệnh tan máu bẩm sinh. Bệnh phân bố khắp toàn cầu, tỷ lệ cao ở vùng Địa Trung Hải, Trung Đông, châu Á – Thái Bình Dương.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh và mang gen bệnh cao với ước tính có trên 10 triệu người mang gen bệnh, hơn 20.000 bệnh nhân tan máu bẩm sinh đang cần được điều trị. Mỗi năm, nước ta ước tính có khoảng hơn 2.000 trẻ sinh ra mang gen bệnh.
4. Uống nước trong lọ tăm, bé trai 17 tháng tuổi tử vong
Ngày 09/5, tại Nghệ An đã xảy ra một vụ ngộ độc, khiến một em nhỏ 17 tháng tuổi bị tử vong. Trước đó, trong lúc cầm lọ đựng tăm chứa dung dịch được cho là có chứa thuỷ ngân trang trí chơi, cháu H. đã làm rơi vỡ lọ tăm.
Cháu H. đã uống dung dịch trong lọ tăm chảy ra ngoài và bị hôn mê, toàn cơ thể tím tái.
Khi phát hiện cháu H. nằm bất động trên sàn nhà, người nhà anh H. đã đưa cháu xuống Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cấp cứu. Tuy nhiên, do bị ngộ độc nặng, cháu H. được người nhà chuyển ra Hà Nội nhưng đã tử vong trên đường đi.
5. Trà Đài Loan chứa dư lượng lớn thuốc trừ sâu
Tính tới ngày 06/5, cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (Trung Quốc) đã thu hồi khoảng 35,7 tấn trà sau khi phát hiện một số sản phẩm của chuỗi cửa hàng bán trà nổi tiếng ở hòn đảo này nhiễm thuốc trừ sâu.
Cùng ngày, cơ quan này thông báo đã lấy mẫu 388 sản phẩm trà của chuỗi cửa hàng trà Stornaway và phát hiện 33 mẫu chứa dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép.
Việc phát hiện và thu hồi sản phẩm của chuỗi cửa hàng Stornaway tại Đài Loan bắt đầu từ trung tuần tháng 4 vừa qua, khi cơ quan chức năng tại khu vực Đài Nam (miền nam Đài Loan) phát hiện một số sản phẩm trà của chuỗi cửa hàng này chứa dư lượng thuốc trừ sâu DDT vượt mức cho phép. Theo đó, cả 3 sản phẩm đang bán chạy là trà Earl Grey (trà hương xạ), Ceylon (trà Tích lan) và Darjeeling (trà đen) của Stornaway đều chứa dư lượng thuốc trừ sâu.
6. Ăn quá nhiều kẹo cao su, một thiếu nữ tử vong
Theo BBC ngày 5-5 đưa tin, Samantha Jenkins, 19 tuổi, qua đời hồi tháng 6 /2011, sau vài ngày nhập viện với triệu chứng ban đầu là co giật và hôn mê. Trước đó vài tuần, Samatha thường xuyên cảm thấy không được khỏe và đau đầu. Mẹ của Samantha cho biết đã phát hiện được hàng trăm thanh kẹo cao su trong túi, ngăn kéo và tủ của con gái mình.
Theo công bố mới đây của các nhà điều tra cho rằng, có thể cô bị ngộ độc aspartame hoặc sorbitol - dạng chất tạo vị ngọt trong kẹo cao su, bởi cô ăn tới 14 chiếc kẹo cao su mỗi ngày, tương đương với việc tiêu thụ 16,8 gram chất làm ngọt nhân tạo.
Theo các chuyên gia, mức độ chất khoáng như: canxi, magie, muối và kali trong cơ thể của cô gái quá thấp do sự khó thẩm thấu chất khoáng - hậu quả để lại của việc ăn quá nhiều kẹo cao su.