Thái Bình: Cát tặc ngang nhiên “đại náo” sông Hồng

V.Giang-P.Linh| 24/07/2019 15:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù đã hết thời hạn được khai thác cát tại mỏ cát thuộc thôn Đa Cốc, xã Bình Thanh (Kiến Xương, Thái Bình), nhưng thời gian qua, một công ty chuyên khai thác cát vẫn ngang nhiên cho hàng chục tàu cỡ lớn ngày đêm “rút ruột” sông Hồng gây sạt lở bờ bãi.

Ngày đêm “đại náo” sông Hồng

Thời gian gần đây, người dân sống trên địa bàn xã Bình Thanh, huyện Kiến Xương (Thái Bình) liên tục phản ánh về việc khúc sông thuộc vùng chuyển đổi bãi ngoài thôn Đa Cốc (đối diện bên sông là thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, Nam Định) xuất hiện nhiều tàu cỡ lớn, máy móc, vòi bạch tuộc ngày đêm công khai khai thác cát trái phép nhưng không hề bị cơ quan chức năng xử lý.

Ông Lê Văn Dương, người dân thôn Đa Cốc cho biết, hàng ngày có đến vài chục chiếc thuyền cỡ lớn vươn vòi bạch tuộc xuống lòng sông Hồng để hút cát. Máy móc thi nhau gầm rú suốt ngày đêm khiến bà con không khỏi lo lắng vì tài sản, hoa màu cứ theo dòng nước cuốn đi vì sạt lở.

“Họ mua lại cát của một công ty chuyên khai thác cát (chúng tôi đang xác thực tên công ty từ cơ quan chức năng-PV) sau đó tự mang máy móc ra hút rồi đi tiêu thụ. Vì không có sự quản lý nên người ta hút vô tội vạ, cắm những chiếc vòi to như cây chuối vào tận đến chân bờ, bãi của chúng tôi để hút khiến sói lở, hoa màu, cây cối từ đó mà đổ hết xuống sông, trôi theo dòng nước”, ông Dương nói.

Thái Bình: Cát tặc ngang nhiên “đại náo” sông Hồng

Mỗi ngày hàng chục chiếc thuyền cỡ lớn thi nhau tận diệt tài nguyên, "rút ruột" sông Hồng khiến người dân không khỏi bức xúc

Có mặt trên khúc sông Hồng (đoạn thuộc xã Bình Thanh) trong nhiều ngày qua, PV ghi nhận tại đây, hàng ngày nhiều chiếc thuyền có tải trọng khoảng vài chục đến hàng trăm tấn dàn hàng ngang, sử dụng cả chục ống hút, chọc thẳng xuống lòng sông Hồng, thi nhau hút cát, tận diệt nguồn tài nguyên.

Trong vai một người có nhu cầu mua cát, PV tiếp cận được với các chủ tàu hút cát. Sau khi tìm hiểu, nhiều chủ tàu cho biết họ mua lại cát của một công ty khai thác cát, chi nhánh tại Thái Bình (trụ sở chính tại Hà Nội) với giá 40 nghìn đồng/m3.

Thái Bình: Cát tặc ngang nhiên “đại náo” sông Hồng

Nhiều chủ tàu cho biết, sau khi khai thác đầy thuyền, công ty sẽ cho người đi thuyền nhỏ ra và thu tiền cát ngay trên sông với mức giá 40 nghìn đồng/m3

“Cứ 40 nghìn/m3, chúng tôi hút bao nhiêu thì công ty này cứ theo đơn giá đấy mà nhân lên lấy tiền. Hút xong thì có một thuyền của công ty ra kiểm đếm rồi thu tiền luôn trên sông, không cần phải giấy tờ gì hết”, một chủ thuyền cho biết.

Theo ghi nhận, hàng chục con tàu có trọng tải lên tới cả trăm tấn sau khi “ăn hàng” đầy khoang thì nhanh chóng chạy về phía cống Cồn Nhất (thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, Nam Định) để đi tiêu thụ hoặc tập kết tại các bãi ven sông quanh khu vực thị trấn Ngô Đồng.

