Phóng sự - Ghi chép

Bình Thuận chung tay phát triển bền vững kinh tế biển:Bài 3: Lời cảnh báo kịp thời

Sông Hương - Minh Sáng 08/08/2024 - 10:28

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy Sản, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận cho rằng, chiếc “Thẻ vàng” của EU là lời cảnh báo kịp thời để chúng ta quyết tâm hơn trong thực hiện quản lý và phát triển “nghề cá bền vững”.

Phải thay đổi để hội nhập

Theo phân tích của ông Huy, “nghề cá nhân dân” của Việt Nam có quy mô nhỏ, đa loài, trang thiết bị trên tàu lạc hậu nên việc áp dụng nhiều biện pháp để giải quyết các khuyến nghị của Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa được triệt để. Còn “nghề cá bền vững” thì mới hình thành và phát triển nên sẽ khó đáp ứng yêu cầu của thế giới.

3-1.jpg
“Thẻ vàng” của EU chính là lời cảnh báo kịp thời cho nghề cá của Việt Nam

Năm 2017, EU xác định Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang EU mà không có các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo việc khai thác là hợp pháp, được khai báo và theo quy định. Thế nên, Việt Nam đã bị cảnh cáo, nhận “Thẻ vàng” để cải thiện, có thời gian để thực thi các giải pháp phù hợp, nhằm giải quyết tình trạng khai thác IUU.

Trước khi bị EU rút “Thẻ vàng”, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang EU đạt gần 360 triệu USD, chiếm gần 30% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang EU vào năm 2016. Trong đó, cá ngừ đạt trên 115 triệu USD; mực, bạch tuộc hơn 70 triệu USD, các loại cá biển khác trên 172 triệu USD. Riêng 9 tháng đầu năm 2017, tổng xuất khẩu cá ngừ sang EU đạt trên 96 triệu USD; mực, bạch tuộc trên 83 triệu USD, và nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt trên 56 triệu USD…

3-2.jpg
Cập nhật Luật Thủy sản và trao đổi quốc tế sẽ hỗ trợ nhiều cho phát triển xuất khẩu thủy sản

Với nhiều tâm huyết cho phát triển “nghề cá bền vững”, ông Huỳnh Quang Huy từng kiến nghị một số giải pháp, mà sau này đã được đưa vào Luật Thủy sản 2017.

Cụ thể, việc khai thác nguồn lợi thủy sản phải căn cứ vào trữ lượng nguồn lợi thủy sản, gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học; tiếp cận thận trọng, dựa vào hệ sinh thái và các chỉ số khoa học trong quản lý hoạt động thủy sản để bảo đảm phát triển bền vững.

Tiếp theo là cơ quan quản lý cần nghiên cứu, điều tra, đánh giá, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản và phục hồi hệ sinh thái thủy sinh; lưu giữ giống gốc của loài thủy sản bản địa, đặc hữu có giá trị kinh tế, loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; tổ chức cộng đồng được công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản khi đáp ứng các điều kiện sau đây: Thành viên là các hộ gia đình, cá nhân sinh sống và được hưởng lợi từ nguồn lợi thủy sản tại khu vực đó;

Đăng ký tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại một khu vực địa lý xác định chưa được giao quyền quản lý cho tổ chức, cá nhân khác; có phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng.

Ngoài ra, UBND cấp tỉnh sẽ công nhận, giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực thuộc địa bàn từ hai huyện trở lên; UBND cấp huyện công nhận, giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực thuộc địa bàn quản lý; việc công nhận, giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại khu vực thuộc địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên do UBND cấp tỉnh hiệp thương quyết định.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Luật Thủy sản 2017 quy định, cơ quan nhà nước có quyền và trách nhiệm ra quyết định công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý; kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức cộng đồng; sửa đổi, bổ sung, thu hồi quyết định công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thực hiện quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Còn Tổ chức cộng đồng thì có quyền tổ chức, quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, du lịch giải trí gắn với hoạt động thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý;

Thực hiện tuần tra, kiểm tra hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm; ngăn chặn hành vi vi phạm trong khu vực được giao quyền quản lý theo quy định của pháp luật và quy chế hoạt động của tổ chức cộng đồng…

Cùng với đó, cơ quan quản lý sẽ chủ động tổ chức các đoàn đàm phán, đối thoại để EU hiểu và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai, đáp ứng các khuyến nghị của EU về IUU; tiếp tục biên dịch Luật Thủy sản sửa đổi và các văn bản dưới luật khi được sửa đổi ban hành để cung cấp cho EU.

3-3.jpg
Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực, phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU

Theo Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Bình Thuận, các sở, ngành, đơn vị và địa phương đã quyết tâm, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, bước đầu ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh vi phạm bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Tỉnh đã hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị VMS đối với tàu cá đang hoạt động; hoàn thành thống kê, phân loại, sàng lọc tàu cá “3 không” đến từng thôn, xã vùng biển để quản lý, làm cơ sở để tổ chức đăng ký theo Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tàu cá ngừng hoạt động chưa lắp đặt VMS; phát huy hệ thống giám sát tàu cá phục vụ theo dõi, giám sát, cảnh báo tàu cá vượt ranh giới biển Việt Nam.

Công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận luôn được quan tâm, nhất là xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và một số vụ việc vi phạm quy định về VMS theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và tính răn đe.

3-4.jpg
Câu chuyện “vươn khơi, bám biển, làm giàu” của ngư dân Bình Thuận vẫn tiếp diễn, dù còn nhiều khó khăn trước mắt

Tuy vậy, Bình Thuận còn một số hạn chế cần khắc phục như: Tình trạng tàu cá mất kết nối VMS vẫn xảy ra; tàu cá thường xuyên hoạt động, xuất bến ngoài tỉnh (dưới 15 mét), không thuộc đối tượng phải lắp đặt thiết bị VMS.

Công tác quản lý tàu cá “3 không” có nơi còn nương nhẹ, chưa cập nhật thường xuyên số liệu tàu cá lên hệ thống cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia Vnfishbase; hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền bên cạnh còn thiếu, chưa đáp nhu cầu neo đậu, bốc dỡ sản phẩm, ảnh hưởng đến việc kiểm soát…

Nhưng đến thời điểm hiện tại, khi sắp kết thúc thời gian cho phép (tháng 10/2024), tỉnh Bình Thuận đã cơ bản đáp ứng các điều kiện mà EU đưa ra. Do đó, mọi thứ đã sẵn sàng để đón Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) trở lại kiểm tra thêm lần nữa, nhằm xóa bỏ cảnh báo “Thẻ vàng”, lấy lại vị thế cho nghề cá, mở đường cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU thuận lợi hơn.

(Còn tiếp...)

Bài 1: Nhọc nhằn mưu sinh trên biển

Bài 2: Khắc phục triệt để tàu cá “3 không”

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Lời cảnh báo kịp thời