Hồ sơ vụ án

Tòa án xét xử vắng mặt – Tội phạm tham nhũng trốn cũng không thoát: Bài 3: Trốn cũng không thoát được sự trừng phạt của pháp luật

Biên Thùy-Mạnh Hùng 30/08/2023 08:00

Việc Tòa án quyết định đưa vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các đồng phạm ra xét xử đã giải quyết vụ án được triệt để, kịp thời, góp phần tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nhanh chóng thu hồi tài sản cho Nhà nước.

PV Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn với Thẩm phán Mai Anh Tài, Chánh Tòa Kinh tế - TAND cấp cao tại Hà Nội, Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để có cái nhìn rõ hơn về công tác xét xử vụ án, trong đó có việc xét xử vắng mặt bị cáo bỏ trốn.

Phóng viên: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, Tòa án quyết định đưa vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai ra xét xử khi có 8 bị cáo bỏ trốn và đang bị truy nã là một quyết định chưa có tiền lệ. Với vai trò là Chánh Tòa Kinh tế, Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, ông có đánh giá gì về quyết định này?

Thẩm phán Mai Anh Tài: Đây là quyết định chưa có tiền lệ, vì căn cứ vào kết quả điều tra đủ căn cứ kết luận các bị cáo bỏ trốn có hành vi phạm tội phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Hành vi phạm tội của các bị cáo bỏ trốn liên quan đến các bị cáo khác trong vụ án, nên Tòa án có đủ căn cứ xét xử vắng mặt 8 bị cáo đã bỏ trốn theo quy định, đồng thời, Tòa án đã xem xét đầy đủ quyền được bào chữa của bị cáo tại phiên tòa, thông qua luật sư do Tòa án chỉ định hoặc chấp nhận việc thân nhân của các bị cáo nhờ người bào chữa.

Điều này đã bảo đảm việc giải quyết vụ án được triệt để, kịp thời, góp phần tích cực trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và nhanh chóng thu hồi tài sản cho Nhà nước.

mai_anh_tai.jpg
Thẩm phán Mai Anh Tài, Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm vụ án sai phạm tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Mạnh Hùng

Phóng viên: Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này trong quy định của pháp luật?

Thẩm phán Mai Anh Tài: Các bị cáo đã bỏ trốn từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thông báo và yêu cầu các bị cáo trên ra trình diện, đầu thú nhưng các bị cáo không ra trình diện, đầu thú nên đã ra quyết định truy nã đối với các bị cáo.

Các bị cáo này vắng mặt trong suốt quá trình điều tra, truy tố nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ theo quy định pháp luật và ban hành Kết luận điều tra; Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã ban hành Cáo trạng và cùng kết luận có đủ cơ sở để truy tố, đưa ra xét xử đối với các bị cáo nêu trên về hành vi phạm tội của các bị cáo mà không ban hành quyết định tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án đối với các bị cáo vắng mặt theo quy định tại các Điều 229, 247 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tại giai đoạn xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã thực hiện đầy đủ các thủ tục cấp tống đạt văn bản tố tụng đối với các bị cáo này và đảm bảo quyền bào chữa cho các bị cáo theo đúng quy định pháp luật. Nhưng tại phiên tòa, các bị cáo này vẫn vắng mặt, nên Tòa án vẫn xét xử vắng mặt các bị cáo bỏ trốn, bị truy nã theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Phóng viên: Bảo đảm quyền của các bị cáo khi bị xét xử vắng mặt là một yếu tố rất quan trọng. Tòa án đã thực hiện điều này như thế nào trong vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn, thưa ông?

Thẩm phán Mai Anh Tài: Tuy các bị cáo vắng mặt, nhưng các các cơ quan tiến hành tố tụng đã đảm bảo quyền bào chữa cho các bị cáo; ngoài luật sư gia đình mời bào chữa cho các bị cáo, các cơ quan tiến hành tố tụng đã chỉ định luật sư bào chữa cho các bị cáo; tạo điều kiện cho các luật sư nghiên cứu hồ sơ, trực tiếp tham gia một số hoạt động tố tụng đối với các bị cáo khác.

Tại Tòa án cấp sơ thẩm, sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện thủ tục tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho đại diện gia đình các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo, niêm yết công khai quyết định đưa vụ án ra xét xử tại nơi cư trú và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, yêu cầu các bị cáo ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng.