Chính quyền huyện "bất lực" trước cát tặc

Theo tìm hiểu của PV được biết, ngày 30/12/2016 UBND tỉnh Thái Bình cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 32/GP-UBND cho công ty nêu trên khai thác khoáng sản cát lòng sông Hồng bằng phương pháp bơm hút tại khu vực mỏ cát xã Bình Thanh (huyện Kiến Xương, Thái Bình) với diện tích khai thác 11,1 ha; mức sâu khai thác âm 4m; chế độ khai thác 8 tháng/năm; trữ lượng khai thác 487.199 m3; công xuất 250.000 m3/năm và thời hạn khai thác là 1 năm 10 tháng kể từ ngày ký giấy phép.

Thái Bình: Cát tặc ngang nhiên “đại náo” sông Hồng

Các tàu cắm nhiều vòi bạch tuộc to như cây chuối xuống lòng sông Hồng để hút, sau đó sẽ được sàng lọc để lấy cát đen, còn rác đổ lại xuống sông

Như vậy, theo giấy phép khai thác khoáng sản công ty này đã hết thời hạn khai thác tại mỏ cát Bình Thanh từ tháng 10/2018. Thế nhưng, thời gian qua công ty này vẫn ngang nhiên cho hàng chục tàu công suất lớn ngày đêm khai thác cát trái phép tại thôn Đa Cốc gây sạt lở bờ, bãi khiến người dân hết sức bức xúc.

Trước đó, ngày 24/5/2019, UBND tỉnh Thái Bình đã có chỉ thị số 10/CT-UBND về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tập kết cát trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép khoáng sản nhưng vi phạm quy định của giấy phép khai thác khoáng sản và các trường hợp khai thác cát trái phép, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ không rõ nguồn gốc; tiến hành cưỡng chế, giải toả các bến bãi không nằm trong quy hoạch bến bãi trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông.

Liên quan đến sự việc hàng chục tàu hút cát ngày đêm ngang nhiên lộng hành trên địa bàn cả một thời gian dài, trao đổi với PV Báo Công lý, đại diện UBND huyện Kiến Xương cho biết, phía huyện đã kiểm tra và có phát hiện một số tàu hút cát trái phép trên địa bàn xã Bình Thanh. Tuy nhiên, phía UBND huyện Kiến Xương không đủ khả năng, phương tiện để có thể bắt và xử lý các tàu hút cát trái phép và chỉ biết báo cáo lên cấp trên.

“Mỗi lần phát hiện tàu hút cát trái phép, chúng tôi chỉ biết báo cáo Sở TNMT tỉnh Thái Bình và Cảnh sát Đường thủy hỗ trợ xử lý chứ riêng chúng tôi thì không làm nổi”, vị này nói. “Chủ tịch UBND huyện cũng rất bức xúc về vấn đề này và cũng đã trực tiếp kiểm tra nhiều lần”.

Thái Bình: Cát tặc ngang nhiên “đại náo” sông Hồng

Sau khi khai tác, các tàu nhanh chóng mang cát về tập kết ở cống Cồn Nhất (Giao Thủy, Nam Định) sau đó mang đi tiêu thụ

Khi được PV Báo Công lý hỏi về việc lực lượng chức năng của huyện đã xử lý các tàu hút cát trái phép hoặc các đối tượng hút cát như thế nào, vị đại diện thẳng thắn cho biết: “Giấy phép do tỉnh cấp, chúng tôi chỉ biết nhận thông báo từ xã thì báo lên trên tỉnh. Không có ca-nô, phương tiện và mỗi khi cảnh sát xuống đến nơi thì các tàu hút cát đã rời đi nơi khác, huyện gần như bất lực”.

Ngày 12/7/2019, UBND huyện Kiến Xương có văn bản số 523/UBND-TNMT “Về việc tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển, tập kết cát” gửi UBND các xã, thị trấn trên địa bàn”. Trong văn bản này, UBND huyện khẳng định sẽ truy trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng trên. 

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Bình: Cát tặc ngang nhiên “đại náo” sông Hồng