Tại Tòa án cấp phúc thẩm, sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp phúc thẩm cũng đã tiến hành đầy đủ các thủ tục về tống đạt văn bản tố tụng cho các bị cáo theo đúng quy định pháp luật; bảo đảm quyền bào chữa cho các bị cáo, nên Tòa án vẫn xét xử vắng mặt các bị cáo bỏ trốn, bị truy nã theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Càng ngày càng có kinh nghiệm, càng ngày càng có hiệu quả, càng ngày càng được dư luận hoan nghênh, ủng hộ, đồng tình, đánh giá cao; làm đồng bộ, kiên quyết, có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả cao. Phần đông các vụ việc được phát hiện sớm, xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kiên quyết nhưng có lý, có tình, có trốn chạy cũng không thoát được, trốn ra nước ngoài cũng bắt về hoặc xét xử vắng mặt không thể nào trốn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phóng viên: Tại phiên tòa phúc thẩm vừa qua, HĐXX không chấp nhận kháng cáo của 8 bị cáo vắng mặt do bỏ trốn nhưng được luật sư kháng cáo thay. Quyết định này có ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của bị cáo?

Thẩm phán Mai Anh Tài: Các bị cáo bỏ trốn đều không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất; sau khi xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm đã niêm yết công khai bản án tại nơi cư trú của các bị cáo theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 262 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, hết thời hạn kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm không nhận được đơn kháng cáo của các bị cáo vắng mặt.

Theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự, trong trường hợp này kháng cáo phải do các bị cáo tự thực hiện, người bào chữa, cũng như thân nhân của các bị cáo không có quyền kháng cáo cho bị cáo.

Việc các bị cáo bỏ trốn, bị truy nã, đến nay chưa có kết quả cũng đã thể hiện việc các bị cáo tự từ bỏ quyền của bị can, bị cáo theo quy định của Điều 60, 61 Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó có quyền kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm theo quy định tại điểm m Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự. Nên việc không chấp nhận những người bào chữa có đơn kháng cáo cho các bị cáo nêu trên là hoàn toàn đúng pháp luật và không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo này.

hdxx.jpg
Tội phạm tham nhũng dù bỏ trốn ra nước ngoài thì vẫn không thoát được sự trừng phạt của pháp luật. Ảnh: Mạnh Hùng

Phóng viên: Bản án tuyên các bị cáo hiện đã có hiệu lực pháp luật, tiếp theo cơ quan chức năng cần làm gì để những quyết định trong bản án được thực thi, thưa ông?

Thẩm phán Mai Anh Tài: Về nguyên tắc, bản án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành. Đối với những bị cáo đang bỏ trốn, sau khi bản án hình sự có hiệu lực pháp luật thì Cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền thực hiện truy bắt. Trường hợp bắt được thì áp dụng các quy định về thi hành án hình sự, thời điểm bắt đầu tính chấp hành hình phạt tù kể từ ngày thi hành quyết định của Cơ quan thi hành án hình sự.

Phóng viên: Việc xét xử cả các bị cáo là tội phạm tham nhũng bỏ trốn có tác động gì đến tình hình tội phạm này trong thời gian tới?

Thẩm phán Mai Anh Tài: Các đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài cũng phải tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, không thể thoát được sự trừng phạt của pháp luật; góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước theo đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”.

Phóng viên: Ông có thể cho biết vai trò của Tòa án trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay?

Thẩm phán Mai Anh Tài: Tòa án phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Qua đó, mang lại lẽ phải, sự công bằng cho xã hội, tạo được niềm tin của người dân vào công lý, vào nền tư pháp.

Hoạt động của Tòa án phải thượng tôn pháp luật, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật, tăng cường tính công khai, minh bạch, vô tư, độc lập trong việc ra phán quyết.

Tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống tham nhũng tại Tòa án theo đúng yêu cầu của Đảng là “phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm theo nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Phấn đấu xây dựng Tòa án nhân dân xứng đáng trở thành “Thành trì bảo vệ công lý” đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của Nhân dân.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Trốn cũng không thoát được sự trừng phạt của pháp luật